Ngủ sớm giúp giảm nguy cơ trầm cảm

13/06/2021 - 07:21

PNO - Nghiên cứu di truyền công bố trên tạp chí JAMA Psychiatry của Hiệp hội Y khoa Mỹ cho thấy, ngủ và thức dậy sớm hơn một giờ có thể làm giảm 23% nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.

Nhóm tác giả gồm các nhà nghiên cứu tại Đại học Colorado Boulder, Viện Broad của Đại học Công nghệ Massachusetts (MIT) và Đại học Harvard khẳng định, xu hướng ngủ của một người vào một thời điểm có thể ảnh hưởng đến nguy cơ trầm cảm.

Ngủ và dậy sớm hơn 1 giờ có thể làm giảm nguy cơ trầm cảm
Ngủ và dậy sớm hơn 1 giờ có thể làm giảm nguy cơ trầm cảm

Để hiểu rõ hơn về điều này, tác giả chính Iyas Daghlas đã sử dụng dữ liệu DNA từ Công ty Xét nghiệm 23 and Me và cơ sở dữ liệu y sinh UK Biobank của 840.000 người. Kết quả cho thấy, hơn 340 biến thể di truyền phổ biến, bao gồm các biến thể thuộc nhóm “gen đồng hồ” PER2 với khả năng ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học, giúp giải thích 12-42% thời gian đi ngủ của mỗi người. Khoảng 1/3 số người được khảo sát tự nhận mình là “chim sâu dậy sớm”, 9% là “cú đêm” và số còn lại nằm ở giữa. Nhìn chung, thời gian ngủ là lúc 23 giờ, thức dậy lúc 6 giờ. 

Sử dụng kỹ thuật thống kê, nhóm tác giả đặt ra câu hỏi liệu các biến thể di truyền khiến cá nhân trở thành người dậy sớm và có nguy cơ trầm cảm thấp hơn? Câu trả lời là có. Mỗi giờ đi ngủ và thức dậy sớm hơn tương ứng với việc giảm 23% nguy cơ mắc trầm cảm nghiêm trọng. Nếu ai thường ngủ lúc 1 giờ sáng chuyển sang ngủ lúc nửa đêm và không thay đổi độ dài giấc ngủ, có thể giảm 23% nguy cơ trầm cảm. Nếu đi ngủ lúc 23 giờ, họ có thể cắt giảm nguy cơ khoảng 40%.

Giải thích tác động này, một số nghiên cứu cho rằng việc tiếp xúc với ánh sáng ban ngày, điều mà những người dậy sớm có xu hướng nhận được nhiều hơn, dẫn đến một loạt các tác động nội tiết tố tích cực có thể ảnh hưởng đến 
tâm trạng. 
 


Ngọc Hạ (theo Science Daily)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI