Mỹ, Trung đua nhau hút chất xám ngành hoạt hình Nhật

23/04/2020 - 07:02

PNO - Việc các hãng phim hoạt hình Nhật trở thành đơn vị gia công cho những bộ phim hoạt hình đến từ các hãng phim nhà giàu của Trung Quốc, Mỹ đang là thực tế đáng buồn cho ngành công nghiệp anime của nước này. Nhưng đó là hệ lụy tất yếu

Cùng với truyện tranh (manga), phim hoạt hình (anime) là một ngành công nghiệp mang về cho Nhật hàng chục tỷ yên hằng năm, và là một phần quan trọng trong nền văn hóa đương đại của nước này. Thành công của anime có đóng góp không nhỏ của lực lượng họa sĩ. Tuy nhiên, nguồn nhân lực này đang ngày càng hao hụt. Lý do không chỉ vì thiếu đội ngũ kế thừa, mà còn do bị các hãng phim Mỹ, Trung Quốc ráo riết “săn” người.

Nước chảy chỗ trũng

Trong một văn phòng nhỏ ở thành phố Machida, phía tây Tokyo, người ta bắt gặp hình ảnh một số họa sĩ nam và nữ người Nhật đang ngồi tỉ mỉ vẽ cổng đền Shinto trên máy tính bảng. Cảnh tượng trông giống như trong một hãng phim hoạt hình Nhật, nhưng đây thực chất là nơi làm việc của Colored Pencil Animation Japan, một hãng phim thuộc sở hữu của China Literature - đơn vị thành viên của tập đoàn công nghệ Trung Quốc Tencent. Thành lập từ năm 2018, Colored Pencil Animation Japan chuyên sản xuất các phim hoạt hình Trung Quốc, cung cấp cho dịch vụ phát trực tuyến của Tencent như loạt phim The King’s Avatar

Một họa sĩ Nhật đang làm việc cho hãng Colored Pencil Animation Japan
Một họa sĩ Nhật đang làm việc cho hãng Colored Pencil Animation Japan

Những họa sĩ ở Colored Pencil Animation Japan được thuê làm nhân viên toàn thời gian hẳn hoi, họ làm việc trong điều kiện môi trường thân thiện, với giờ giấc sắp xếp linh hoạt, hợp lý, và quan trọng nhất là mức lương khá hậu hĩnh: 175.000 yên/tháng đối với người mới ra trường. Trong khi đó, các hãng phim hoạt hình Nhật lâu nay vốn dựa vào lực lượng họa sĩ tự do (1/2 lực lượng họa sĩ hoạt hình Nhật là freelancer), trả thù lao cho họ với giá rẻ bèo 200 yên (khoảng 1,8 USD)/bức vẽ, tính ra lương chỉ hơn 100.000 yên/tháng (khoảng 900 USD), nhưng mỗi ngày phải làm từ 12-18 tiếng.

Để chiêu dụ các họa sĩ Nhật sang đại lục làm việc, các công ty sản xuất phim Trung Quốc còn đưa ra mức thù lao hậu hĩnh hơn. Theo nhà nghiên cứu Daisuke Iijima của cơ quan xếp hạng tín dụng Teikoku Databank: “Họ có thể đưa ra mức lương cao gấp ba lần lương hằng năm một họa sĩ nhận được khi làm ở Nhật, vì vậy có lẽ sẽ có nhiều tài năng Nhật ra nước ngoài làm việc”. Tờ thời báo tài chính Nhật Nikkei trích dẫn một nội dung tuyển dụng của công ty Trung Quốc, theo đó mức lương cho những công việc sản xuất phim hoạt hình tại Hàng Châu, Bắc Kinh xấp xỉ từ 30.000-34.000 nhân dân tệ (tương đương 4.800 USD)/tháng. 

Không chỉ các công ty Trung Quốc mới khát nguồn nhân lực chất lượng cao từ Nhật, mà các công ty Mỹ cũng không ngoại lệ. “Ông lớn” Netflix hai năm qua đã ký hợp đồng hợp tác với Production I.G - một trong những hãng phim hoạt hình hàng đầu ở Nhật, và theo lời Chủ tịch Production I.G Mitsuhisa Ishikawa, kinh phí các phim hợp tác với Netflix luôn cao gấp ba lần so với mức trung bình một phim hoạt hình sản xuất ở Nhật. Việc đội vốn này dĩ nhiên cũng dành để trả thù lao hậu hĩnh cho đội ngũ họa sĩ Nhật. 

Tình thế bị đảo ngược

Các công ty nước ngoài lắm tiền của Mỹ, Trung Quốc đang trở thành vị cứu tinh cho các họa sĩ hoạt hình Nhật lẫn các hãng phim hoạt hình nước này. Theo tờ Mainichi News, mức lương tối thiểu tại nhiều xưởng phim hoạt hình ở Nhật Bản (dao động tùy theo từng nơi) cao nhất chỉ 907 yên (8,18 USD)/giờ. Trong khi đó tại Nhật, một chân thu ngân ở cửa hàng tiện lợi cũng đã kiếm được 920 yên/giờ, hay làm ở cửa hàng McDonald's thù lao cũng đã 980 yên/giờ. Ngoài tiền công vẽ bèo bọt, các họa sĩ Nhật cũng thiệt thòi khi không được thêm bất cứ khoản nào khác từ bộ phim họ làm ra, chẳng hạn như lợi nhuận doanh thu tiền vé hay tiền bán bản quyền các sản phẩm ăn theo. 

Làm việc đến kiệt sức nhưng mức thu nhập không đủ sống, là tình trạng phổ biến ở lao động ngành này. Do đó, việc đào tạo nguồn nhân lực kế thừa cũng gặp nhiều khó khăn ở các hãng phim Nhật, dẫn đến chất lượng các phim hoạt hình Nhật cũng giảm.

Giám đốc điều hành Colored Pencil Animation Japan - Bunjiro Eguchi cho biết, đơn vị của ông từng thuê ngoài một hãng phim địa phương, nhưng sản phẩm hoàn thành thì công ty mẹ ở Trung Quốc trả lại vì chất lượng kém. Vị này cảnh báo: “Các công ty giàu có của Trung Quốc đã mua các tài nguyên cho ngành hoạt hình kỹ thuật số, nhờ vậy chất lượng các phim hoạt hình Trung Quốc đã cải thiện đáng kể. Các hãng phim Trung Quốc từng là nhà thầu phụ cho các công ty Nhật, nhưng giờ đây tình thế đã đảo ngược”. 

Việc các hãng phim hoạt hình Nhật trở thành đơn vị gia công cho những bộ phim hoạt hình đến từ các hãng phim nhà giàu của Trung Quốc, Mỹ đang là thực tế đáng buồn cho ngành công nghiệp anime của nước này. Nhưng đó là hệ lụy tất yếu từ sự thiếu hụt tài chính của các hãng phim hoạt hình Nhật, cùng với chính sách đãi ngộ nghèo nàn đối với các họa sĩ. Nhật vẫn đứng đầu về sản lượng sản xuất các anime, nhưng hào quang của ngành này đã bớt lấp lánh, bởi sự trỗi dậy của các đơn vị nước ngoài “mạnh vì gạo bạo vì tiền” như Tencent (Trung Quốc), Netflix (Mỹ). 

Quang Huy

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI