Người đàn ông ở Hà Nội nguy kịch vì uống 15 viên thuốc trị sốt rét để ngừa COVID-19

22/03/2020 - 20:10

PNO - Sau khi uống 15 viên cloroquin (trị sốt rét), một người đàn ông ở Hà Nội được chuyển đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp, phải thở máy.

Ngày 22/3, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) xác nhận đơn vị này đã tiếp nhận một bệnh nhân bị ngộ độc thuốc điều trị sốt rét khi uống để phòng COVID-19. Đây là trường hợp đầu tiên ngộ độc thuốc sốt rét được ghi nhận tại Việt Nam.

Bệnh nhân là nam, 44 tuổi, ở Hà Nội. Nghe nói Mỹ dùng thuốc điều trị sốt rét chloroquine để chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19, sau đó lại có thông tin có thể uống thuốc này phòng ngừa COVID-19, bệnh nhân này đã mua 100 viên về tích trữ để dùng cho bản thân và gia đình.

Tuy nhiên, sau khi uống 15 viên cloroquin để ngừa COVID-19, bệnh nhân có biểu hiện nôn nhiều, mờ mắt, suy hô hấp, tụt huyết áp… và được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện địa phương. Bác sĩ tại đây đã rửa dạ dày, dùng than hoạt tính, cho bệnh nhân thở máy trước khi chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai.

May mắn, do được cấp cứu kịp thời nên bệnh nhân đã qua khỏi và vừa xuất viện.

Hydroxycloroquin/cloroquin từ trước đến nay vẫn thường được biết đến và sử dụng trong điều trị các bệnh lý sốt rét, bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh hệ thống như lupus ban đỏ...
Hydroxycloroquin/cloroquin từ trước đến nay vẫn thường được biết đến và sử dụng trong điều trị các bệnh lý sốt rét, viêm khớp dạng thấp, bệnh hệ thống như lupus ban đỏ...

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, thuốc chứa chất hydroxycloroquin/cloroquin từ trước đến nay vẫn thường được biết đến và sử dụng trong điều trị các bệnh lý sốt rét, viêm khớp dạng thấp, bệnh hệ thống như lupus ban đỏ... Hydroxycloroquin là dẫn xuất của cloroquin có gắn thêm nhóm (-OH) để giảm các tác dụng phụ so với cloroquin thông thường; dù vậy thuốc vẫn có rất nhiều tác dụng phụ.

Theo đó, tác dụng phụ của thuốc đối với mắt gồm: phù, teo điểm vàng, rối loạn màu sắc, mất phản xạ hố võng mạc; ảnh hưởng đến tầm nhìn của mắt dẫn đến khó nhìn, khó đọc, sợ ánh sáng. Những tổn thương này có thể xảy ra ngay cả khi đã ngừng dùng thuốc.

Đối với máu, thuốc này gây ra các rối loạn tạo máu khác nhau như thiếu máu bất sản, mất bạch cầu hạt, giảm bạch cầu, thiếu máu, tan máu ở bệnh nhân thiếu hụt G6PD. Thuốc còn gây ra các bệnh lý của cơ tim, nguy hiểm nhất có thể dẫn đến xoắn đỉnh, rung thất và đột tử.

PGS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh, đối với dịch bệnh COVID-19 phải kết hợp các biện pháp phòng dịch, cách ly, tránh lây nhiễm ra cộng đồng thì mới có hiệu quả phòng, chống dịch lâu dài, triệt để. Việc tự ý điều trị tại nhà, không khai báo y tế sẽ gây hậu quả nghiêm trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh chung.

An Bình

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Anh Ngọc 22-03-2020 23:37:46

    thật nguy hiểm khi các thông tin giả tràn lan trên facebook, người dân lại thực hiện theo ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần. mỗi ngày tôi phải chặn hàng trăm tin giả lan được chia sẻ trên facebook mà không biết cách nào để ngăn chặn triệt để. cám ơn báo phụ nữ liên tục đăng tin tức hướng dẫn bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình phòng ngừabệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút corona

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI