Nạn buôn bán thận đe dọa người nghèo Afghanistan

08/02/2021 - 11:30

PNO - Bên ngoài bệnh viện ở Herat, người bán và người mua thận tìm đến nhau. Người nghèo muốn tiền mặt, còn người bệnh nặng hoặc người thân của họ cần một cơ quan thay thế.

Cung và cầu

Việc kinh doanh thận bất hợp pháp đang bùng phát ở thành phố phía Tây Herat, thúc đẩy bởi những khu ổ chuột rộng lớn, sự nghèo đói của vùng đất xung quanh và chiến tranh không hồi kết. Một bệnh viện dành cho doanh nhân tự quảng cáo là trung tâm ghép thận đầu tiên của đất nước, nơi các quan chức và bác sĩ nhắm mắt làm ngơ việc buôn bán nội tạng.

Ở Afghanistan, cũng như ở hầu hết các quốc gia, việc mua bán nội tạng là bất hợp pháp, và việc y bác sĩ cấy ghép nội tạng đã mua cũng vậy. Nhưng đây vẫn là một vấn đề trên toàn cầu, đặc biệt là khi nói đến thận, vì hầu hết những người hiến tặng có thể sống chỉ với một quả thận.

Bên ngoài bệnh viện Loqman Hakim, Haleem Ahmad (21 tuổi) tìm người mua một quả thận của mình sau khi vụ thu hoạch thất bại.
Bên ngoài bệnh viện Loqman Hakim, Haleem Ahmad (21 tuổi) tìm người mua một quả thận của mình sau vụ thu hoạch thất bại

Ahmed Zain Faqiri - một giáo viên đang tìm kiếm một quả thận cho người cha ốm nặng của mình bên ngoài bệnh viện Loqman Hakim - cho biết: “Những người này, họ cần tiền”. “Đối tác” mà Faqiri đang gặp mặt là Haleem Ahmad, một nông dân 21 tuổi, người đặt niềm tin vào thị trường mua bán thận sau khi vụ mùa thu hoạch thất bại.

Có lẽ Ahmad không hiểu rõ hậu quả nghiệt ngã mà anh sắp đối mặt. Đối với những người bán thận nghèo khổ đang sống trong những căn hộ tồi tàn, không có ánh sáng của Herat, nợ nần vẫn chồng chất nhưng họ quá yếu để làm việc, đau đớn và không đủ tiền mua thuốc. Thương vụ này là một cánh cổng dẫn đến sự khốn cùng mới. Trong những ngôi nhà trọ như vậy, một nửa bao bột và một thùng gạo khiêm tốn là thức ăn duy nhất trong tuần cho một gia đình với tám đứa trẻ.

Sảnh đợi nhộn nhịp của Bệnh viện Loqman Hakim ở thành phố Herat, nơi tự quảng cáo là trung tâm ghép thận đầu tiên của Afghanistan.
Sảnh đợi nhộn nhịp của Bệnh viện Loqman Hakim ở thành phố Herat, nơi tự quảng cáo là trung tâm ghép thận đầu tiên của Afghanistan

Đối với Bệnh viện Loqman Hakim, cấy ghép là một công việc kinh doanh phát đạt. Cơ sở tự hào rằng họ đã thực hiện hơn 1.000 ca ghép thận trong 5 năm, thu hút bệnh nhân từ khắp Afghanistan và cộng đồng người Afghanistan trên toàn cầu.

Bệnh viện cung cấp dịch vụ hấp dẫn với chi phí bằng 1/20 ở Mỹ, trong một thành phố có nguồn cung cấp nội tạng tươi dồi dào. Khi được hỏi liệu bệnh viện có kiếm được nhiều tiền từ hoạt động hay không, Masood Ghafoori, Giám đốc tài chính cấp cao, cho biết: “Chúng tôi có thể nói như vậy”.

Bệnh viện xử lý việc cắt bỏ, cấy ghép và phục hồi ban đầu của cả hai bệnh nhân, mà không cần quan tâm vấn đề khác. Người bán cho biết người mua sẽ chi trả viện phí cho hai bên, và sau vài ngày ở khu hồi sức, họ sẽ được về nhà.

Bác sĩ Mahdi Hadid, một thành viên của hội đồng tỉnh Herat cho biết: “Ở Afghanistan mọi thứ đều có giá trị, ngoại trừ tính mạng con người”.
Bác sĩ Mahdi Hadid, một thành viên của hội đồng tỉnh Herat cho biết: “Ở Afghanistan mọi thứ đều có giá trị, ngoại trừ tính mạng con người”

Hối hận muộn màng

Các bác sĩ cho biết, việc người nhận nội tạng được người hiến tặng đồng ý theo quy trình nằm ngoài mối quan tâm của bệnh viện.

Tại tầng 4 của bệnh viện, ba trong số bốn bệnh nhân đang hồi sức cho biết họ đã mua thận. Gulabuddin, (36 tuổi) một người nhận thận đến từ Kabul, cho biết: “Giờ tôi cảm thấy ổn. Không đau chút nào".

Anh ấy đã trả khoảng 3.500 USD cho quả thận mua từ một “người hoàn toàn xa lạ”, với khoản hoa hồng 80 USD cho người môi giới. Gulabuddin đã có một thỏa thuận tốt bởi quả thận có thể có giá tới 4.500 USD.

Gulabuddin (36 tuổi) đã trả khoảng 3.500 USD cho quả thận của mình
Gulabuddin (36 tuổi) đã trả khoảng 3.500 USD cho quả thận mới của mình

Tiến sĩ Abdul Hakim Tamanna, Giám đốc y tế công cộng của tỉnh Herat, thừa nhận sự gia tăng của thị trường thận “đen” ở Afghanistan, nhưng cho biết chính phủ hầu như không thể làm gì.

Ông nói: “Thật không may, điều này vẫn phổ biến ở các nước nghèo. Chúng tôi thiếu cơ sở pháp lý xung quanh quá trình này".

Theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ nghèo khó của Afghanistan đạt trên 70% vào năm 2020 và quốc gia này vẫn phụ thuộc phần lớn vào viện trợ nước ngoài; thu nội địa chỉ khoảng một nửa ngân sách chính phủ. Không có bất kỳ cơ sở hạ tầng công cộng nào, chăm sóc sức khỏe chỉ là một cơ hội để khai thác bộ phận dân cư dễ bị tổn thương nhất của quốc gia.

Sâu bên trong những con phố đầy cát tại khu ổ chuột của Herat, Mir Gul Ataye, 28 tuổi, rất hối tiếc về quyết định bán thận của mình. Từng là một công nhân xây dựng, anh kiếm được tới 5 USD một ngày trước ca mổ vào tháng 11/2020, giờ anh ta không thể nâng vật nặng hơn 5kg.

Ataye nhận được 3.800 USD cho quả thận của mình và giờ vẫn đang mắc nợ, không có khả năng trả tiền thuê nhà hoặc tiền điện. Anh ấy nói rằng bản thân luôn cảm thấy “buồn bã, tuyệt vọng, tức giận và cô đơn.

Mohammad (25 tuổi) đã bán quả thận của mình để trả tiền chữa bệnh cho cha - người sau đó cũng qua đời.
Mohammad (25 tuổi) đã bán quả thận của mình để trả tiền chữa bệnh cho cha - người sau đó cũng qua đời

Những người khác xung quanh Herat cũng có những lý do tương tự khi đi đến quyết định bán một quả thận: nợ nần, cha mẹ đau ốm, một cuộc hôn nhân đắt đỏ.

Jamila Jamshidi (25 tuổi) ngồi trên sàn nhà đối diện với em trai cô, Omid (18 tuổi) trong một căn hộ lạnh giá gần rìa thành phố, nói: “Cha tôi sẽ chết nếu chúng tôi không bán. Cả hai đều đã bán thận của mình” - của cô ấy vào 5 năm trước, và của em trai vào một năm trước. Hiện cả hai đều yếu và đau đớn.

Jamila Jamshidi (25 tuổi) và em trai của cô, Omid (18 tuổi) ngồi trong căn hộ lạnh lẽo. Cả hai đã bán thận để phụ giúp gia đình.
Jamila Jamshidi (25 tuổi) và em trai của cô, Omid (18 tuổi) ngồi trong căn hộ lạnh lẽo. Cả hai đã bán thận để phụ giúp gia đình

Tại một nhà hàng địa phương, năm anh em nói về việc họ bị buộc phải rời khỏi quê nhà ở tỉnh Badghis bởi các cuộc tấn công liên tục của Taliban. Đến Herat, tất cả đều đã bán thận của mình. Người trẻ nhất 18 tuổi, lớn nhất 32 tuổi.

Abdul Samir, một trong các anh em, nói: “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Chúng tôi buộc phải bán thận để có tiền sống qua ngày”.

Linh La (theo NY Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI