Nhà chồng cứ chụp ảnh con tôi đăng lên mạng xã hội mà không hỏi ý kiến vợ chồng tôi

21/06/2022 - 17:01

PNO - Em nên thẳng thắn nói chuyện với các tay máy “paparazi” bên nhà chồng là em không thích chụp ảnh, khoe ảnh trên mạng xã hội, đặc biệt đối với hình ảnh của con em.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em không thích chụp hình. Lý do thì nhiều nhưng cơ bản là vì em nghĩ mình không ăn ảnh, chụp hình kiểu nào cũng xấu. Vì vậy, em rất ít khi chụp, đăng ảnh.

Nhưng nhà chồng em thì trái ngược hoàn toàn. Từ chị chồng đến em chồng đều thích chụp ảnh, đăng ảnh; cái gì cũng chụp và đăng lên mạng xã hội.

Dù biết đó là trang mạng cá nhân, quyền quyết định là của mỗi người nhưng nhiều khi thấy chị, em chồng chụp hình con em, đăng hình con em mà không hề hỏi ý kiến vợ chồng em, em rất khó chịu. Hơn nữa, em cứ như người phải đứng giữa, chịu trận trong vụ chụp và đăng hình.

Em ít khi bình luận trên Facebook, mấy chị mở rộng qua Zalo, Viber, tạo nhóm rồi đăng hình lên đó. Không bình luận thì em bị kêu là chảnh, mà tham gia thì quá mất thời gian.

Dạo này em còn thấy việc chụp và đăng hình còn tạo ra màn cạnh tranh ngầm về hình ảnh cá nhân. Hễ bữa nay chị Hai đăng hình cả nhà đi cà phê, mặc đồ đẹp là buổi chiều cô Út cũng phải đăng một hình khác như vợ chồng dẫn con đi chơi, “sống ảo” ở đâu đó. Hình nào cũng ảo lồng lộn do chỉnh sửa chứ có phải là sự thật vậy đâu.

Mà đâu phải chỉ thích hay bình luận kiểu thảo mai trên mạng, mọi người còn hay lấy hình ra coi rồi bình luận, “bà tám” đủ thứ. Cứ nghĩ tới việc nhà mình cũng bị lôi vào những câu chuyện đó, em rất bực mình. Em phải làm sao để nếu họ không bớt chụp bớt đăng thì chỉ chụp và đăng hình của họ mà thôi?

Thanh Huyền (TP.HCM)

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Em Thanh Huyền thân mến, 

Từ khi smartphone ra đời, cái camera của máy ảnh gần như trở thành một kiểu kể chuyện, nói chuyện. Chụp ảnh trở thành thói quen khó bỏ đối với nhiều người.

Việc nhìn ngắm hình ảnh của bản thân tạo ra một cảm xúc thỏa mãn nhất định nên hầu hết mọi người đều thích chụp ảnh, đăng ảnh và nghe người khác khen ảnh của mình - như một kiểu khen mình.

Thay đổi hoàn toàn điều này là rất khó. Vậy nhưng nếu mình im lặng, chuyện sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Vì vậy, biết là khó nhưng rõ ràng mình phải xử lý, em ạ. 

Em nên thẳng thắn nói chuyện với các tay máy “paparazi” bên nhà chồng là em không thích chụp ảnh, khoe ảnh trên mạng xã hội, đặc biệt đối với hình ảnh của con em. Em khéo léo giải thích cho các chị em biết rằng em muốn giữ cuộc sống riêng của gia đình trong phạm vi mình có thể quản lý. Nếu đăng ảnh lên mạng xã hội, em tự thấy mình không đủ thời gian và khả năng để quản mọi vấn đề có thể phát sinh.

Nếu các chị chụp ảnh trong các sinh hoạt chung của gia đình lớn, đôi khi mình phải chấp nhận việc đăng tải tấm ảnh đó nhưng với những hình ảnh riêng, các chị nên để cho vợ chồng em xem và quyết định. Có thể thẳng thắn chuyện này mà không ngại giận, vì ai cũng sẽ nói rằng đăng ảnh để “cho vui thôi chứ có gì đâu mà căng thẳng”.

Nếu em cảm thấy không vui, thậm chí lo lắng, em nên chia sẻ suy nghĩ và đề nghị các chị em thay đổi. Mình chấp nhận một vài sự khó chịu ban đầu, sau đó mới có thể kiểm soát được mọi chuyện.

Việc bình luận ảnh cũng vậy, không cần phải “thảo mai” mọi nơi mọi lúc; khi mình bận hoặc không thích, cứ bỏ qua. Một trong những chất gây nghiện của mạng xã hội là sự tương tác tức thì, đông đảo. Nếu em không tương tác, lâu dần người ta cũng sẽ quen và không khăng khăng đòi em phải thích hay bình luận nữa.

Chụp ảnh là một thói quen, đăng và bình luận cũng là một thói quen. Thay đổi thói quen không phải là việc một sớm một chiều, em cần kiên nhẫn. Chỉ cần xác định mình không chịu thua, không để cho mạng xã hội và thói quen của người khác kiểm soát đời sống của mình.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC

Hà Giang (Q.Tân Bình, TP.HCM): Cứ thẳng thắn bày tỏ

Theo tôi, nếu không thích điều gì, bạn cứ nói thẳng. Có những thứ càng lằng nhằng càng khiến mình bực, không giải quyết được gì. Cái khó của bạn là nói làm sao mà vẫn giữ được hòa khí, chứ khiến mọi thứ bung bét dẫn tới ghét bỏ nhau thì không nên.

Nếu là tôi, nhân dịp thuận tiện, tôi sẽ nấu một nồi bún bò mời mọi người ăn cho vui rồi nói chuyện. Nguyên tắc của tôi là nói điều họ thích nghe trước, sau đó đưa ra đề nghị của mình. Bạn cần nói sao cho khéo. Nếu không thể nói chuyện, bạn có thể viết ra và gửi. Viết thì đỡ ngại hơn nhưng diễn đạt sao cho họ không hiểu sai ý mình lại là chuyện khó. Chúc bạn thành công.

Mai Thảo (H.Tây Trà, Quảng Ngãi): Cự tuyệt là cách phản ứng hiệu quả

Tình cảnh nhà tôi dạo trước cũng giống bạn bây giờ. Tôi cứ hay tự hỏi không hiểu sao bây giờ ai cũng thích chụp hình, livestream… Nhiều bữa đi ăn chung, chơi chung, tôi rất ngại vì mình cứ bất đắc dĩ xuất hiện trên Facebook.

Lướt mạng, thấy hình tôi trên đó, bạn bè cứ hỏi sao tôi đi chơi hoài. Ngay cả sếp tôi cũng hỏi khiến tôi rất ngại. Có lần bực quá tôi quát lên “đừng livestream nữa” khiến chị tôi giận tôi suốt mấy tuần. Vậy nhưng tôi lại thấy mình yên thân và cảm thấy chiêu này hiệu quả. 

Tháng trước, lúc cả nhà đi đám cưới, chị tôi có vẻ kiềm chế việc chụp hình, livestream, không còn cảnh cầm điện thoại chạy lung tung nữa. Khi về, tôi cố ý ngồi gần chị, tâm sự rằng không phải tôi ghét việc đó. Nó rất vui.

Tuy nhiên, tôi cảm thấy thiếu tự tin, thậm chí bực mình khi đang giờ làm việc, đang phát biểu… mà những hình ảnh thiếu nghiêm túc của mình thình lình xuất hiện công khai trên mạng xã hội. Nếu chẳng may bộ dạng của mình chưa được chỉn chu, ai livestream mình, chắc chắn mình cũng không vui.

Cần góp ý thẳng, bạn ạ!

 

 

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI