Nặng nợ với trẻ khiếm thị

29/03/2013 - 16:22

PNO - PNO - Vì tình yêu thương đối với những đứa trẻ “chưa một lần thấy ánh sáng”, Nguyễn Thị Ngọc Ngà đã thi vào Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM dù không nhận được nhiều ủng hộ từ gia đình.

Trưởng thành nơi thôn nghèo ở huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, tuổi thơ Ngọc Ngà gắn liền với mái ấm tình thương, nhà dòng… nơi đang nuôi dưỡng nhiều trẻ khiếm thị mồ côi, không nơi nương tựa. Sau giờ học, Ngà tranh thủ đến các trại trẻ, mái ấm phụ giúp mọi người chăm sóc các em. Trẻ ở đây ngoài khuyết tật về mắt một số em còn mắc thêm các tật khác (khiếm thính, chậm phát triển); có em mắc bệnh từ khi sinh ra cũng có trường hợp bị di chứng sau tai nạn. Việc chăm lo sinh hoạt hàng ngày cho các em tuy có vất vả nhưng không khó khăn bằng việc dạy chữ cho những em sắp vào lớp 1. Trẻ gặp nhiều rào cản khi tiếp cận với việc học chữ, mặt khác  nơi đây không có giáo viên chuyên dạy trẻ khiếm thị.

Nang no voi tre khiem thi

Ngọc Ngà (bìa trái) tại lễ tốt nghiệp Đại học hệ chính quy năm 2012

Với mong muốn các em được biết chữ như những đứa trẻ khác, Ngọc Ngà không đắn đo, quyết định khăn gói vào Sài Gòn, bắt đầu thực hiện giấc mơ trở thành cô giáo “đặc biệt”. “Dù gia đình không muốn mình thi vào ngành “khổ”, khó cả “đầu ra” khi ra trường, nhưng ý mình đã quyết, thì khó ai lay chuyển được” - Ngà chia sẻ.

Song song với việc tiếp thu kiến thức trên giảng đường, dù bận bịu, nhưng Ngà vẫn dành thời gian đến các trung tâm có trẻ khiếm thị để quan sát, học hỏi kinh nghiệm đứng lớp của các giáo viên. Một thời gian sau, Ngọc Ngà xin thực tập tại các trung tâm ấy. Quá trình tiếp cận với trẻ làm cho Ngà nảy ra nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp dạy. Qua tìm hiểu, Ngà nhận thấy trò chơi là phương tiện hữu hiệu giúp các em phát triển quá trình tâm lý nhận thức như: cảm giác, tri giác, trí nhớ, tư duy, tưởng tượng và ngôn ngữ. Việc chơi ấy sẽ làm tăng khả năng tò mò ham hiểu biết, kích thích óc sáng tạo nơi trẻ…Chính vì thế, dựa trên phương pháp dùng “hệ thống chữ Braille” (chữ nổi) mà nhiều trường áp dụng cho trẻ mầm non, Ngọc Ngà đã phát triển thêm một một số chương trình trò chơi, giúp trẻ dễ làm quen và tiếp thu nhanh hơn.

Chữ Braille là một hệ thống ký hiệu được ghép lại bằng các chấm nổi trong một ô Braille có đủ 6 chấm, xếp theo thứ tự quy định từ 1 đến 6. Các điểm này được sắp xếp một trong khung hình chữ nhật gồm 2 cột và 3 dòng. Tập hợp các điểm nổi trong 6 vị trí sẽ tạo ra một bộ ký tự. Với đặc điểm các em cầm, sờ là chính để đoán mặt chữ, những vật liệu làm đồ chơi được Ngà chọn phần lớn là vật liệu đơn giản, an toàn khi sử dụng, giá thành không cao (nhựa, bông, vải, cườm…). Vấn đề thực hành tuy không khó nhưng mất nhiều thời gian cho việc làm vật dụng, công cụ phục vụ trò chơi.

Ban đầu, Ngà cho các em tiếp xúc với chữ Braille mặt bảng nhựa, gỗ, sau đó thay thế bằng giấy (được đục lỗ), mức độ ngày càng khó dần (các chấm nổi từ kích thước lớn xuống trung bình sau đó nhỏ hẳn). Để không gây nhàm chán cho trẻ, Ngà sử dụng các chất liệu từ vải, bông làm thành những bông hoa; sau đó dùng cườm đính chữ trên đó; tổ chức trò chơi “Tìm chữ trên hoa” nhằm rèn thói quen nhớ chữ cho các em một cách linh hoạt.

Nang no voi tre khiem thi

Ngọc Ngà hướng dẫn trẻ khiếm thị làm quen với chữ Braille

Vừa kết hợp học chữ vừa cho trẻ nhận biết, phân biệt các vật xung quanh là điều Ngọc Ngà muốn hướng đến. Với mỗi đồ vật, con vật làm từ nhựa, Ngà dán giấy in sẵn chữ nổi tương ứng với tên gọi của vật đó; sau đó cho trẻ sờ rồi đoán chữ lẫn vật. Ngà đem các trò chơi này áp dụng thử vào các lớp mình đang dạy (Trường mù Nguyễn Đình Chiểu, Mái ấm Nhật Hồng) để kiểm tra tính khả thi và hiệu quả; đồng thời lấy ý kiến của giáo viên về nội dung của trò chơi. Kết quả đáng khích lệ là hầu hết các trò chơi được đánh giá phù hợp và cần thiết cho việc làm quen chữ Braille với trẻ khiếm thị; giúp trẻ phát huy tối đa kỹ năng sờ, đọc, nhận biết tốt mặt chữ hơn trước kia.

Sau những phản hồi tích cực, Ngọc Ngà đã nghiên cứu thêm một số hình thức dạy chữ khác cũng thông qua các trò chơi. Đề tài “Xây dựng một số trò chơi giúp trẻ khiếm thị mầm non làm quen chữ Braille” được đánh giá là luận văn tốt nghiệp xuất sắc. May mắn được Trường Đại học Sư phạm TP.HCM giữ lại khoa Giáo dục đặc biệt, Ngà coi đó là cơ hội được học hỏi kinh nghiệm từ thầy cô, bổ sung kiến thức.

Hiện tại, chương trình đào tạo thạc sĩ ngành giáo dục đặc biệt chỉ mới mở tại Hà Nội, nhưng chuyên ngành “giáo dục trẻ khiếm thị” lại chưa có. Vì vậy, Ngà đang lên kế hoạch săn học bổng nước ngoài. “Mình đang chuẩn bị mọi thứ để tiếp tục thực hiện ước mơ dang dở. Chắc chắn mình sẽ có thêm nhiều điều bổ ích, có thể áp dụng vào chương trình dạy chữ cho trẻ khiếm thị”, Ngà chia sẻ.

Việt Phương
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI