Người mua nhà "hẹp cửa" vay ngân hàng

19/03/2016 - 07:51

PNO - Những người thu nhập thấp hiện rất lo khi nhận ra mình phải trả lãi suất cao cho phần vốn giải ngân sau khi gói 30.000 tỷ đồng hết hạn (31/5/2016).

Người thu nhập trung bình, khá cũng lo không kém khi dự thảo sửa đổi Thông tư 36 đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến.

Khó khăn tìm chốn an cư

Theo thống kê của Ngân hàng (NH) Nhà nước, tính đến ngày 31/12/2015, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của NHTM nhà nước, NHTM cổ phần lần lượt là 33,36% và 36,90%. Tỷ lệ này lại đang tăng nhanh trong các tháng đầu năm 2016 và tiệm cận mức 40% tại nhiều NHTM. Do đó, nếu NH chỉ được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn (thay vì 60% như trước đây) để cho vay trung và dài hạn như dự thảo Thông tư 36 sửa đổi, thì rõ ràng thị trường BĐS sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ngoài việc bị hạ thấp tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn từ 60% xuống 40%, NH còn phải nâng hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS từ 150% lên 250%. TS Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cho rằng, việc điều chỉnh hệ số rủi ro từ mức 150% lên 250% trong thời gian ngắn có thể gây “sốc”, ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của thị trường.

Khi tăng hệ số rủi ro, đồng nghĩa với việc các NH phải “siết” những quy định cho vay, lãi suất cũng có thể bị điều chỉnh tăng. Điều này khiến các doanh nghiệp (DN) phải điều chỉnh phương án kinh doanh để phù hợp với quy định mới của NH, dẫn đến gia tăng dự án dở dang, tăng lượng hàng tồn kho, giảm cơ hội tìm nơi an cư của người dân.

Nguoi mua nha
Siết gói tín dụng BĐS 30.000 tỷ người mua sẽ gặp nhiều khó khăn

Theo ông Phạm Lê Tuấn, Tổng giám đốc Công ty BĐS Hưng Lộc Phát, việc ban hành Thông tư 36 sửa đổi sẽ gây tâm lý xấu đến toàn thị trường. Nhà đầu tư hoang mang, khách hàng lo lắng vì người dân sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc vay tiền mua nhà, trong khi DN phải cắt giảm dự án. Trong một thị trường mà vốn ngắn hạn phục vụ vay trung và dài hạn như ở Việt Nam hiện nay, mỗi điều chỉnh dù nhỏ sẽ tác động rất lớn.

Dự thảo Thông tư 36, đứng ở góc độ quản lý nhà nước, là việc làm hợp lý, nhưng khi ban hành cần có lộ trình điều chỉnh phù hợp để DN và NH thu xếp kế hoạch của mình, cũng như hỗ trợ người tiêu dùng vì thị trường BĐS Việt Nam hiện nay phụ thuộc vào hai nguồn vốn là NH và huy động từ khách hàng, mà nguồn vốn huy động từ khách hàng cũng phần lớn lại có nguồn gốc từ NH. Thực tế trên cho thấy, thị trường BĐS trong thời gian tới sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn.

Lo âu

Anh Lê Kim Khung, hiện thuê căn hộ tại chung cư Lê Thành - Tân Tạo (Q.Bình Tân, TP.HCM) cho biết, cách đây nửa năm, anh đã đặt cọc một căn hộ tại dự án nhà giá rẻ ở H.Bình Chánh, nhưng do không đáp ứng được điều kiện của NH, anh không mua nữa. “Vợ chồng tôi thuê căn hộ này với giá 2,5 triệu đồng/tháng để ở tạm, chờ kiếm dự án khác, nhưng giờ tôi không dám tìm căn hộ nữa, vì có tìm được cũng mua không nổi với lãi suất thỏa thuận. Gói 30.000 tỷ hết hạn coi như giấc mơ mua nhà của vợ chồng tôi cũng chấm dứt”, anh Khung nói.

\Tương tự, theo anh Nguyễn Tiến, hiện ở thuê tại Q.Gò Vấp (TP.HCM), thu nhập của vợ chồng anh khoảng 15 triệu đồng/tháng, cách đây vài tháng anh rất háo hức tìm một căn hộ trung bình để vay gói 30.000 tỷ đồng, nhưng hiện tại đã từ bỏ ý định mua nhà. “Với thu nhập 15 triệu đồng/tháng, chúng tôi chỉ có thể mua được căn hộ 300-400 triệu đồng. Mức giá đó thì kiếm đâu ra? Trong khi căn hộ cao cấp, hạng sang thì đầy dẫy trên thị trường”, anh Tiến cho biết.

Không chỉ người có thu nhập thấp lo lắng, người có thu nhập cao cũng cùng tâm trạng. Anh Trần Văn Hải (Q.3, TP.HCM) cho biết, anh đang tìm mua căn hộ cao cấp để ra riêng sau khi cưới vợ, nhưng nếu không có sự hỗ trợ của NH thì giấc mơ của anh đành gác lại. Hiện anh Hải đang làm việc cho một công ty nước ngoài với mức lương khoảng 1.500 USD/ tháng (tương đương 33 triệu đồng/ tháng), có thể “cáng đáng” nổi nếu vay NH, còn nếu mua nhà bằng vốn tự có thì chắc anh phải chờ thêm vài năm nữa.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI