Người yêu không muốn gia đình biết về đám cưới của chúng tôi

08/08/2023 - 19:54

PNO - Lòng tốt và sự tử tế có thể giúp một người thay đổi, nhất là khi người ấy đã lớn tuổi, đã đến lúc phải nhìn lại cuộc đời mình.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Người yêu em là một đứa con bị bỏ rơi. Từ bé, mẹ anh đã giao anh cho một người họ hàng xa trên thành phố, để anh làm giúp việc trong ga ra xe của họ. Lúc đó anh mới có 13 tuổi, mà nhìn hình em thấy anh gầy gò và rất buồn bã.

Trong ký ức tuổi thơ của anh từ khi còn bé xíu tới năm mười mấy tuổi, là những trận đòn của người cha say xỉn suốt ngày, và những lời chửi mắng của mẹ anh khi bà thua bài.

May mắn là ở nơi người họ hàng, anh đã lọt vào mắt một ông giám đốc hiếm muộn con - người sau này trở thành cha nuôi của anh. Thấy anh nhỏ nhưng ngoan ngoãn, siêng năng và thông minh, ông giám đốc đã nói với người họ hàng là sẽ cho tiền để anh đi học nếu anh muốn.

Rồi cuối cùng là ông đưa anh về ở với ông luôn. Nghe anh nói hình như lúc đó ông đã phải trả tiền hàng tháng để người họ hàng gửi cho ba mẹ anh ở quê. Nhưng ba nuôi anh thì không khẳng định gì về điều đó.

Người yêu em đi du học, tốt nghiệp về làm việc với ba nuôi. Anh rất thương yêu ba mẹ nuôi, và luôn luôn tránh né, không muốn nhắc hay nhớ gì về cha mẹ ruột của mình.

Còn vài tháng nữa là tụi em cưới nhau. Khi em hỏi anh có muốn thông báo cho cha ruột về đám cưới hay không (mẹ anh đã mất trong thời gian anh đi du học), và ai sẽ là người đứng trên sân khấu để ra mắt họ hàng, bạn bè hai bên, thì anh nói là anh không muốn thông báo gì cả, để sau này hãy tính.

Thế nhưng không dè là ba ruột anh đã biết tin, và ông lên tận thành phố tìm anh. Cho đến tuổi này, ông vẫn nghiện rượu và hình như rượu làm đầu óc ông luôn không tỉnh táo. Ông mắng anh là bất hiếu, vô ơn, và nói nhất định ông sẽ đến dự đám cưới với tư cách là bố anh.

Em giờ rất lo lắng, sợ hãi, băn khoăn. Vì em không nói thật với ba mẹ em về nguồn gốc của anh. Ba mẹ anh vẫn tưởng rằng anh là con ruột của ba mẹ nuôi. Em không biết nếu nói ra, ba mẹ em có phản đối đám cưới hay không?

Em cũng sợ không biết ba ruột anh có làm gì ảnh hưởng đến đám cưới của tụi em không? Em cũng không biết rằng rồi ông có can thiệp vào đời sống gia đình em sau này không? Em rất sợ ông. Nhưng người yêu em nói rằng ông ấy chỉ cần tiền để uống rượu, nên anh sẽ chu cấp tiền cho ông ấy uống là xong. Và anh muốn em giữ kín chuyện này với gia đình em.

Ba mẹ nuôi anh thì khuyên anh nên nói chuyện với ba ruột, và nói rằng dù sao đó cũng là ba của anh, giờ ông ấy đã già và anh có nhiệm vụ báo hiếu ông. Người yêu em nói rằng, nếu báo hiếu thì anh báo hiếu cho ba mẹ nuôi chứ không phải là ông ấy.

Chỉ còn có 4 tháng nữa là đám cưới, mà mọi việc cứ rối mù lên. Em rất lo lắng, em xin chị cho em lời khuyên.

Hà Thu

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Em Hà Thu thân mến,

 

Trước tiên, chúng ta hãy nói về việc có liên quan trực tiếp đến em, là có nói rõ về thân thế của người yêu em với cha mẹ em hay không? Theo Hạnh Dung nghĩ, cái thân thế mà em và người yêu muốn giấu đó, hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến tư cách, phẩm hạnh của người yêu em, hay đúng hơn là có ảnh hưởng tốt, vì từ khi được nhận làm con nuôi, anh đã được ăn học đàng hoàng và trở thành người tử tế.

Cha mẹ em gả con gái mình đi, thì có quyền được biết mọi điều trung thực nhất về chàng rể của mình, về người sẽ bao bọc, chăm sóc con gái mình, người sẽ nuôi dạy các cháu của mình lớn lên. Lúc này chính là lúc cần nói rõ ràng mọi chuyện, và Hạnh Dung hy vọng rằng điều này sẽ chỉ khiến cha mẹ em thương con rể nhiều hơn, khi biết anh đã trải qua một tuổi thơ vất vả, và phải phấn đấu rất nhiều để có được ngày hôm nay.

Chính bản thân em và người yêu em cũng phải tin vào điều đó, tự hào về điều đó, em nhé. Để có thể cảm thấy tự hào và yêu thương nhau nhiều hơn, bù đắp, gầy dựng một cuộc sống hạnh phúc hơn cho người mình thương yêu.

Riêng về phần mối quan hệ của người yêu em, sau này là chồng em, với cha ruột của mình, Hạnh Dung nghĩ anh cứ rạch ròi trong tình cảm của mình: một bên là người có công sinh thành, một bên là người có công dưỡng dục.

Dù tình cảm của anh có nghiêng về người nuôi dưỡng, và vết thương lòng của tuổi thơ cũng chưa lành được, thì cũng hãy giữ cho mình được thăng bằng và bình an, bằng cách đối xử tử tế với ông, xứng với công sinh thành của ông. Từ chối hẳn cha ruột của mình, Hạnh Dung nghĩ rằng rồi sau này chính anh cũng không thấy an lòng.

Lòng tốt và sự tử tế có thể giúp một người thay đổi, nhất là khi cha ruột của anh ấy chắc cũng đã lớn tuổi, đã đến lúc phải tỉnh ra mà nhìn lại cuộc đời mình. Hãy dành tiền bạc và tình cảm để giúp ông ấy sống tốt hơn, chứ không đơn giản là cung cấp tiền cho ông ấy uống rượu nhiều hơn. Khi đó ông sẽ đòi hỏi, bám riết để quấy nhiễu các em đáp ứng những nhu cầu không giới hạn của mình.

Cư xử sao cho cân bằng, vừa gầy dựng lại được chút tình, vừa giúp ông tỉnh ngộ là một điều khó khăn, nó đòi hỏi các em vừa phải bình tĩnh, vị tha; vừa phải cứng rắn, cương quyết. Hy vọng là các em sẽ làm được!

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI