Ngột ngạt với ông chồng "siêu kĩ tính"

29/12/2023 - 19:21

PNO - Cưới về, chị mới ngầm nhận ra, có lẽ lúc trước anh “ế vợ” là bởi vì quá kĩ tính. Kĩ đến mức ngay cả ba mẹ anh còn không chịu nổi.

 

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Chồng của chị họ tôi là người “siêu kĩ tính”. Tới nỗi, chỉ cần ai đó vô tình nhắc tên anh, lập tức những câu chuyện về sự kĩ tính của anh sẽ được cả nhà “tua” đi “tua” lại không chán.

Sau nhiều năm đi xuất khẩu lao động, chị tôi trở về khi tuổi đã khá cao. Hai bác tôi lo lắng, sợ con gái lỡ thì nên vội nhờ người dẫn mối. Anh cao ráo, điển trai, công việc ổn định, gia đình lại khá giả. Nhưng hơn 40 tuổi, anh vẫn còn độc thân. Đám cưới của anh chị diễn ra sau đó 3 tháng.

Cưới về, chị mới ngầm nhận ra, có lẽ lúc trước anh “ế vợ” là bởi vì quá kĩ tính. Kĩ đến mức ngay cả ba mẹ anh còn không chịu nổi. Nhà rộng thênh thang, nhưng ông bà nhất quyết xây riêng cho vợ chồng anh một căn trên mảnh đất kế bên. Khi mẹ chồng - con dâu đã thân thiết, mẹ anh than với chị: “Ba nó đã khó, nó còn khó gấp trăm. Rồi con còn khổ hơn má.”

Mà đúng là chị khổ thật. Sống với anh, chị tối ngày bị săm soi từng chút một. Nhà lau tới mấy lần, anh vẫn không hài lòng vì chưa sáng bóng. Bếp núc gọn gàng sạch sẽ, anh vẫn "soi" ra vết dầu ăn còn sót trên tường. Chăn mền gấp gọn, anh cũng phải chỉ ra bằng được chỗ chưa vuông vức.

Hễ anh có mặt ở nhà là chị thấy mệt mỏi. Nhất là vào những ngày cuối tuần. Anh thường đi ra đi vào xem có cọng tóc hay mẩu rác nào trên sàn nhà không. Chị nấu nướng, anh đứng kè kè ở bên canh chừng chị làm. Chị rửa chén, anh ngửi lại từng cái xem đã sạch mùi nước rửa hay chưa. Nhiều lúc chị bực mình ứa nước mắt.

Nhà lau tới mấy lần, anh vẫn không hài lòng (Ảnh minh họa)
Nhà lau tới mấy lần, anh vẫn không hài lòng (ảnh minh họa)

Chị mang bầu, rồi sinh con. Anh luôn là người chọn từ sữa bầu, sữa em bé cho đến bình sữa, tã giấy, khăn ướt.... Mua bất cứ thứ gì, anh cũng phải đọc tỉ mỉ mọi thông tin in trên bao bì, từ thành phần cho đến hạn sử dụng; rồi đối chiếu với sản phẩm của các hãng khác, sau đó mới quyết định.

Chị làm mẹ nhưng chưa một lần được tự tay pha sữa cho con. Anh sợ chị pha đặc sẽ làm con bị táo bón, pha loãng thì con thiếu dinh dưỡng. Anh đi làm gần nhà, nên cứ đến cữ là mau mải chạy về pha sữa, hay pha nước tắm cho con, rồi mới quay lại cơ quan làm việc. Riết rồi chị tôi mặc kệ, để chồng “tự xử” hết.

Những chuyện như thế diễn ra hàng ngày trong gia đình, dù bực mình, chị vẫn có thể nín nhịn được. Nhưng mỗi lần vợ chồng chị về ngoại, chị lại ôm một cục tức, chỉ muốn bỏ quách chồng cho xong.

Nhà ngoại cách nhà vợ chồng chị chừng 3 km, nhưng khó khăn lắm chị mới thuyết phục được anh cho con về chơi. Mỗi lần về, anh đều mang theo đủ thứ lỉnh kỉnh. Ngoài bỉm và sữa ra, anh còn mang thêm cả nước sôi, chén, muỗng cho con dùng riêng. Anh bảo đồ nhà ngoại không sạch, sợ con nhiễm khuẩn.

Con chị chập chững biết đi, nhưng anh nhất quyết không thả con xuống nhà mà bồng hoài trên người. Anh sợ chân con chạm nền nhà sẽ dơ. Ông bà ngoại muốn bế cháu, anh cũng sợ lỡ ông bà ho hắng, hoặc nói chuyện gần quá làm bay vi khuẩn sang người con anh.

Những lúc như thế, hai bác tôi chỉ biết thở dài thương con, thương cháu; và hối hận vì mình đã quá nôn nóng mà làm khổ cả đời chị. Còn chị tôi thì luôn tỏ ra là mình vẫn ổn. Nhưng tôi hiểu, chị cũng đang ngao ngán mà chưa biết phải làm sao để thoát khỏi cảnh đó.

Ngọc Hà

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI