Những bài học đắt giá từ thực tiễn
Thấy người bạn thân gọi video đến, bà Đ.T.H. (phường Tân Phú, TPHCM) vội vàng bắt máy. Chưa kịp trò chuyện, bạn đã hỏi mượn 20 triệu đồng. Bằng sự thân tình mấy chục năm, bà H. đồng ý và dự định chuyển tiền ngay sau cuộc gọi. Nhưng bà chợt thấy có điều gì đó không bình thường nên thử đặt vài câu hỏi liên quan đến 2 người thì người bên kia không trả lời được, rồi tắt máy. Ngay sau đó, bà H. gọi điện cho người bạn thì biết là bạn không mượn tiền.
 |
Người dân, đặc biệt là người cao tuổi, ngày càng được tiếp cận với công nghệ số, hạn chế nguy cơ bị lừa đảo trên không gian mạng |
Nhưng không phải ai cũng đủ tỉnh táo để không sập bẫy kẻ gian. Cũng tại phường Tân Phú, chị M.A. (32 tuổi) vừa bị lừa mất hơn 100 triệu đồng khi xin việc làm trực tuyến. Bằng chiêu dụ dỗ như chuyển tiền làm hồ sơ xin vào làm nhân viên ngân hàng, chị M.A. đã chuyển tiền cho bên tuyển dụng nhiều lần. Đến khi tổng số tiền đã chuyển lên đến hơn trăm triệu đồng, chị mới nhận ra mình bị lừa.
Một chiêu lừa khác rất phổ biến hiện nay là giả danh công an để đe dọa, thao túng, gây hoang mang cho đối tượng chúng muốn lừa. Bà Lê Thị Linh (xã Củ Chi) từng nhận cuộc gọi mạo danh cơ quan điều tra, thông báo bà có liên quan đến vụ án lừa đảo của một người tên Đỗ Thanh Hùng. Bà Linh bảo không quen biết thì kẻ lừa đảo nhắn tin đe dọa, yêu cầu phải liên lạc với chúng, nếu không chúng sẽ nhắn tin bêu riếu gây hậu quả khó lường cho bà Linh.
Bà Ngô Thị Nga (phường Tân Phú) kể, cha của bà nhận được cuộc gọi chúc mừng trúng thưởng khuyến mãi 300 triệu đồng, muốn nhận giải phải đóng phí 4,5 triệu đồng. Đây cũng là một trò lừa đảo.
Phổ cập kiến thức số
Để giúp mọi người, đặc biệt là người cao tuổi, thích ứng với thời đại số, làm chủ công nghệ và có thể tự bảo vệ mình trước những cạm bẫy ngày càng tinh vi trên không gian mạng, bà Hoàng Thị Tư Hậu - Phó giám đốc Trung tâm Học tập cộng đồng phường Tân Phú - đã tiên phong “số hóa” cho người cao tuổi, nhất là phụ nữ.
Bà Tư Hậu đã phối hợp với Trường tiểu học Huỳnh Văn Chính tổ chức lớp tin học căn bản dành cho người lớn tuổi đang tham gia công tác tại chi hội phụ nữ, hội khuyến học, ban công tác mặt trận vào cuối tháng Ba vừa qua. Khóa học kéo dài khoảng 1 tháng, tập trung hướng dẫn các kỹ năng tin học văn phòng cơ bản như: đánh máy, gửi email, tham gia họp trực tuyến và các cuộc thi online do các ngành, đoàn thể tổ chức.
 |
Một lớp phổ cập tin học cho người cao tuổi và cán bộ đoàn thể tại phường Tân Phú, TPHCM |
Không chỉ dừng lại ở kỹ năng sử dụng vi tính văn phòng, lớp học còn lồng ghép nội dung cảnh báo các hình thức lừa đảo phổ biến trên mạng, hướng dẫn cách nhận biết đường link độc hại, tin nhắn lừa đảo và khuyến cáo cách thức cảnh giác trước các đường link không rõ nguồn gốc.
Bà Tư Hậu nhận định: “Qua khóa học, nhiều cô chú đã tự tin sử dụng điện thoại thông minh, biết nhắn tin bằng bộ gõ tiếng Việt, thao tác thành thạo trên các nền tảng họp trực tuyến”. Trong vai trò là Chủ tịch Hội Khuyến học phường, bà Tư Hậu còn thường xuyên tổ chức họp qua Google Meet, duy trì sự gắn kết, không khí gần gũi như họp trực tiếp và quan trọng nhất là giúp các thành viên quen thuộc với công nghệ.
Bà hy vọng, với khóa học này cũng như các nội dung tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt, người lớn tuổi sẽ không bị đứng ngoài cuộc cách mạng công nghệ và từng bước tự tin hơn trong môi trường số.
Bà Nguyễn Ngọc Phương Trà - Phó ban Tuyên giáo - Chính sách luật pháp, Hội LHPN TPHCM - cho biết, trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, hội đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ từ 55 tuổi trở lên, nâng cao khả năng tiếp cận công nghệ, thích ứng với thời đại và phòng tránh lừa đảo qua mạng.
Tùy theo nhu cầu và khả năng tiếp cận của từng nhóm tuổi, các cấp hội linh hoạt tổ chức các lớp tập huấn với nội dung gần gũi, thiết thực như: hướng dẫn sử dụng mạng xã hội, bảo mật tài khoản, truy cập trang Facebook của hội, chia sẻ bài viết, tương tác với các cuộc thi trực tuyến, quản lý nhóm Zalo chi hội… Các buổi tập huấn không chỉ dừng ở việc truyền đạt thông tin mà còn “cầm tay chỉ việc”. Đây là nền tảng quan trọng giúp các dì, các chị thích ứng, có thể tham gia các hoạt động trên môi trường số của hội cũng như các phong trào tại địa phương.
Để nâng cao nhận thức phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng, hội đẩy mạnh tuyên truyền, trang bị kỹ năng nhận diện rủi ro, cảnh giác với các cuộc gọi, tin nhắn bất thường, hình thành thói quen phòng vệ chủ động trong môi trường số.
Từ năm 2025 đến nay, Hội LHPN TPHCM đã triển khai chương trình đào tạo trực tuyến. Từ nền tảng này, tỉ lệ hội viên lớn tuổi tham gia tăng dần. Điều này cho thấy sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, cách tiếp cận, sử dụng môi trường số của phụ nữ, đặc biệt là nhóm phụ nữ lớn tuổi, phụ nữ yếu thế.
Những nỗ lực từ các đơn vị, các ngành đã tạo ra một mạng lưới hỗ trợ vững chắc, giúp người dân không chỉ hòa nhập mà còn tự tin làm chủ công nghệ, trở thành những “công dân số” an toàn và thông thái.
Hướng đến 2026, người dân có kỹ năng số, sử dụng tốt thiết bị thông minh Năm 2025, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM và Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM đã ghi nhớ hợp tác về phối hợp triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” nhằm phổ cập kiến thức, kỹ năng số cho người dân. Phong trào sẽ được triển khai toàn diện, sâu rộng đến từng tổ dân phố, tạo nên cuộc vận động thi đua học tập, rèn luyện kỹ năng số, tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Cụ thể, năm 2025, phấn đấu có 100% học sinh trung học và sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng số phục vụ học tập, nghiên cứu, sáng tạo. 80% người dân trong độ tuổi trưởng thành có tri thức cơ bản về chuyển đổi số, có kỹ năng, sử dụng được thiết bị thông minh để khai thác thông tin, sử dụng nền tảng, dịch vụ số thiết yếu, biết bảo vệ bản thân trên môi trường số. 90% người dân trong độ tuổi trưởng thành được xác nhận đạt phổ cập tri thức về chuyển đổi số, kỹ năng số trên nền tảng VNeID. 80% người lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hợp tác xã có kiến thức cơ bản về công nghệ số, có kỹ năng số, sử dụng được thiết bị thông minh để phục vụ sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động. Hướng đến năm 2026, sẽ có 100% học sinh từ cấp tiểu học được trang bị kiến thức, kỹ năng số, nhận biết nguy cơ và đảm bảo an toàn trong môi trường số cũng như các chỉ tiêu còn lại của năm 2025 đều phấn đấu đạt tỉ lệ 100%. Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM - cho rằng: “Bình dân học vụ số” không chỉ đơn thuần là xóa mù chữ về công nghệ, mà sâu xa hơn, đó là phổ cập những kỹ năng số cơ bản, thiết yếu nhất để người dân có thể tự tin tham gia vào không gian số, tiếp cận thông tin, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tự bảo vệ mình trước những rủi ro trên mạng. Ông khẳng định: TPHCM đã có những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và đặc biệt là chuyển đổi số. Người dân đã có thể thực hiện các thủ tục hành chính như đăng ký cư trú, làm căn cước công dân, các thủ tục liên quan đến đất đai... trên cổng dịch vụ công trực tuyến. Các ứng dụng như thông tin giao thông thông minh, y tế trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, ví điện tử... đã trở nên phổ biến. Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp, khai thuế, hải quan điện tử đã giúp giảm đáng kể chi phí và thời gian cho doanh nghiệp. |
Trang Nguyễn