Khủng hoảng khí hậu không thua gì COVID-19

06/03/2021 - 08:05

PNO - Vài năm trở lại đây, truyền thông quốc tế thường nhắc đến “khí thải net-zero”, một thuật ngữ chỉ mục tiêu cần phải đạt được sự cân bằng giữa lượng khí thải nhà kính phát ra môi trường và lượng khí đào thải khỏi khí quyển bằng phương pháp tự nhiên hoặc nhân tạo.

 

Một nhà máy lọc khí tự nhiên ở Mexico - quốc gia đang dần hạ thấp các mục tiêu khí hậu  và năng lượng sạch - Ảnh: Reuters
Một nhà máy lọc khí tự nhiên ở Mexico - quốc gia đang dần hạ thấp các mục tiêu khí hậu và năng lượng sạch - Ảnh: Reuters

Đây là tiêu chí nhiều quốc gia theo đuổi. Hiện đã có 127 nước tuyên bố vào giữa thế kỷ này, tổng lượng khí thải carbon dioxide của họ sẽ bằng không. Bao gồm các nước châu Âu, Mỹ, Anh vào năm 2050 và Trung Quốc vào năm 2060. Các tập đoàn hàng đầu thế giới cũng đang “nhiệt tình” đăng ký mục tiêu tương tự.
đủ để kiểm soát khủng hoảng khí hậu?

Con số trên cho thấy dường như cộng đồng quốc tế đã chấp nhận một thực tế rằng con người cần thôi thải khí nhà kính vào thiên nhiên. Thế nhưng, không thể hoàn toàn cho rằng cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ được kiểm soát. Nhiều vấn đề lớn vẫn tồn tại. Mức phát thải toàn cầu dự kiến vào năm 2030 chỉ thấp hơn 0,5% so với năm 2010. Trong khi cần phải giảm đến 45% để có thể đạt mức “net-zero” vào năm 2050. Các cuộc đàm phán quan trọng về khí hậu Glasgow Cop26 diễn ra vào tháng 11 tới sẽ phải mổ xẻ các vấn đề này. Tuy nhiên, chuyện lớn hơn đang “cháy” âm ỉ. Mục tiêu “khí thải net-zero” ngày càng lộ ra nhiều nghi vấn quanh việc tính toán lượng carbon. 

Để đạt được “net-zero” về lý thuyết rất đơn giản, chỉ cần mọi lĩnh vực của tất cả quốc gia trên thế giới đạt trung bình không phát thải. Nhưng làm thế nào để thực hiện được điều này cho sản xuất điện, ô tô, các tòa nhà và ngành công nghiệp nặng. Một số lĩnh vực như vận chuyển hàng không, nông nghiệp hầu như chưa có triển vọng nào để đạt mức không phát thải trong tương lai gần. 

Để thực hiện công việc trên, đòi hỏi phải loại bỏ carbon hay còn gọi là “khí thải tiêu cực”. Phương pháp tự nhiên là phục hồi rừng để lấy carbon khỏi không khí nhờ cây xanh. Đối với công nghệ cao, có thể dùng hóa chất để tách carbon dioxide khỏi khí quyển. Sau đó, bơm nó xuống sâu dưới lòng đất để lưu trữ. Nhưng nếu cứ tin vào lời hứa của những phương pháp này, chúng ta đang tự lừa dối mình.

Đầu tiên là sự tuân thủ quá phi thực tế trong việc loại bỏ carbon. Điển hình hãng Shell gần đây công bố kế hoạch “net-zero” của mình song song với dự kiến ​​sản lượng dầu và khí đốt cao chưa từng có đến năm 2050. Điều này quả là bất khả thi khi các phương pháp công nghệ cao vẫn chưa hoàn thiện và có quá ít diện tích đất để trồng đủ cây xanh hòng đương đầu với lượng khí thải. Thứ hai, các nhà chống biến đổi khí hậu cho rằng, cần thảo luận khẩn cấp về quan niệm “phát thải dư” rồi đưa ra biện pháp bù đắp. Về thực tiễn, quan niệm này đòi hỏi các quy định độc lập dựa trên cơ sở khoa học.

Hành động toàn cầu còn rất xa

Các mục tiêu khí hậu do các quốc gia đệ trình lên Liên Hiệp Quốc (LHQ) sẽ chỉ giảm lượng khí thải dưới 1%, theo kết quả kiểm đếm mới nhất, công bố hôm 26/2. Theo Patricia Espinosa, người đứng đầu cơ quan khí hậu LHQ, con số này cho thấy “mức độ kỳ vọng về khí hậu hiện còn rất xa so với lộ trình đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris”. Tổng thư ký LHQ António Guterres gọi đó là “một báo động đỏ”.

Trung Quốc cũng chưa đệ trình các mục tiêu khí hậu năm 2030 dù đang tạo ra tỷ trọng phát thải lớn nhất
Trung Quốc đang tạo ra tỷ trọng phát thải lớn nhất

Hiện chưa đầy một nửa số quốc gia toàn cầu gửi đệ trình các mục tiêu khí hậu mới của mình, mà lẽ ra phải được thực hiện vào cuối năm 2020. Trong số đó là Mỹ, quốc gia có lượng khí thải nhà kính cao nhất, dù đã tái gia nhập Thỏa thuận Paris vào tuần trước, vẫn chưa đệ trình các mục tiêu năm 2030. Chính quyền Biden cho biết mong muốn tiến đến “khí thải net-zero” vào năm 2050 nhưng không thể nêu cụ thể các biện pháp hầu đạt được điều đó.

Tương tự, Trung Quốc cũng chưa đệ trình các mục tiêu khí hậu năm 2030 dù đang tạo ra tỷ trọng phát thải lớn nhất. Cuối năm 2020, nước này cho biết, sẽ sản xuất nhiều điện hơn từ các nguồn tái tạo (25%), trồng nhiều rừng hơn (6 tỷ mét khối) và giảm cường độ carbon hơn 65%, đồng thời sẽ đạt “net-zero” carbon vào năm 2060.

Trước khi diễn ra vòng đàm phán thượng đỉnh ngoại giao về khí hậu Glasgow Cop26 vào tháng 11, mọi chú ý sẽ đổ dồn vào hội nghị thượng đỉnh quốc tế về khí hậu mà Nhà Trắng tổ chức vào ngày 22/4 tới. Mỹ dự kiến ​​sẽ công bố các mục tiêu khí hậu năm 2030 và Trung Quốc cũng có thể đưa ra một tuyên bố của mình.

Với Thỏa thuận Paris, LHQ không thể ra lệnh hay thực thi mục tiêu khí hậu của bất kỳ quốc gia nào. Và chỉ áp lực ngoại giao mới có thể thuyết phục các nước tham gia tích cực hơn. Mục tiêu cuối cùng là hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong khoảng 1,5oC so với mức năm 1990. Trong khi đó, các nhà khoa học cho biết trong các nghiên cứu tổng thể, bất kỳ sự nóng lên nào vượt quá mức đó sẽ có nguy cơ mở rộng cháy rừng và hạn hán, gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực và nguồn nước; đồng thời, gây ngập lụt cho các thành phố ven biển và các đảo nhỏ. 

Xem ra, theo sau COVID-19, khủng hoảng khí hậu sắp quét qua thế giới. Chúng ta cần một lần nữa nhận ra rằng, thiên nhiên không nợ chúng ta và sẽ không “khoan hồng” trong trừng phạt. 

Nam Anh (theo The Guardian, NYT)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI