Nhập nhèm thời trang giảm giá, xả hàng cuối năm

12/01/2023 - 15:47

PNO - Cận tết, tại TPHCM, nhiều cửa hàng thời trang trưng băng rôn giảm giá quần áo, giày dép, túi xách..., có nơi quảng cáo giảm giá, khuyến mãi đến 80%. Tuy nhiên, rất nhiều cửa hàng đang giảm giá một đằng, bán một nẻo.

Chiêu trò mập mờ 

Hiện hầu hết các cửa hàng chuyên doanh thời trang trên các tuyến đường Nguyễn Trãi (quận 5), Hai Bà Trưng (quận 1), Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận), Quang Trung (quận Gò Vấp)… đều trưng bảng khuyến mãi, giảm giá. Mức giảm giá có nơi lên đến 50 - 80%. Nhiều cửa hàng còn tung ra chương trình đồng giá 23.000 đồng, quà tặng 0 đồng, tặng voucher trị giá 100.000 đồng, nhân đôi chiết khấu… Phần lớn người tiêu dùng thích tìm mua sản phẩm giảm giá để tiết kiệm, sản phẩm giảm giá càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, để mua được một món hàng giảm giá thực sự là không dễ.

Cửa hàng thời trang FM (Quang Trung, quận Gò Vấp) liên tục tung các chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn, kéo dài chỉ 5-7 ngày, sau đó đổi chương trình khác để thu hút khách. Băng rôn quảng cáo ghi “đồng giá 23.000 đồng” nhưng thực chất chỉ một số ít sản phẩm được áp dụng mức giá này. Chưa kể, để mua được sản phẩm với giá 23.000 đồng, khách phải mua ít nhất 2 sản phẩm, sản phẩm thứ nhất bán nguyên giá, sản phẩm thứ hai có giá thấp hơn sản phẩm thứ nhất mới được áp dụng giá 23.000 đồng. Khuyến mãi cũng giới hạn ở một số mẫu sản phẩm cũ. Khi chúng tôi hỏi về chương trình “quà tặng 0 đồng” được cửa hàng này quảng cáo thì một nhân viên giải thích: “Chị phải mua 5 sản phẩm, tính tiền 4 cái, cái thứ năm được tặng”. 

Cửa hàng FM Style (đường Quang Trung, quận Gò Vấp) liên tục tung chương trình đồng giá 39.000 đồng, 12.000 đồng nhưng thực chất khách phải mua 5 sản phẩm và sản phẩm thứ 5 có giá thấp nhất mới có giá 12.000 đồng
Cửa hàng FM Style (đường Quang Trung, quận Gò Vấp) liên tục tung chương trình đồng giá 39.000 đồng, 12.000 đồng nhưng thực chất khách phải mua 5 sản phẩm và sản phẩm thứ 5 có giá thấp nhất mới có giá 12.000 đồng

Trước đó cũng cửa hàng này quảng cáo “sale đồng giá 12K” (bán đồng giá 12.000 đồng/sản phẩm - PV), nhưng khi vào trong cửa hàng, chúng tôi mới biết khách phải mua 5 sản phẩm thì sản phẩm có giá thấp nhất mới được tính giá 12.000 đồng. Nhiều khách thấy mức giảm giá hấp dẫn ghé vào cửa hàng nhưng sau đi ra, không mua gì. 

Tương tự, cửa hàng Boys chuyên kinh doanh quần áo nam (Nguyễn Trãi, quận 5) cũng quảng cáo giảm giá 50% toàn bộ sản phẩm, nhưng thực chất chỉ giảm 50% cho sản phẩm thứ hai có giá thấp hơn sản phẩm thứ nhất. Hơn nữa, chỉ áp dụng khuyến mãi cho khách hàng thanh toán trước 10 giờ sáng và mỗi khách hàng chỉ được mua giảm giá tối đa 1 sản phẩm. Phần lớn khách sau khi vào trong cửa hàng mới biết khuyến mãi không như thông tin quảng cáo treo bên ngoài, có người nán lại xem hàng, có khách bực dọc ra về. 

Quảng cáo một đằng, khuyến mại một nẻo 

Ngay cả những chuỗi thời trang lớn cũng trưng băng rôn giảm giá 70%, tặng voucher 100.000 đồng…, nhưng để nhận được ưu đãi, khách phải mua đơn hàng trị giá cao. Chị Ngọc Phương (ngụ quận 3, TPHCM) kể, chị thấy thương hiệu Jockey giảm giá đến 70% nên chị định mua để tiết kiệm. Thế nhưng, các cửa hàng chỉ chủ yếu áp dụng giảm giá 70% cho một số mẫu sản phẩm cũ, không giảm giá sản phẩm mới. Số lượng hàng giảm giá cũng không có nhiều mẫu để chọn. Muốn mua sản phẩm mới với giá giảm 5 - 10%, khách phải mua từ 4-5 sản phẩm trở lên. Chúng tôi đến các cửa hàng Jockey ở đường Hai Bà Trưng (quận 1), Quang Trung (quận Gò Vấp) và trung tâm thương mại Diamond (đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3) thì thấy không có sản phẩm Jockey nào đang được giảm giá 70%. Nhân viên bán hàng tại cửa hàng Jockey ở Diamond cho biết chỉ khi mua các sản phẩm Vera (cũng thuộc chuỗi cửa hàng này) với hóa đơn trên 1,2 triệu đồng mới được tặng voucher 100.000 đồng.

Nhìn chung, sức mua hàng thời trang năm nay giảm mạnh, các cửa hàng đua nhau quảng cáo giảm giá để kích thích tiêu dùng. Nhưng nếu quảng cáo một đằng, khuyến mãi một nẻo như vậy thì các cửa hàng, thương hiệu vừa khó bán được hàng, vừa tạo tâm lý không tốt với khách hàng.

Chị Tuyền - chủ cửa hàng thời trang Subibo (quận 12) - cho biết năm nay sức tiêu thụ quần áo giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái; giá hàng nhập vào tăng từ 10 - 20% nên giá bán lẻ cũng tăng mức tương ứng. Năm trước, sức tiêu thụ ở kênh online rất mạnh do các tỉnh không nhập được hàng vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Năm nay, việc lưu thông hàng hóa thông suốt nên kinh doanh online giảm, chủ yếu bán trực tiếp nhưng sức mua cũng rất chậm. Xu hướng người tiêu dùng chọn mua sản phẩm có giá vừa phải nên chị chủ yếu bán sản phẩm được sản xuất trong nước, chỉ nhập ít hàng từ Quảng Châu (Trung Quốc) để đa dạng mẫu mã. Giá hàng Quảng Châu cao hơn hàng Việt Nam từ 50.000-100.000 đồng/sản phẩm, ít khách mua. 

Tại các chuỗi thời trang Uniqlo, H&M, Muji…, khách hàng mua sắm khá nhiều. Các hãng này dù áp dụng giảm giá không nhiều, chỉ khoảng 50.000-100.000 đồng/sản phẩm nhưng giá giảm đúng. Các ưu đãi không áp dụng đồng loạt sản phẩm mà luân phiên giảm giá theo từng mã hàng, kể cả các mẫu sản phẩm mới nên khá thu hút khách. Hơn nữa, các thương hiệu này còn áp dụng chính sách đổi, trả hàng linh hoạt tạo sự thoải mái cho khách. 

Tại các hệ thống siêu thị LOTTE Mart, Emart, AEON, Co.opmart..., nhiều sản phẩm quần áo, giày dép, túi xách... cũng đang được giảm giá. Chẳng hạn một bộ áo dài giá 439.000 đồng giảm còn 329.000 đồng/bộ, 219.000 đồng giảm còn 159.000 đồng/bộ, 179.000 đồng giảm còn 129.000 đồng/bộ; áo sơ mi nam 389.000 đồng giảm còn 309.000 đồng/cái, áo khoác 189.000 đồng giảm còn 139.000 đồng/cái... 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI