Níu giữ vàng son - Bài 5:

Nghệ thuật đóng sách sẽ bị nhấn chìm trong sóng nước venice?

29/03/2024 - 07:47

PNO - Có nhiều mô tả đặc sắc về Venice (Ý): thành phố của những kênh đào, của mặt nạ carnival và của sự giao thoa văn hóa. Cách đây hơn 5 thế kỷ, mảnh đất kỳ thú này từng được ban tặng một danh hiệu nổi tiếng hơn cả - “thiên đường của nghệ thuật đóng sách thủ công”.

Đến thăm cửa hiệu cổ kính của Paolo Olbi, tọa lạc gần cầu Ca’ Foscari ở Venice, đa dạng chủng loại sách với thiết kế bìa tinh xảo, màu sắc diễm lệ có thể khiến bạn thích thú ngay từ cái nhìn đầu tiên. Sách in thủ công, sổ ghi chép, văn phòng phẩm... tại đây dường như thuộc về một thời quá khứ vàng son. Nghệ nhân đóng sách Olbi ăn mặc thanh lịch và luôn tâm huyết với sự đọc là một trong những người cuối cùng còn kiên trì bảo vệ một nghề truyền thống sắp biến mất vĩnh viễn tại “thành cổ của nước Ý”. “Tôi tiếp xúc với nghệ thuật đóng sách cổ điển từ năm 18 tuổi. 60 năm sau, tôi vẫn yêu công việc này và ý nghĩa đằng sau của nó” – Olbi - nay đã ngấp nghé tuổi bát tuần - tiết lộ.

Hiệu sách nhỏ của Olbi khá nổi tiếng, thuộc tòa nhà Ca’ Zenobio ở phía nam thành phố, trước kia là một cung điện được xây vào cuối thế kỷ XVII -  Nguồn ảnh: Atlas Obscura
Hiệu sách nhỏ của Olbi khá nổi tiếng, thuộc tòa nhà Ca’ Zenobio ở phía nam thành phố, trước kia là một cung điện được xây vào cuối thế kỷ XVII - Nguồn ảnh: Atlas Obscura

Tất cả sách ông bày bán bên trong cửa hàng đều được làm hoàn toàn bằng tay theo phương pháp thủ công cổ truyền. Các phương pháp này đòi hỏi kỹ năng cao đến mức, nếu muốn học việc, bạn phải trải qua nhiều năm khổ luyện cùng một bậc thầy. Thời điểm Olbi bắt đầu vào nghề, có khoảng 20 cửa hàng sách thủ công quanh Venice. Ngày nay, tính cả hiệu sách của ông, chỉ còn lại 3 địa chỉ. Olbi bộc bạch, có phần xót xa: “Gần đây, tôi tự hỏi, khi mình không còn nữa, còn mấy ai sẽ thay tôi luyến tiếc những quyển sách tuyệt đẹp này”.

"Kỷ nguyên hoàng kim" của văn hoá đọc

Nhà phát minh, thợ kim hoàn người Đức Johannes Gutenberg - “cha đẻ” của máy in - cũng là nhân vật đặt nền móng cho nghề in sách tại châu Âu.
“Không lâu sau khi chiếc máy in đầu tiên của Gutenberg ra đời năm 1449, Venice trở thành kinh đô của ngành in ấn” - nữ sử gia Rosa Salzberg - công tác tại đại học Trento (tỉnh Trentino, miền bắc nước Ý) - cho biết.
Giữa thế kỷ XV, Venice được biết đến rộng rãi hơn với biệt danh “thánh địa của nghề làm sách”. Trên hầu hết con đường nối liền phố phường sầm uất từng tồn tại vô số cửa hàng, xưởng in lớn nhỏ thuộc về các nghệ nhân, họa sĩ, doanh nhân có liên quan đến ngành xuất bản. Nội dung một tác phẩm, dưới dạng tập giấy in rời, thường được mua riêng. Kế tiếp, khách hàng mang nó đến xưởng đóng sách, hiệu vẽ, hiệu kim hoàn để tạo thành một cuốn sách như ý muốn. Đến thế kỷ XVI, những khu chợ làm sách thủ công của Venice chiếm đến phân nửa thị trường xuất bản tại châu Âu.
“Nếu bạn đam mê đọc/sưu tầm sách và sống vào khoảng thế kỷ XV, XVI ở châu Âu, Venice là thiên đường dành cho bạn. Thời ấy, đông đảo nhà đầu tư, nhà buôn trong ngành sách xem trọng Venice - nơi có một số nhà máy giấy phát triển mạnh. Thêm vào đó, đô thị miền đông bắc nước Ý rất đa văn hóa, cởi mở với người ngoại quốc. Vì vậy, nghệ nhân làm sách được khích lệ để chủ động tiếp thu hệ thống chữ viết, văn hóa đọc từ khắp nơi trên thế giới” - nhà báo, văn sĩ kỳ cựu người Ý Alessandro Marzo Magno chia sẻ.

Ấn bản sách bỏ túi của tác phẩm  kinh điển Odyssey có lớp bìa áo  tạo tác từ chất liệu cẩm thạch -  Nguồn ảnh: Atlas Obscura
Ấn bản sách bỏ túi của tác phẩm kinh điển Odyssey có lớp bìa áo tạo tác từ chất liệu cẩm thạch - Nguồn ảnh: Atlas Obscura

Magno - người đã dành nhiều năm nghiên cứu về thời hoàng kim của nghệ thuật đóng sách cổ - nhấn mạnh: “Không chỉ số lượng nhiều đến đáng kinh ngạc, chiều sâu, sự phong phú về nội dung cùng với thiết kế tinh xảo, đẹp mắt ở các bộ sách cổ sản xuất tại Venice đến nay vẫn khiến giới sử gia trầm trồ”.

Một nhà tiên phong xuất chúng của nghệ thuật đóng sách cũng ra đời trong giai đoạn đó. Aldus Manutius (sinh năm 1452 tại Vatican) từng theo nghề giáo trước khi quyết định đến Venice lập nghiệp vì niềm say mê vô tận với sách. Thành lập năm 1494, nhà in và xuất bản Aldine Press của ông là một trong những đơn vị làm sách có tư duy tiến bộ nhất thời bấy giờ.

Trong vài thập niên đầu của trào lưu in và đóng sách thủ công hàng loạt, phổ biến trên thị trường hầu hết là phiên bản “in lại” của các sách cổ chép tay. Manutius quyết định thay đổi kích cỡ sách nhỏ gọn hơn để dễ cầm; điều chỉnh phông chữ đơn giản, thanh thoát hơn. Quan trọng hơn, ông nỗ lực đa dạng hóa nội dung. Aldine Press là nhà xuất bản đầu tiên trên thế giới tổng hợp, ra mắt đầy đủ một số bộ sách văn học, triết học kinh điển của nhiều nhân vật văn hóa vĩ đại như triết gia Aristoteles, sử gia Herodotus...

Ai còn lưu luyến vẻ đẹp cổ điển?

Olbi có sự kính trọng, thấu cảm sâu sắc đối với Manutius. Chân dung nghệ nhân đóng sách được cho là “đã cứu lấy văn hóa đọc ở châu Âu” họa trên một tấm tranh được đặt gần nơi ông làm việc mỗi ngày. Olbi bày tỏ: “Manutius rất yêu quý sách. Với ông, cái đẹp tri thức ở sách nên được thể hiện từ trong ra ngoài. Tôi cũng nghĩ vậy”.

Tại cửa hiệu kiêm xưởng làm việc của mình, dù đã lớn tuổi, Olbi vẫn ra sức trông nom toàn bộ quy trình đóng sách - từ cắt giấy đến tạo hình, in ấn sử dụng các khuôn mẫu và chất liệu độc đáo. Bìa sách ông thiết kế có thể làm từ gỗ quý, thủy tinh Venice, thậm chí gốm sứ.

Olbi trong xưởng làm việc của ông - Nguồn ảnh: Atlas Obscura
Olbi trong xưởng làm việc của ông - Nguồn ảnh: Atlas Obscura

Việc tạo thành một quyển sách trọn vẹn bằng kỹ thuật truyền thống cần tay nghề cao, kinh nghiệm lẫn kiến thức sâu rộng về mọi nguyên vật liệu liên quan. “Dù là chi tiết nhỏ như độ dày mỏng của chỉ khâu sách, nếu chọn sai cũng dễ làm hỏng toàn bộ bố cục. Phải thật nghiêm túc, tỉ mỉ, cẩn thận mới làm ra được những thành quả chất lượng cao” - Olbi giải thích.

Một vài tác phẩm tâm đắc được Olbi cất giữ bên trong ngăn kéo bàn làm việc. Tiêu biểu như phiên bản sách bỏ túi của Thần khúc (Dante), sử dụng chất liệu thủy tinh Venice và một quyển sử thi Odyssey (Homer) làm từ 220 viên cẩm thạch. Ông chia sẻ: “Với chất liệu đẹp nhưng mong manh như thủy tinh, quá trình tạo tác có thể kéo dài hàng tuần liền. Lớp kính phải đạt độ mỏng lý tưởng theo yêu cầu thiết kế sách, chưa kể các bước trang trí, chỉnh sửa phức tạp khác…”.

Dẫu vất vả, tận lực vì nghệ thuật truyền thống nhưng với số ít ỏi nhà làm sách còn đang bám trụ, tương lai cũng bấp bênh tựa con nước thủy triều ở Venice. “Nước là một trong những nỗi sợ thường trực của chúng tôi. Khi nước từ kênh dâng cao, đường phố và nhà cửa ngập lụt. Nếu không kịp di dời, chất liệu đóng sách có thể bị hủy trong phút chốc” - Olbi nói.

Olbi bày tỏ: “Chi phí bảo trợ văn hóa truyền thống từ chính phủ dần eo hẹp. Giá nhà, giá cả sinh hoạt ở Venice lại khá cao khiến người trẻ dù có tâm với nghề cũng khó gắn bó lâu dài”. Từng đào tạo được một số học trò giỏi nhưng ông hiểu, thời đại sách thủ công phát triển thịnh vượng đã kết thúc. Thế nhưng, Olbi không hẳn đánh mất hy vọng: “Tôi vẫn đi dạy và hỗ trợ nhiều hoạt động tuyên truyền văn hóa đọc. Ở đây, tại “thành phố sách của Manutius”, tình yêu dành cho nghệ thuật đóng sách vẫn tồn tại âm ỉ”.

Chiếc máy in sách vận hành bằng tay của Olbi đã 115 năm tuổi -  Nguồn ảnh: Atlas Obscura
Chiếc máy in sách vận hành bằng tay của Olbi đã 115 năm tuổi - Nguồn ảnh: Atlas Obscura

Như Ý (theo Atlas Obscura)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI