Người mẫu Ấn Độ kể chuyện bị tạt axit

04/04/2019 - 06:00

PNO - Bằng video hướng dẫn trang điểm của mình, người mẫu Reshma Qureshi muốn nói lên thông điệp rằng bút kẻ mắt, son môi ở Ấn Độ cũng dễ mua như một lọ axit vậy.

Video dạy trang điểm của người phụ nữ với khuôn mặt biến dạng do bị tạt axit đã truyền đi một thông điệp mạnh mẽ rằng cần đưa vấn đề ra quốc tế, đồng thời hối thúc tòa án tối cao Ấn Độ yêu cầu chính phủ mạnh tay ngăn chặn việc bán axit tràn lan trên thị trường.

Nguoi mau An Do ke chuyen bi tat axit
Phụ nữ Ấn Độ là nạn nhân thường xuyên của các vụ tạt axit

“Tối 19/5/2014, chính anh rể đã tạt axit vào mặt tôi”, Qureshi kể lại. Cô gái khi đó tròn 17 tuổi, bị tạt axit trong lúc đang ngồi cạnh chị của mình. Chị cô chịu những vết bỏng nhẹ nhưng Qureshi thì hầu như hứng trọn và bị mù mắt trái.

Sau nhiều năm đòi công lý, Qureshi vẫn chưa được toại nguyện. Trong số ba gã đàn ông tấn công hai chị em cô, chỉ có một kẻ bị bắt. Phiên tòa xét xử vẫn chưa đến hồi kết.

“Chỉ duy nhất một kẻ bị bắt giữ trong trường hợp của tôi và hắn ta được bảo lãnh tại ngoại, còn gia đình rất đỗi lo cho sự an toàn của chúng tôi”, Qureshi, đến từ Allahabad, bang Uttar Pradesh nói.

Trường hợp của cô không phải là cá biệt. Thống kê mới nhất của Cục Phòng chống Tội phạm Quốc gia Ấn độ cho thấy có 283 vụ tấn công bằng axit, gây thương vong cho 307 người vào năm 2015. Nhưng số liệu chính thức chỉ phản ánh một phần.

Hầu hết nạn nhân đều bị tấn công bởi người thân là lý do khiến các vụ việc không được báo cáo. Những ca được ghi nhận, đa số thủ phạm đều là những người ngoài gia đình. Tania Singh, nhà hoạt động thuộc một tổ chức chuyên giúp đỡ nạn nhân bị tạt axit cho biết, nhiều người đã chết vì vết thương quá nặng trước khi kịp báo cảnh sát.

Mặc dù gây được sự chú ý trong cộng đồng bằng câu chuyện của mình với hàng ngàn người đồng cảnh ngộ, Qureshi cho rằng các vụ tấn công bằng axit ở Ấn Độ vẫn tiếp diễn, và hệ thống pháp lý nước này thì tỏ ra bất lực.

Không những thế, những nạn nhân như cô còn phải chịu đựng sự thờ ơ của cả hệ thống xã hội Ấn Độ. “Các bác sĩ đã không điều trị cho tôi cho tới khi gia đình trình báo cảnh sát. Tôi phải đợi đến 6 giờ đồng hồ mới nhận được giúp đỡ. Tôi cứ nằm đó kêu khóc trong đau đớn”, cô kể.

Nguoi mau An Do ke chuyen bi tat axit
 

“Khi tòa nghe tố tụng, tôi được gọi đến làm nhân chứng trong lúc đang điều trị phẫu thuật. Mặc cho bố tôi nài khẩn, các vị quan tòa kia nhấn mạnh rằng tôi buộc phải có mặt, bằng không kẻ tấn công kia có thể được thả ra. Hỏi điều đó có công bằng không”.

Theo bà Tania Singh, cần nhiều hơn nữa những phiên tòa xét xử bạo hành phụ nữ. “Số những vụ như thế này ở Ấn Độ rất nhiều. Chúng tôi có những nạn nhân bị tấn công từ cách đây 10 năm mà vẫn chưa xử xong, còn kẻ tấn công họ thì vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Các phán quyết cần được đưa ra nhanh hơn, cứng rắn hơn”.

Tổ chức Make love not scars của bà hiện đang giúp đỡ các nạn nhân bằng việc chi trả một số chi phí kiện tụng, san sẻ gánh nặng tài chính với gia đình. “Cha mẹ Reshma đã phải bán doanh nghiệp và nhờ họ hàng hỗ trợ trả chi phí điều trị và pháp lý”.

Qureshi hiện sống cùng các nạn nhân khác tại đây. “Ngoài việc là nơi trú ẩn an toàn, chúng tôi còn cung cấp cho nạn nhân các liệu pháp tâm lý, y tế, giúp họ điều trị, chăm sóc hậu phẫu, giúp con cái họ đi học và đưa họ tái hòa nhập cộng đồng”, Singh cho biết. “Xã hội khiến họ nghĩ rằng cuộc sống của họ đã hết. Để thuyết phục được họ đôi khi không hề dễ dàng”.

Nữ người mẫu chia sẻ, cô từng rất thích trang điểm, nhưng đã bỏ sau khi bị tấn công. Phải mất một thời gian dài với nhiều khuyên giải, cô mới bình tâm trở lại. “Kẻ ác đã tấn công tôi, nghĩ sẽ làm hỏng đời tôi. Nếu tôi không làm gì cả tức là đã giúp hắn thỏa mãn ý đồ. Tôi phải cho hắn thấy tôi có thể sống và tiến lên thế nào. Tới đây, tôi sẽ dựng một bộ phim về đời mình và do chính tôi đóng”, cô nói.

Singh cho biết nhiều nạn nhân trong tổ chức của bà đang đảm nhận những công việc mà họ từng nghĩ không thể làm được. “Chúng tôi có một số nạn nhân làm việc trong tòa án tối cao hay bệnh viện. Con người cần phải được tự do thực hiện giấc mơ của mình bằng cách này hay cách khác”.

Minh Nhiên (The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI