Mỹ cảnh báo Trung Quốc, lời nói đi kèm hành động

19/04/2016 - 16:00

PNO - ''Chúng tôi hối thúc Trung Quốc cần tái khẳng định nước này không có kế hoạch triển khai hoặc luân chuyển các máy bay quân sự tại tiền đồn ở Trường Sa"

My canh bao Trung Quoc, loi noi di kem hanh dong
Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Quân đội Mỹ ngày 18/4 đã lên tiếng phản đối Trung Quốc đưa máy bay quân sự tới đá Chữ Thập mà Trung Quốc bồi đắp phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trong một thông cáo gửi cho CNN, Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Đại úy Jeff Davis nói rằng “Chúng tôi biết rằng một máy bay quân sự Trung Quốc đã hạ cánh tại đá Chữ Thập vào hôm 17/4. Không rõ vì sao Trung Quốc lại sử dụng máy bay quân sự chứ không phải là máy bay dân sự”.

“Chúng tôi hối thúc Trung Quốc cần tái khẳng định rằng nước này không có kế hoạch triển khai hoặc luân chuyển các máy bay quân sự tại tiền đồn ở Trường Sa, đúng theo các cam kết trước đó của Bắc Kinh”, ông David nhấn mạnh.

Động thái trên của Mỹ diễn ra ngay sau khi tờ nhật báo của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc thông tin về việc, một máy bay quân sự khi đang tuần tra tại Biển Đông ngày 17-4, đã có lệnh đáp khẩn cấp xuống đá Chữ Thập để chở ba công nhân bị bệnh nặng tại đó đi cấp cứu.

My canh bao Trung Quoc, loi noi di kem hanh dong
Máy bay quân sự Trung Quốc hạ cánh xuống đường băng trên đá Chữ Thập.

Những người này được máy bay quân sự của Trung Quốc đưa tới đảo Hải Nam điều trị. Nhật báo của quân đội Trung Quốc cũng cho thấy hình ảnh chiếc máy bay đã hạ cánh trên đảo Hải Nam.

Đây là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc công khai thừa nhận việc hạ cánh một máy bay quân sự xuống đá Chữ Thập.

Song song với động thái trên, Mỹ cũng tuyên bố sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động tuần tra trong khu vực gần các đảo nhân tạo để thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh.

Ngày 18/4, Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao Mỹ cho hay, Mỹ sẽ chuyển giao một loạt trang bị, khí tài mới để giúp Philippines giám sát mọi hoạt động và bảo vệ lợi ích của mình trên Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực này đang gia tăng.

Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg cho hay Washington sẽ cung cấp cho Manila số cảm biến, radar và các trang thiết bị liên lạc trị giá 42 triệu USD.

Ông Goldberg cho biết thêm, hai đồng minh đã nhất trí thiết lập một hệ thống phục vụ “thông tin bí mật và an toàn” trong khuôn khổ sáng kiến an ninh của Washington tại Đông Nam Á.

"Chúng tôi sẽ giúp họ có khả năng gắn các cảm biến lên tàu và vận hành một khinh khí cầu trên không trung để giám sát mọi hoạt động trên Biển Đông", ông Goldberg nói.

Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã ghé thăm Philippines nhằm tái khẳng định cam kết tuân thủ Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Philippines ký năm 1951.

Chuyến thăm của ông Carter cũng báo hiệu sự mở đầu của việc triển khai quân sự của Mỹ tại Philippines, với 75 binh sĩ sẽ hoạt động luân phiên tại một căn cứ không quân ở phía bắc Manila.

Việc Mỹ duy trì sự hiện diện tại khu vực biển Đông nhằm khẳng định vai trò của Mỹ trong việc góp phần đảm bảo an ninh an toàn hàng hải trên biển Đông, nơi có tuyến đường hàng hải trị giá hơn 5.300 tỉ USD/năm đi qua, đồng thời, thể hiện trách nhiệm của mình với các đồng minh trên thế giới, trong trường hợp này là Philippines.

Khánh Ly (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI