Nếp xưa gìn giữ chút này...

13/02/2021 - 09:27

PNO - Nhà tôi ở giữa một ngôi chùa và một nhà thờ nên mỗi năm, cứ vào đúng giờ giao thừa thì chuông chùa và chuông nhà thờ vang lên tiếng bing boong… cùng lúc.

Giờ giao thừa, chuông chùa và chuông nhà thờ vang lên tiếng bing boong, tạo nên những cung bậc trầm bổng, du dương, linh thiêng, báo hiệu thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Đó cũng là lúc má tôi đứng giữa sân thành kính cầu khấn trời đất...

Mâm cúng chỉ có trà, rượu và dĩa trái cây, chén gạo, muối. Hồi nhỏ, tôi hay đứng kế má để nghe. Nhưng má khấn rất nhỏ. Tôi hay hỏi má khấn gì, thì má cười “xin gia đạo bình an thôi con”. Trong lúc chờ nhang tàn để cả nhà chia nhau chút lộc đầu năm, ba má tôi lần lượt giở từng trang ký ức và thường bắt đầu bằng cụm từ “hồi đó ở quê mình...”.

a
Con cháu cùng ông vui bên bàn thờ tổ tiên ngày tết (ảnh minh họa)

Ba kể, hồi đó ông bà quanh năm làm lụng vất vả mà còn phải tiện tặn mới không thiếu trước hụt sau. Vì vậy mà ba và các cô, chú ai cũng mong mau đến tết để được mặc quần áo mới, có bánh trái treo đầy trên gióng, thịt kho, khổ qua hầm, lỗ tai heo ngâm và các loại thức ăn ngon, những thứ mà ngày thường hiếm có. Má thêm vô: “Mà hồi đó các món toàn tự làm ở nhà. Gần tết, cả xóm nhộn nhịp, rộn ràng rủ nhau làm bánh vần công, y như đi cấy, gặt lúa vậy đó”.

Theo lời ba má, ở quê nhà ai có ruộng cũng chừa một khoảnh cấy lúa nếp để dành ăn tết. Nếp non thì giã cốm dẹp. Nếp già xay bột quết bánh phồng, gói bánh ít, làm bánh tổ, gõ bánh in. Nay nhà này làm, mình qua phụ, rồi hẹn ngày bà con qua phụ lại nhà mình. Cũng có thể chia ra mỗi nhà làm một loại bánh rồi đổi cho nhau. Củ kiệu, dưa chua, dưa giá cũng vậy.

Sự phân công lao động hình thành một cách tự nhiên. Sau khi cộ lúa về thì phơi lúa, chèo ghe đi xay gạo/nếp chuẩn bị đủ ăn hết tháng Giêng; sau đó quay qua lặt lá, chăm cho cây mai trước sân nhà nở rộ ngay mùng Một tết. Rồi hẹn nhau tát đìa, rủ nhau làm heo chia thịt, làm lạp xưởng. 25 tết, đàn ông hú nhau vác cuốc đi tảo mộ, chăm sóc mồ mả ông bà, chùi lư và các loại đồ làm bằng đồng, bằng bạc, sửa soạn bàn thờ...

Ngày tết, xóm giềng qua nhà thắp cây hương để tưởng nhớ ông bà của nhau. Vì đều là dân cố cựu của vùng nên ông bà, cha mẹ đều có quen biết và coi như người thân. Quanh năm làm ăn vất vả nên chỉ tết đến chòm xóm mới có dịp gần gũi, sẻ chia. Cuối tháng Chạp là mùa tát đìa, bà con xúm xít làm cá ủ mắm hoặc phơi khô để ăn dần. Nhờ vần công nên không khí làm việc rất vui, vừa làm, vừa chuyện trò rôm rả. Đây là lúc tài hò đối đáp trêu ghẹo nhau vang lên, tiếng cười đùa xua tan mệt nhọc. Tôi hỏi má, sao toàn phụ nữ làm không vậy má? Má nói, đàn ông có công việc của đàn ông. Ba tôi thủng thẳng: “Đàn bà cắt lúa thì đàn ông đập lúa, vô bao cộ về, giã cốm dẹp cho đàn bà sàng sảy… Không có chuyện đàn ông ở không đâu con à”.

Nhưng rồi ba má tôi đổi giọng ngậm ngùi. Chiến tranh, loạn lạc khiến cả xóm bồng trống xuống ghe đi. Nhưng cũng không ai biết ai đi đâu. Cứ chèo miết, ai thấy chỗ nào ở được thì neo lại, nên bặt tin nhau. Má tôi tiếc cái lu đựng mấy cái nồi, chảo bằng đồng và bộ chén dĩa kiểu xưa rất đẹp, chất lên ghe, nửa chừng chèo hết nổi nên cột dây thả xuống một gốc cây bần, tính chừng nào quay về thì mò vớt lên. Ba tôi thì tiếc bộ lư và cặp quy hạc bằng đồng trên bàn thờ, trước khi đi đem chôn ở cột cái giữa nhà, rồi đi luôn cả nửa thế kỷ mới có dịp quay về, không sao tìm ra dấu tích.

Tuy rời quê nhưng ba má vẫn giữ nếp nhà, nhất là trong dịp xuân về, tết đến. Ngay khi mua được mảnh đất cất nhà, ba trồng liền cây mai trước sân, sau đó mới mua tủ thờ và bộ lư đồng đặt giữa nhà như cũ. Những ngày gần tết, ba tỉa tót cây mai, chùi bộ lư, chưng bàn thờ thật đẹp, vun lại lối đi và nện cho bằng phẳng. Má cũng cặm cụi làm bánh, muối dưa, vừa làm vừa dạy lại cho chị em tôi. Nhờ vậy mà chị em tôi đều biết làm hầu hết các loại bánh và những món ăn ngày tết.

Rồi ba má tôi lần lượt qua đời, chị em lập gia đình, có tổ ấm riêng. Nhớ chuyện xưa, chị em tôi cũng rủ nhau nay về nhà đứa này làm kiệu, muối dưa, mai đến nhà đứa kia gói bánh; ngày 23 tết đưa ông Táo về trời; sáng 25 tết cùng nhau đi tảo mộ; 30 rước ông bà; mùng Ba cúng tất, tiễn đưa ông bà về trời. Mọi việc đều được làm trong sự nhớ thương, vọng tưởng nên chúng tôi cảm nhận được hạnh phúc rất đỗi thiêng liêng, cảm giác như ông bà, ba má đang hiện hữu quanh mình.

 Ngày tết là dịp sum vầy (ảnh minh họa)

Các con tôi giờ đều đã lớn, đã lập gia đình nhưng vẫn sống chung với vợ chồng tôi. Tôi chuẩn bị tâm lý sẽ hướng dẫn các con mọi thứ để sau này chúng gìn giữ nếp nhà, nhất là trong những ngày tết cổ truyền của dân tộc. Nhưng chưa kịp bày tỏ ý định thì con gái, con trai đã bàn ra. Chúng bảo đi mua cho khỏe chứ làm nhiều thứ cực quá. Chúng nói, làm việc cả năm vất vả nên tết là dịp để nghỉ ngơi, du lịch. Tôi nghe mà sững sờ, hụt hẫng. Chẳng lẽ lâu nay tôi đã ép con mình ăn tết theo kiểu của mình và bây giờ chúng mới dám nói ra?

Thấy tôi buồn suốt buổi chiều, tối lại trăn trở không ngủ được, chồng tôi an ủi: “Các con nói đúng, chúng bận lắm! Nhưng em thích thì cứ làm, anh phụ”. Rồi chúng tôi cùng đi chợ mua các thứ chuẩn bị cho tết và cùng vào bếp. Món gì không tự làm được thì đành phải mua, nhưng mỗi thứ chỉ mua một ít cho đầy đủ hương vị xa xưa.

Bởi bây giờ đời sống đã khấm khá, quanh năm ai muốn ăn thứ gì cũng có, nên tết cũng bớt dần những nét đặc trưng. Sự háo hức, nôn nao chờ đón tết cũng đã giảm đi. Tôi biết là mình cần phải thích nghi với những đổi thay và không thể buộc con cháu phải sống và làm theo ý mình mãi được. Nhưng vẫn thấy buồn.

Bất ngờ, đêm giao thừa, khi tôi chuẩn bị nhang đèn cho mâm cúng trời đất, tôi nghe tiếng chồng dặn dò các con: “Từ nay, nhà mình sẽ ăn tết đơn giản hơn xưa, nhưng các con hãy nhớ, những nghi thức cúng kiến quan trọng của ngày tết thì không được xao nhãng”. Con trai tôi dạ, “năm nay tụi con mới cưới nên có nhiều thiếu sót. Từ tết năm sau, ba mẹ chỉ dạy lại con mọi việc, vợ chồng con sẽ thay ba mẹ thờ cúng tổ tiên, ông bà và chăm lo cái tết gia đình như trước giờ ba mẹ đã làm”.

Cùng lúc đó, tiếng chuông chùa, chuông nhà thờ và cả tiếng pháo trên truyền hình lại vang lên, hòa quyện thành bản hòa âm rộn rã. Tôi thắp nhang khấn cầu bình an cho năm mới, với niềm vui sẽ có “truyền nhân” gìn giữ chút nếp xưa cho gia đình nhỏ của mình trong những mùa tết sau này!

Trần Kim Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI