Ngày hội nâng cao văn hóa đọc, tôn vinh người làm sách

22/04/2023 - 06:41

PNO - Nhân ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) - về công tác tổ chức ngày hội sách năm nay và những trăn trở của ông về việc xây dựng văn hóa đọc.

 


Phóng viên: Đây là năm thứ hai diễn ra ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Ông đánh giá bước đầu như thế nào về công tác chuẩn bị và tổ chức của các địa phương trên cả nước?

Ông Nguyễn Nguyên: So với năm 2022, năm nay, ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam diễn ra sâu rộng ở các địa phương. Hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành đều có kế hoạch triển khai, thực hiện. Đặc biệt, một số địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên... đã triển khai sớm. Với các hoạt động phong phú, đa dạng, sôi động, các hội sách đã làm được 2 việc: giới thiệu sách đến với bạn đọc, giúp nâng cao văn hóa đọc; tôn vinh những người làm sách, viết sách, xuất bản sách.

Bản thân các đơn vị trong ngành xuất bản cũng rất chủ động, xem đây là nhiệm vụ chính trị nhưng đồng thời cũng là cơ hội kinh doanh, quảng bá. Tôi thấy nhiều đơn vị như Alpha Books, Nhã Nam, Fahasa cũng trực tiếp phối hợp với các địa phương để tổ chức các hoạt động nhân ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Ví dụ như Alpha Books có chuỗi hoạt động ở tỉnh Quảng Ngãi, Bình Thuận và một số tỉnh, thành khác. Chính sự chủ động của các đơn vị đang tạo sự khởi sắc cho ngày hội sách 
năm nay.

Sau các đợt dịch COVID-19, các hoạt động thực địa được ưu tiên hơn, nhưng không vì vậy mà ngày hội sách trực tuyến dừng lại. Như năm nay, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông vẫn phối hợp với các đơn vị cũ, tiếp tục tổ chức chào mừng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên sàn book365.vn. Một số địa phương cũng thực hiện việc quảng bá, tương tác trên các nền tảng số, tạo sự đồng bộ, đa dạng cùng các hoạt động tương tác trực tiếp.

* Những năm qua, các hoạt động nhằm nâng cao văn hóa đọc được tổ chức thường xuyên hơn ở các địa phương; những tín hiệu tích cực đã được nhìn thấy ở một số tỉnh, thành. Nhưng hình như chúng ta chưa đạt về hiệu quả, tính đồng bộ trên cả nước? 

- Văn hóa đọc những năm gần đây có bước phát triển tốt, nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Năm ngoái, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam (10/10/1952 - 10/10/2022), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp gửi thư chúc mừng. Lễ khai mạc ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay được tổ chức ở TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Sự kiện này tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn. 

Riêng về sự phát triển chưa đồng bộ của văn hóa đọc, phải thấy rằng hiện nay, việc đưa sách đến các vùng sâu, vùng xa vẫn còn gặp khó khăn do ngân sách được bố trí chưa nhiều. Các hoạt động này chủ yếu dựa trên những dự án đã có và sự chủ động của các đơn vị xuất bản, mang sách đến các vùng này với mục đích thiện nguyện. Chương trình mang tính tổng thể, quy mô toàn quốc thì vẫn chưa có. Đây là điều mà Cục Xuất bản, In và Phát hành rất trăn trở. Chúng tôi mong trong thời gian tới, khi hoàn thiện các chính sách, sẽ có một chương trình xây dựng các tủ sách ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. 

* Tạo thói quen đọc cho trẻ em là hoạt động cần được ưu tiên. Về vấn đề này, ông thấy còn điều gì vướng mắc, cần được tháo gỡ? 

- Bên cạnh những tín hiệu tích cực, tôi thấy vẫn cần nỗ lực hơn nữa trong việc triển khai. Chẳng hạn như hiện nay, một số trường học đã có các phong trào, các đợt sinh hoạt liên quan đến sách. Tuy nhiên, chính trong dịp chào mừng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các trường học lại chưa có các hoạt động thật sự hấp dẫn, tạo ra nhu cầu đọc, thói quen đọc cho học sinh. Có lẽ do ngày hội sách trùng với đợt cao điểm ôn thi học kỳ nên nhiều đơn vị chưa dồn lực cho hoạt động này. Trong thời gian tới, ngành giáo dục cùng các đơn vị liên quan cần phối hợp để làm việc này tốt hơn.

* Ông đánh giá thế nào về hoạt động nâng cao văn hóa đọc của TPHCM?

- Với cả nước hiện nay, TPHCM được coi là điểm cực sáng về việc phát triển văn hóa đọc. Các hoạt động của TPHCM rất sáng tạo, năng động, đường sách, phố sách, các hoạt động về sách diễn ra quanh năm. Việc khai trương Đường sách TP Thủ Đức sắp tới càng cho thấy sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo thành phố, sự chủ động sáng tạo của các đơn vị, sự vào cuộc của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Nếu có cơ hội nhân rộng, thì đây là mô hình thật sự tốt.  

* Xin cảm ơn ông.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI