Nạn tảo hôn gia tăng ở Ấn Độ trong đại dịch COVID-19

31/08/2020 - 12:01

PNO - Đại dịch COVID-19 khiến nạn tảo hôn trên khắp Ấn Độ gia tăng vì các gia đình gặp khó khăn, buộc con gái phải lấy chồng để giảm gánh nặng tài chính.

Đại dịch COVID-19 khiến nạn tảo hôn trên khắp Ấn Độ gia tăng vì nhiều người thất nghiệp, các gia đình gặp khó khăn, buộc con gái phải lấy chồng để giảm gánh nặng tài chính.

Tảo hôn gia tăng trong đại dịch

Narayana Sukla nhớ lại cuộc gọi vào cuối giờ trưa ngày 18/8. Ở đầu dây bên kia là tiếng một cô gái nức nở: “Xin hãy cứu tôi ngay, nếu không, họ sẽ giết tôi. Mẹ đã ép tôi phải kết hôn nhưng tôi muốn đi học”. Sukla - điều phối viên đường dây trợ giúp quốc gia do chính phủ hỗ trợ dành cho trẻ em gặp nạn (Childline India Foundation) - hiểu rằng, cô bé đang gặp nguy hiểm. 

Tục tảo hôn vẫn đang là vấn đề nhức nhối ở Ấn Độ, quốc gia chiếm đến 1/3 số cô dâu dưới tuổi trưởng thành trên toàn thế giới - Ảnh: Reuters
Tục tảo hôn vẫn đang là vấn đề nhức nhối ở Ấn Độ, quốc gia chiếm đến 1/3 số cô dâu dưới tuổi trưởng thành trên toàn thế giới - Ảnh: Reuters

Ngay lập tức, anh gọi cho các quan chức chính phủ có liên quan và nhanh chóng rời văn phòng ở Cuttack, bang Odisha để đến hỗ trợ nạn nhân. Sau gần 5 giờ di chuyển, Sukla đến nhà của cô gái ở Dandapadi. Cô bé sinh ra trong một gia đình nghèo và mù chữ, vừa kết hôn ngày 12/8 và bị người chồng 19 tuổi tấn công tình dục. Nạn nhân được giải cứu ngay đêm hôm đó và đưa đến nơi trú ẩn do chính phủ hỗ trợ. 

Câu chuyện trên là một trong 13 vụ tảo hôn mà Sukla phải can thiệp kể từ ngày 20/3 năm nay. Anh nói với tờ Straits Times: “Chúng tôi giải quyết nhiều trường hợp tảo hôn hơn kể từ khi chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa trong đại dịch”. Ấn Độ bắt đầu lệnh phong tỏa, giãn cách trên toàn quốc vào ngày 25/3 và nới lỏng dần các biện pháp kể từ đầu tháng Sáu.

Tiến sĩ S. Diwakar - chuyên viên bảo vệ trẻ em của quận Mysuru, bang Karnataka - cho biết, quận này ghi nhận báo cáo về 123 trường hợp tảo hôn từ giữa tháng Ba đến tháng Bảy, tăng mạnh so với khoảng 75 trường hợp cùng kỳ năm ngoái. Trong thời gian phong tỏa, nhiều gia đình cố gắng gả con gái vì nghĩ rằng các văn phòng chính phủ sẽ đóng cửa. 

Theo số liệu từ Tổ chức Childline India Foundation, các đại diện của tổ chức này đã can thiệp 14.775 vụ tảo hôn từ tháng Giêng đến tháng Bảy năm 2020. Tuy số vụ cần can thiệp trong cùng kỳ năm ngoái cao hơn ở mức 17.181 vụ, nhóm trường hợp thuộc về những tháng không có lệnh phong tỏa năm nay tăng khoảng 17-21% so với năm 2019, bao gồm tháng Sáu và tháng Bảy, khi các biện pháp giãn cách được nới lỏng dần.

Xu hướng gia tăng nạn tảo hôn ngày càng trở nên trầm trọng do các trường học vẫn đóng cửa từ tháng Ba. Nhiều gia đình nghèo dựa vào trường học của chính phủ để hỗ trợ nuôi dạy con cái, bởi các bữa ăn giữa ngày ở trường thường được trợ giá. Không có nguồn dinh dưỡng này, các gia đình buộc phải gửi con trai đi làm và cho con gái lấy chồng.

Nên xem tảo hôn là tội

Bất chấp những tiến bộ đáng kể về mặt xã hội và kinh tế, tình trạng tảo hôn vẫn còn phổ biến ở Ấn Độ, quốc gia chiếm 1/3 số cô dâu tuổi vị thành niên trên thế giới. Theo dữ liệu năm 2019 từ Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), 102 trong số 223 triệu cô dâu trẻ em ở Ấn Độ đã kết hôn trước tuổi 15.

Theo số liệu của chính phủ từ năm 2015-2016, có 27% phụ nữ Ấn Độ kết hôn bất hợp pháp trước 18 tuổi, trong khi 20% nam giới kết hôn trước 21 tuổi.

Bà Ananya Chakraborti - Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ quyền trẻ em khu vực Tây Bengal (WBCPCR) - cho biết: “Mỗi trẻ em gái không đến trường đều là một cô dâu trẻ tiềm năng”. WBCPCR đưa ra một đường dây trợ giúp dành riêng cho nạn tảo hôn vào tháng Sáu khi có thêm nhiều cô gái trẻ bị mắc kẹt trong nhà do đại dịch và đặc biệt là sau cuộc đổ bộ của cơn bão Amphan vào ngày 20/5.

Đường dây trợ giúp nhận báo cáo về 41 cuộc hôn nhân trẻ em tính đến ngày 19/8, trong đó gần 90% đã được chính quyền ngăn chặn. Dù vậy, các nhà chức trách đang áp dụng một cách tiếp cận khá khoan dung trong những trường hợp họ kịp thời can thiệp trước khi cuộc hôn nhân hoàn thành. Lúc ấy, các gia đình chỉ cần ký cam kết rằng họ sẽ không cố gắng tảo hôn nữa. Việc giám sát để đảm bảo những đứa trẻ không kết hôn sau đó khá lỏng lẻo và một số đám cưới vẫn diễn ra trong bí mật.

Tiến sĩ Kriti Bharti - người quản lý quỹ Saarthi Trust về ngăn chặn và hủy bỏ các cuộc hôn nhân trẻ em - đề nghị chính phủ truy tố các gia đình tảo hôn để răn đe: “Tục tảo hôn chỉ bị phá bỏ khi các nhà hoạt động xã hội hoặc lực lượng chức năng xuất hiện. Với tội giết người hoặc cưỡng hiếp, chỉ cần đủ yếu tố cấu thành, không cần kết quả, tại sao tội tảo hôn lại không?”. 

Ngọc Hạ (theo Straits Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI