Người phụ nữ kiên trì nuôi tôm trên mảnh đất phèn

11/10/2022 - 06:04

PNO - Bà Nguyễn Thị Nhiệm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Thuận Yến, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ - là nông dân sản xuất giỏi của TPHCM nhiều năm qua nhờ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ biofloc. Ngày 7/10 vừa qua, bà là một trong số 28 nông dân được tuyên dương “Nông dân tiêu biểu TPHCM”.

Không còn những đêm giật mình 

“Thằng tôm này coi vậy chứ nó làm mình giật mình hoài. Trước đây, mình nuôi kiểu truyền thống, nửa đêm nghe điện thoại reo là sợ. Mất điện một lát thôi là nó nổi trắng ao. Nay nhờ đầu tư hệ thống điện hòa lưới tự động, quy trình chạy ổn định, trơn tru, ngủ yên hơn” - bà Nguyễn Thị Nhiệm đứng trên miếng ván hẹp dẫn ra giữa ao tôm lót bạt, nói. Tiếng của bà lẫn giữa âm thanh lào xào của những guồng quạt nước đang quay đều trên những ao tôm. 

Bà Nguyễn Thị Nhiệm giữa trang trại 9ha tại xã An Thới Đông, H.Cần Giờ, TP.HCM
Bà Nguyễn Thị Nhiệm giữa trang trại 9ha tại xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, TPHCM

Bà cầm sợi dây đang buộc chặt vào cây sào giữa ao, kéo nhẹ. Chiếc nia dưới hồ từ từ trồi lên, bên trong là hàng chục con tôm đang cong mình búng lách tách: “Tôm này đang độ xuất ao, đêm qua vừa ra chợ 8 tạ. Thường là thu một lần thôi, nhưng đợt này phải thu bói, vì tôm không đạt độ lớn đều theo yêu cầu”.

Đi dạo một vòng quanh các ao tôm, bà Nhiệm cho biết thêm, giống tôm bà đang nuôi là tôm thẻ chân trắng CP của Thái Lan, với mật độ nuôi khoảng 300 con/m2. Cách đây bốn năm, bà chỉ nuôi 100 con/m2 nhưng hiện tại, bà đã đầu tư dàn mô-đun xử lý nước đầu vào, đầu ra và cả ao nuôi. Đó là mô hình nuôi tôm theo công nghệ biofloc, giúp kiểm soát môi trường tốt hơn, nhờ đó tăng được mật độ tôm trên mỗi mét vuông mặt ao. 

Biofloc là quá trình tự nitrat hóa trong ao nuôi tôm mà không cần thay nước. Biofloc tập hợp một khối các chất hữu cơ lơ lửng trong nước, có khả năng đồng hóa các loại chất thải hữu cơ để chuyển thành sinh khối của vi khuẩn trong thời gian rất ngắn nhằm cải thiện môi trường nước mà không cần ánh sáng.

Bà nuôi 400.000 con tôm trong ao lớn, 300.000 con tôm trong ao nhỏ, tỷ lệ hao hụt khoảng 30%. Nếu thuận lợi, trong 90 ngày, tôm được xuất ao, đạt trọng lượng 35 con/kg. Nhưng vụ này, đến lúc cần thu hoạch, tôm chỉ đạt mức 60 con/kg. Bà Nhiệm giải thích: “Sản lượng giảm gần một nửa là do mưa bão liên miên. Thường mùa này, nông dân ở đây “treo” ao, nghỉ hết bởi mưa xuống khiến nước bị pha ngọt, dễ sinh vi khuẩn, tôm phát triển chậm. Nhưng phải duy trì sản xuất, cố gắng không lỗ. Được cái là mùa này giá hơi nhỉnh do người ta nuôi dễ hư, sản lượng thấp”. 

Trong khuôn viên trang trại khoảng 9ha ở xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, bà Nhiệm dùng một phần đất để nuôi tôm. Mỗi vụ, bà nuôi tôm trong bốn ao, gồm hai ao vuông, hai ao tròn, mỗi ao có diện tích khoảng 3.000 - 4.000m2. Nhưng để phục vụ cho khoảng 12.000 - 16.000m2 ao nuôi đó, cần có diện tích đất nhiều gấp ba lần. 

Theo chân bà Nhiệm, chúng tôi đi dọc theo những ao lớn chứa nước để chuẩn bị cho vụ sau. Nước sông từ ao chứa đầu tiên được dẫn qua ao thứ hai cho bớt đục, được lược bằng thuốc tím. Ngoài ra, còn có thêm những ao khác để chứa nước thải sau khi thu hoạch. 

Hiện nay, với diện tích trên, mỗi năm, trang trại của bà Nhiệm thu 60 tấn tôm, lợi nhuận gần 700 triệu đồng. Bà cho biết, ngoài các yếu tố thời tiết, địch họa, vai trò của người chăm sóc tôm cũng quan trọng không kém: “Hệ số thức ăn khi nuôi dày là 1,4kg thức ăn/kg tôm; nếu tăng lên 1,7kg thì lỗ, tôm dễ bị bệnh chứ không phải cứ ăn nhiều là mau lớn”. 

Kiên trì, dám đánh đổi

Trang trại của bà Nhiệm tạo việc làm ổn định cho bảy người lao động với thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng, đồng thời còn giải quyết việc làm thời vụ cho nhiều người khác. Bên cạnh đó, hợp tác xã của bà cũng xây dựng được một số thương hiệu ổn định, được thị trường biết đến dù vẫn đang thiếu nhân sự cho khâu quảng bá hay bán hàng theo hướng hiện đại.

Ngoài mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, bà Nhiệm còn nuôi yến và kinh doanh tổ yến. Hiện bà cũng bắt đầu nuôi thử nghiệm cá dứa
Ngoài mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, bà Nhiệm còn nuôi yến và kinh doanh tổ yến, hiện bà cũng bắt đầu nuôi thử nghiệm cá dứa

Để có cơ ngơi này, bà phải đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức, tiền của bởi “chỉ là dân tay ngang chuyển sang nông nghiệp”. Bà tốt nghiệp cử nhân luật, sau học thạc sĩ quản trị, rồi vào làm việc ở Công ty Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco). Bà chọn trở về huyện Cần Giờ do có khoảng sáu năm (từ năm 1981-1987) làm Phó giám đốc Nông trường dừa Đỗ Hòa của lực lượng thanh niên xung phong, đóng ở xã Tam Thôn Hiệp. 

Năm 2009, sau một lần trở lại huyện Cần Giờ, thấy nơi này có tiềm năng và mình có thể đóng góp vào sự phát triển kinh tế của huyện, bà xin nghỉ hưu sớm 5 năm, bắt đầu mua đất, ban đầu 3ha, sau đó nhân rộng dần. Không đủ nguồn lực kinh tế để làm một mình, bà rủ một số người bạn thành lập Hợp tác xã Thuận Yến. Từ chín thành viên ban đầu, nay hợp tác xã có 11 thành viên.

Khi bắt đầu làm nông nghiệp, cơ sở hạ tầng gần như là con số 0. Con đường đi vô khu đất không có, phải làm từ từ. Điện, nước sinh hoạt cũng không. Đất toàn cây bụi mọc hoang, lại là đất sình, phèn, mặn. Bà phải vừa làm, vừa mò mẫm tìm hướng đi. 

Ban đầu, việc điện một pha không đủ công suất để phát triển sản xuất, bà quyết định bỏ ra 400 triệu đồng để đầu tư trạm điện ba pha rồi sau này thêm 800 triệu đồng cho hệ thống hòa lưới tự động. Nguyên một đoạn dài không có cây nước, bà phải xin nối nước từ xã Tam Thôn Hiệp qua bằng hệ thống đường ống dài nhiều cây số, nhưng do đất của hợp tác xã ở cuối đường ống nên nước hụt thường xuyên. 

Không có vốn lớn để đầu tư thiết bị hiện đại, bà xác định đi từng bước chậm. Khi xác định được phương hướng sản xuất rồi, bà cùng các thành viên trong ban quản trị cố gắng chuyển đổi dần từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang hình thức cao hơn, theo xu hướng cải tiến hơn.

Hiện bà Nhiệm đang trăn trở về việc quảng bá sản phẩm, bán hàng theo xu hướng mới để đưa sản phẩm đi xa hơn: “Hồi xưa, tôi nghĩ hữu xạ tự nhiên hương, chỉ cần sản phẩm mình ngon, chất lượng thì người ta tự tìm tới, nhưng thời này, suy nghĩ đó không hợp nữa. Sản phẩm có chất lượng nhưng phải biết cách quảng bá thì mới đi xa được. Đây là khâu còn yếu của hợp tác xã và chúng tôi đang tìm cách giải quyết”. 

Ngoài mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, Hợp tác xã Thuận Yến còn nuôi yến và sản xuất tổ yến hơn 10 năm nay. Đặc biệt, từ năm 2019, hợp tác xã bắt đầu có những đơn hàng sỉ ổn định; năm 2020, hợp tác xã đạt doanh thu 8 tỷ đồng. Hiện nay, ngoài hai nhà nuôi yến ở huyện Cần Giờ, hợp tác xã của bà Nhiệm đang phát triển thêm một số nhà yến ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Ngoài ra, hợp tác xã cũng bắt đầu thử nghiệm mô hình nuôi cá dứa.

Năm 2019, bà Nhiệm được UBND TPHCM tặng bằng khen vì đã có mô hình sản xuất hay, sáng tạo, giải quyết việc làm ở nông thôn, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở TPHCM giai đoạn 2010-2020. Ngoài ra, bà được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM tặng giấy khen về thành tích xuất sắc trong sản xuất nông nghiệp.

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI