Nhà văn viết bằng cả cuộc đời, không cần danh hiệu

02/06/2022 - 16:34

PNO - "Nhà văn nói về nghề" là cuốn sách được Hội Nhà văn TPHCM và Nhà xuất bản Văn học ấn hành, gồm những suy ngẫm của các nhà văn nhiều thế hệ.

Lần đầu tiên có một ấn phẩm tập hợp các bài viết của nhà văn nhiều thế hệ, cùng nói về "nghề văn": Nhà văn nói về nghề (Nhà xuất bản Văn học ấn hành). Qua suy ngẫm của nhiều người cầm bút, nghề chữ nghĩa được soi chiếu từ nhiều góc độ. Đây cũng là một ấn phẩm rất đáng đọc. 

"Mỗi một thế hệ, cũng như từng nhà văn, giỏi lắm cũng chỉ làm tốt vài chức phận xã hội bằng một số tác phẩm nào đó mà thôi. Nhưng phàm đã là nhà văn thì đều phải chung vai gánh vác một sứ mệnh chung là góp sức làm giàu cho ngôn ngữ của dân tộc" - nhà văn Trang Thế Hy gửi gắm trong bài viết Quan niệm về nghề. Với nhà văn Nguyễn Minh Châu, "người viết văn là một người nặng nợ với đời. "Cuộc đời của anh ta là một cuộc đời không bao giờ được phép lăn lộn trong cuộc sống thực tế, không bao giờ ngừng nghiên cứu và quan sát xã hội".

Nhiều thế hệ nhà văn góp mặt trong ấn phẩm về nghề văn
Nhiều thế hệ nhà văn góp mặt trong ấn phẩm về nghề văn

Trong cuộc dấn mình với văn chương ấy, không nhà văn nào nói về mong cầu rằng bản thân mình sẽ là ai, được yêu mến và vinh danh như thế nào khi tác phẩm ra đời. Họ nói về tình yêu với chữ nghĩa, về sự dấn thân với văn nghiệp, về hạnh phúc đơn thuần mà to lớn như là phút giây được đặt dấu chấm hết cho một bản thảo. 

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhìn nhận rằng, có lẽ không nghề nào trên đời mà công cụ lao động lại đơn giản như nghề văn. Chỉ cần giấy bút, máy đánh chữ hoặc một chiếc máy tính, thế nhưng tất cả những gì họ viết là kết tinh bằng cả cuộc đời, vốn sống, tri giác, cảm xúc, kinh nghiệm... Nhà văn Ma Văn Kháng cho rằng nhà văn chính là "người học nghề mãi mãi". Trên trường văn trận bút, nhà văn không phải vì một hai tác phẩm thành công, ghi dấu ấn mà có thể trở nên tự mãn. Ngược lại, họ càng cần phải không ngừng trau dồi vốn sống, đọc và học từ cuộc đời.

"Mạt vàng là thứ quý báu của đời sống. Nhà văn không sáng tạo nổi chi tiết mà phải biết nắm bắt chi tiết để dành sẵn đó, dùng cho từng tác phẩm. Muốn có nhiều chi tiết phải lăn lóc trong đời, cho đời" - nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết, trong bài Đãi cát tìm vàng. Hơn 50 năm cầm bút, nhà văn Anh Đức vẫn thấy mình "tựa như bơi giữa biển lớn", cứ bơi hoài giữa mênh mông mà không bao giờ cảm thấy hài lòng với sự thể hiện của mình. "Nhà văn phải không ngừng viết, đọc, học, không ngừng sống hết mình chỉ là để mài sắc cái tôi của mình" - lời nhà văn Bảo Ninh.

Buổi tọa đàm về ấn phẩm Nhà văn nói về nghề (do Hội Nhà văn TPHCM tổ chức) sẽ được diễn ra vào sáng ngày 8/6
Buổi tọa đàm về ấn phẩm "Nhà văn nói về nghề" (do Hội Nhà văn TPHCM tổ chức) sẽ diễn ra vào sáng ngày 8/6

Sự ẩn nhẫn và khiêm cung, lặng lẽ và cần mẫn, sáng tạo và vắt kiệt sức mình trên cánh đồng chữ nghĩa mới khiến người cầm bút có thể tạo nên những sáng tạo trác tuyệt, để lại cho đời. Văn chương không thể để "làm dáng" hay viết để có danh mà đó là sự dấn thân vào chữ nghĩa, vào đời sống mà sáng tạo, mà cống hiến.

Lời nhắn nhủ của cố nhà văn Lê Văn Thảo vẫn vẹn nguyên giá trị cho mọi thế hệ người cầm bút sau này: "Sống chân thật để viết chân thật, viết từ lòng mình, sâu thẳm trong trái tim mình, một chút "mạ vàng" sẽ lộ ra ngay. Văn chương rất khắc nghiệt, không chấp nhận sự làm dáng, phô trương... Có thể che giấu với đời, không thể che giấu chữ nghĩa" - trích bài viết Sống chân thật, viết chân thật.

Nhà văn nói về nghề còn có bài viết của các nhà văn Sơn Nam, Tô Hoài, Phạm Hổ, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Ngọc Tư, Hồ Anh Thái... Ở góc độ nào, cũng đều là những trăn trở, tâm tình sâu lắng với văn chương, là những kết tinh chữ nghĩa, những bài học giá trị để lại cho người sau.

"Sự thú vị của cuốn sách còn ở tính đa dạng trong thống nhất của nhiều quan điểm, nhiều thế hệ viết với những môi trường sống, làm việc, vạch xuất phát khi viết văn... Cách hiểu, cách hành xử với nghề của nhà văn thể hiện rõ dấu ấn thời đại của một thế hệ biết mình biết người, nghiêm cẩn với nghề, luôn cởi mở, năng động để hoàn thiện, hội nhập" - PGS.TS Bùi Thanh Truyền nhận định. 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI