Thèm về nghỉ lễ bên ngoại

28/12/2023 - 16:47

PNO - Sắp đến kỳ nghỉ tết Dương lịch, chồng tôi bảo: “Kỳ này mình về nhà nội nhé". Tôi không dám từ chối, vì thực ra không còn lựa chọn nào khác.

 

Tôi thèm về với má, nhưng không thể (ảnh minh họa)
Tôi thèm về với má, nhưng không thể (ảnh minh họa)

Kỳ nghỉ lễ giỗ Tổ và 30/4, dịp 2/9 năm vừa rồi, vợ chồng tôi đã có kế hoạch về nhà ngoại. Kế hoạch được lên chu đáo, rằng ngày nào xuất phát, về thì đi chơi những đâu, nấu những món ăn gì. Nhưng chỉ còn một ngày nữa là lên đường thì má ruột tôi gọi, giọng bà nghẹn ngào: “Anh Hai con dữ lắm, lại giở chứng rồi, thôi các con đừng về, các con chịu thiệt nữa nhé”.

Không phải lần đầu, mà đây là câu nói quen thuộc tôi đã nghe từ thời sinh viên. Tôi khóc, vì thương ba má, thương bản thân mình.

Nhà tôi gần một ga tàu hỏa. Bao lâu tôi thèm được lên chuyến tàu chạy hơn trăm cây số về sân ga thân thương, về với ba má, được ăn những món quê giản dị má nấu, nhưng với người khác thì là chuyện đơn giản, với tôi là ước mơ xa xỉ.

Ngày còn sinh viên, mỗi lần cả nước được nghỉ các dịp lễ, tết, trừ tết Nguyên đán, thì tôi luôn là người ở lại canh xóm trọ. Nhìn mọi người đi học, đi làm về là lục tục thu xếp đồ đạc, chuẩn bị xe cộ cẩn thận để về quê, mà tôi rơi nước mắt.

Tôi có người bạn cùng trọ là Tâm An. Khác với những người khác, và khác với tôi, Tâm An không bao giờ về quê vào các dịp nghỉ lễ. Mỗi kỳ nghỉ lễ, cô lại cùng bạn trai lên kế hoạch đi chơi đây đó, nghỉ bờ biển này hay dãy núi kia.

Tôi luôn thấy má Tâm An gọi hàng ngày cho con gái, và bao giờ bà cũng hỏi: "Ăn chưa con? Ăn nhiều không con? Kỳ này con có về không?".

Tâm An luôn nhấm nhẳng trả lời má, và luôn từ chối không về với lý do bận học, bận ôn thi, bận kiến tập, bận thực tập. Và bao giờ bà má mong con gái về kia cũng bảo: "Ừ, ráng học, khi nào ngớt học thì về chơi với má nha, mọi người nhớ con lắm đó".

Tâm An lủng bủng: “Nhớ gì mà nhớ, ngày nào chả gọi điện, nghe thấy tiếng nhau". Tâm An nào biết, tôi thèm muốn xiết bao được về quê với ba má dịp lễ tết, vì cũng như bao người khác, ba má tôi cũng mong tôi và chị Ba về.

Xóm trên xóm dưới, xóm trong xóm ngoài rộn ràng tiếng chào hỏi của những người con quê nhà đi làm ăn xa, đi học xa về với gia đình, chỉ nhà ba má tôi luôn hiu quạnh. Tất cả chỉ vì anh Hai tôi, người mà ba má tôi đã dành biết bao tình yêu thương chăm chút, luôn như một con hổ dữ, lúc nào cũng gằm ghè, bặm trợn, không yêu thương ai và cũng không cho ai được yêu thương.

Anh Hai căm ghét tất cả những người xung quanh, và càng căm ghét hơn khi thấy người ta sum vầy. Không một cái tết nào gia đình tôi được yên. Anh Hai luôn gây sự, đập phá, chửi mắng mọi người, mặc dù anh không bị bệnh tâm thần.

40 tuổi, anh Hai chưa lấy vợ, vì không người con gái nào dám làm vợ anh. Anh Hai thậm chí còn không kiếm đủ tiền cho bản thân chi tiêu, nói gì đến việc phụ ba má đồng quà tấm bánh hay viên thuốc, cân đường lúc ốm đau.

Hàng xóm ai cũng thương ba má tôi. Họ bảo tại sao ba má tôi hiền lành như thế mà lại sinh ra người con trai cục súc như vậy. Và, chẳng lẽ ngần ấy người trong gia đình lại chịu để hắn hành hạ thế hay sao? Nhưng gia đình tôi đã dùng nhiều cách, cả cứng rắn và mềm dẻo, đều không lay động được người đàn ông ấy.

Sắp đến kỳ nghỉ tết Dương lịch, chồng tôi bảo: "Kỳ này mình về nhà nội nhé".

Tôi không dám từ chối, vì thực ra không còn lựa chọn nào khác, tôi không thể về nhà ngoại, dù rất mong muốn. Thấy tôi buồn rười rượi, chồng tôi đổi ý: "Hay mình về ngoại? Cũng lâu rồi mình không về ngoại".

Thấy tôi rơm rớm nước mắt, chồng tôi lại bảo: “Em sợ về anh Hai phá chứ gì? Kệ. Mình cứ về. Ổng phá thì mình đi. Nếu bất quá thì mình thuê nhà nghỉ, quan trọng là mình về thăm ba má, cho con về thăm ông bà ngoại”.

Nhìn ánh mắt chồng đầy cảm thông và yêu thương, tôi xúc động vô cùng. Nhưng có lẽ cũng không nên gọi điện báo trước, sợ ba má mong. Và biết đâu, dịp nghỉ lễ này anh Hai tôi "mát tính" và tất cả mọi người đều được vui vẻ.

Thủy Tiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI