Mừng tết Nguyên tiêu, lặng nỗi niềm “hệ sinh thái di sản”

06/07/2020 - 06:44

PNO - “Năm nay tụi tui ăn tết Nguyên tiêu tới… hai lần lận đó”. Bà Dung, 60 tuổi, chủ một quán cà phê góc đường Lương Nhữ Học và Triệu Quang Phục (quận 5) nhấn mạnh chữ “hai lần lận” như muốn khoe với khách về sự kiện trọng đại diễn ra vào ngày 5/7. Quận 5 của bà làm lễ đón bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tập quán xã hội và tín ngưỡng tết Nguyên tiêu của người Hoa ở Quận 5, TPHCM”.

 

Diễu hành nghệ thuật trên đường phố - Ảnh: Tam Nguyên
Diễu hành nghệ thuật trên đường phố - Ảnh: Tam Nguyên

Nguyên tiêu giữa tháng Bảy

Nhưng bà Dung không phải người Hoa. Năm bà 20 tuổi, gia đình bà mới chuyển từ quận 1 vào khu vực quận 5 này sinh sống, từ đó tới nay cũng đã 40 năm. “40 năm cũng ghê lắm chớ bộ. Gọi đây là quê hương thứ hai của mình cũng đúng chớ cô, nhất là nó, đích thị được sinh ra ở khu này” - bà rổn rảng, mặt mày rất tươi.

“Nó” ở đây chính là đứa cháu nội bà đang ẵm, ngủ thiu thiu. Vì thế, khi bà nói chữ “tụi tui”, nghe tự hào ghê gớm. Để nói, cái tín ngưỡng này, không biết tự bao giờ, đã trở thành “cuộc hẹn hò” không chỉ của người Việt gốc Hoa khu vực Chợ Lớn, mà còn của những cộng đồng cư dân khác đang sống “máu thịt” với nơi này. 

Năm nay, vì lý do dịch bệnh, người dân quận 5 ăn cái tết Nguyên tiêu hồi đầu năm chưa đã. Vì thế, khi nghe cả quận sắp được đón bằng di sản, sắp có diễu hành chúc mừng, người dân như… mở cờ trong bụng. Chưa đến 16g30 nhưng già trẻ lớn bé đã đổ ra đường, chen chúc ở các trục phố chính. Ai cũng tranh thủ thu xếp công việc sớm, ra đây “kiếm chỗ đẹp”.

Năm nay, đoàn xuất phát từ đường Mạc Thiên Tích, Ngô Quyền, An Dương Vương, Nguyễn Tri Phương, Trần Phú, kết thúc ở Đại Thế Giới (tức Trung tâm Văn hóa quận 5 ở đường Trần Hưng Đạo). “Đông lắm. Dzui lắm. Đầu năm nay không tổ chức diễu hành, tụi tui cảm thấy thiếu thiếu. Nhưng ai dè…. không trật phát nào” - bà Dung chép miệng. 

Điều đầu tiên mà ông Trần Vũ, Trưởng ban quản trị Hội quán Nghĩa An nói sau khi biết tin tết Nguyên tiêu chính thức trở thành di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) quốc gia, đó là “cảm ơn UBND quận 5 ” vì hai năm qua đã cất công thu thập tài liệu, lập hồ sơ khoa học DSVHPVT đối với lễ hội gửi tới các cấp; để rồi có kết quả cuối cùng hôm nay.

Trong tâm thức của người Hoa, tết Nguyên tiêu còn lớn hơn cả tết Nguyên đán. Vào những ngày đó, nhà nhà sửa sang bàn thờ ông bà, trang trí nhà cửa, ăn mặc sạch sẽ, treo lồng đèn, chúc mừng, cả gia đình rủ nhau đến các chùa, hội quán cầu an, nghe ca kịch, tuồng cổ…

Muốn xem biểu diễn ca kịch tiếng Triều Châu thì đến Hội quán Nghĩa An. Muốn nghe ca kịch tiếng Hải Nam (hay còn gọi là Quỳnh kịch) thì đến Hội quán Quỳnh Phủ. Muốn xem biểu diễn ca kịch Phúc Kiến thì đến Hội quán Nhị Phủ… Từ truyền thống của riêng người Hoa, giờ đây, nó được công nhận là DSVHPVT của quốc gia, niềm hãnh diện của cộng đồng càng tăng lên gấp bội.

Ảnh: Tam Nguyên
Ảnh: Tam Nguyên

Họa sĩ tranh thủy mặc Trương Hán Minh là một trong ba nghệ nhân nhân dân được tôn vinh trong đợt lễ chào mừng lần này (cùng với họa sĩ viết thư pháp cổ Trương Lộ, nghệ nhân Lưu Kiếm Xương - chưởng môn lân - sư Nhơn Nghĩa đường).

Không giấu được niềm háo hức khi tết Nguyên tiêu - di sản văn hóa của cộng đồng dân tộc mình chính thức được trao bằng DSVHPVT quốc gia, ông gọi đây là “một sự kiện đặc biệt nhất”. Bởi lẽ, đây không chỉ là chuyện vui của người Hoa nói riêng mà còn là của các cộng đồng dân tộc nói chung, “thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong sự đa dạng, tôn trọng”. 

“Chúng tôi chờ đợi ngày này lâu lắm rồi. Cuối cùng nó cũng đến” - họa sĩ Trương Lộ tiếp lời trong không khí náo nức xung quanh. Năm nay ông 69 tuổi, nhưng có tới hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề viết/dạy thư pháp cổ. Đó cũng là bấy nhiêu năm ông sống trong không khí Nguyên tiêu ấm cúng cùng cộng đồng mình và khí tiết của chữ.

Trong ký ức của người nghệ sĩ già, vẫn còn rõ mồn một khung cảnh mấy chục năm trước, khi các con còn nhỏ, không khí gia đình chuẩn bị đón đêm trăng rằm đầu tiên của một năm như thế nào. Giờ đây, đây không chỉ là lễ hội của gia đình ông, cộng đồng ông, mà còn một điều gì khác lớn hơn nữa. Ông nói: “Tự nhiên thiêng liêng, tự nhiên đặc biệt khó tả”. 

Nốt lặng phía sau Chợ Lớn 

Khi đi tìm những mảnh ký ức bình dân gắn với tết Nguyên tiêu còn hiện diện ngay trong lòng Chợ Lớn, chúng tôi gặp ông Hùng ở khúc quanh Lương Nhữ Học. Ông Hùng năm nay 62 tuổi, chìa mấy tờ vé số ra mời khách. “Chú là người Hoa, chắc tết Nguyên tiêu vui lắm ha chú?”, tôi đón lấy mấy tờ vé số từ tay ông rồi gợi chuyện.

Ông Hùng như đứng chôn chân giữa biển người. Ông cúi xuống, rồi im lặng một lúc. Hóa ra, với ông Hùng, tết Nguyên tiêu là lễ hội mà ông tham dự vào đó, không phải là người chơi như người ta, mà là một người con - do hoàn cảnh khó khăn, bình thường không thờ cúng cha mẹ được chu đáo. Vì thế, mấy ngày lễ Nguyên tiêu hằng năm, ông tìm đến chùa, hội quán, gửi gắm nén nhang thơm đến cha mẹ trong những ngày đầu năm để ông bà khỏi “lạnh”. 

Người như ông Hùng đang mải vật lộn mưu sinh. Có lẽ, ông sẽ không biết tới cái bằng DSVHPVT là gì, có vai trò ra sao mà khắp xung quanh người ta vui đến vậy. Nhưng có một điều chắc chắn, trong cái bề dày văn hóa truyền thống của cộng đồng người Hoa ấy, có ông Hùng bán vé số, đang tưởng nhớ, đang lưu giữ nét đẹp của lễ hội đó bằng một cách riêng tư nhất của mình. Và phải chăng, lễ hội của một cộng đồng, một đất nước, được khởi thủy từ những lễ hội đầy tính nhân - sinh - quan của một đời người như vậy? 

Bà Hà mở lại những trang báo gắn liền với những tiết mục của Đoàn Ca kịch Thống Nhất Quảng Đông- Ảnh: Thanh Hoa
Bà Hà mở lại những trang báo gắn liền với những tiết mục của Đoàn Ca kịch Thống Nhất Quảng Đông- Ảnh: Thanh Hoa

Dưới chân cầu Chà Và từ quận 5 “vắt” qua quận 8, là con đường Vạn Kiếp chạy bên hông. Đi một quãng, là nơi đóng quân của Đoàn ca kịch Thống Nhất Quảng Đông. Do ảnh hưởng của COVID-19, tới nay, đoàn vẫn chưa “khởi động” lại. Khi tôi đến, chỉ có một mình bà Phạm Thúy Hà, phó trưởng đoàn đang lọ mọ xem lại những cuốn sổ ghi kịch bản cũ rích mấy chục năm về trước.

Từ đầu năm nay, khi nghe tin, TPHCM sẽ có thêm một DSVHPVT quốc gia, lại là di sản gắn bó với cộng đồng người Hoa của mình, bà Hà không khỏi khấp khởi. Thuộc cộng đồng người Hoa ở Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh), sau năm 1954, lúc đó mới 7-8 tuổi, bà Hà đã phải theo gia đình khăn áo vào Nam sinh sống. Ký ức sau đó là những ngày gắn liền với khu vực Chợ Lớn. Những cái tết Nguyên đán chưa qua, tết Nguyên tiêu đã lại. Cứ thế đếm tuổi mà hơn nửa thế kỷ đã trôi qua.

Bà Hà có vẻ trẻ hơn so với độ tuổi 60 của mình vì mái tóc cắt cao, nhuộm màu, hiện đại. Thế nhưng, bà Hà 60 tuổi lại nhớ mãi cô bé Hà của những năm thiếu niên, tóc đen dài thắt bím hai bên, mặc quần áo đẹp, theo cha mẹ đi đón Nguyên tiêu giữa phố. Lồng đèn đỏ treo khắp nơi. Tiếng hát người nghệ sĩ dân gian vọng lại từ ca kịch, tuồng cổ. Những đoàn lân sư rồng đi lướt qua đôi mắt đầy tò mò của một đứa nhỏ lúc đó trở thành dư ảnh của một thời ấu thơ ấm êm cùng gia đình trọn vẹn. Những tháng năm còn cha mẹ. 

Người chị em lập gia đình, bà Hà vẫn sống một mình cho tới bây giờ; với một mùa Nguyên tiêu cũ - mới đan xen trong chiều dài thân phận di cư từ Bắc vào Nam, tái sinh trong chính nền văn hóa của mình, trở thành người dạy tiếng Hoa - tiếng Việt, người chuyển ngữ kịch bản từ tiếng Hoa sang tiếng Việt rồi thành người soạn vở, đạo diễn ca kịch, tuồng cổ, rồi thành phó đoàn của Đoàn ca kịch Thống Nhất Quảng Đông. 

“Một tấm bằng di sản cho tương lai” được không?

Nhìn nơi trú ngụ chật chội của 40 nghệ sĩ, diễn viên, nhân viên cảnh trí… của Đoàn ca kịch Thống Nhất Quảng Đông có chút ái ngại. Cảnh trí sân khấu cũ kỹ, có tấm mối mọt, tất cả được dựng hết về một góc. Bà Hà kể, nhìn mấy tấm cảnh trí “rệu” vậy thôi, chứ sắp có vở diễn, cho anh em đi sơn mới lại, nhìn “ngon liền à”. Rồi bà mở cuốn sổ dán đầy những bài báo về đoàn của mình được cắt ra rồi ghi chú cẩn thận. Bà nhớ hết, kể từng người diễn viên, nội dung từng vở. 

 Tết Nguyên tiêu của người Hoa ở Q.5 vừa chính thức trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh: Tam Nguyên
Tết Nguyên tiêu của người Hoa ở quận 5 vừa chính thức trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh: Tam Nguyên

Mỗi năm, đoàn được Nhà nước hỗ trợ 10 suất diễn. Tuy nhiên, cũng chỉ mang tính động viên, khích lệ; hiện, đoàn đang hoạt động trong điều kiện khó khăn. Nghệ sĩ phải bươn bả làm thêm mới đủ sống; khi nào có suất diễn, thì mới tụ lại để “sáng đèn”. Đoàn có hai nghệ sĩ ưu tú; thì năm ngoái, một người đã mất vì bạo bệnh. Đội ngũ diễn viên trẻ kế cận đang học nghề, lại chưa được phát huy hết khả năng của mình.

Lâu nay, cùng với những đoàn nghệ thuật khác, những diễn viên, nghệ sĩ của Đoàn ca kịch Thống Nhất Quảng Đông vẫn miệt mài làm nghề, mong muốn tạo món ăn tinh thần, phục vụ khán giả người Hoa yêu thích nghệ thuật truyền thống, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong đồng bào người Hoa của thành phố. Nhưng đoàn sẽ “cầm cự” đến bao giờ?

Khi tết Nguyên tiêu của người Hoa ở quận 5 được đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia, bà có mong muốn gì cho chính cái bộ môn mà bà đang hoạt động, cũng là một phần nội dung làm nên bản sắc của cái tết đó? Bà hỏi tôi, “một tấm bằng di sản cho tương lai” được không? Chia sẻ ước mong cùng với việc công nhận, những yếu tố kiến tạo nên “hệ sinh thái di sản” tết Nguyên tiêu (không chỉ tín ngưỡng mà còn tập quán xã hội), cũng được quan tâm nhiều hơn, bà Hà đang nói đến số phận của nghệ thuật ca kịch cổ truyền cũng như những loại hình khác đang chờ ngày “khởi sắc” trở lại. 

Một ngày trước lễ đón bằng, từ Hội quán Tuệ Thành, ông Lư Chấn Lợi - Trưởng ban Hội quán - dẫn tôi băng qua con đường Nguyễn Trãi sầm uất bán buôn, để tìm một nhà làm nghề áo bào năm xưa mà không thấy. Cả dãy phố bán đủ thứ, nhưng nghề may thêu áo bào thần phật “bói” không ra.

Ông Trần Vũ ngậm ngùi, ca hát không phải nghề tạo ra tiền bạc nên một số nghệ sĩ vì khó khăn quá đã bỏ đi làm nghề khác. Hội quán cũng muốn đào tạo lớp nghệ sĩ mới, nhưng thanh niên bây giờ không mặn mà lắm. Hay như chùa Ông (Nghĩa An), chùa Hải Nam đều tổ chức diễn tuồng cổ tiếng Hoa phục vụ bà con người Hoa.

Những năm gần đây, trong nước, tìm không ra/đủ người, Ban quản trị phải mời gần 100 diễn viên đoàn II Viện Triều kịch Sơn Đầu - Quảng Đông - Trung Quốc sang biểu diễn. Là người dạy viết thư pháp cổ, họa sĩ Trương Lộ cũng lo lắng đội ngũ trẻ kế thừa tập tục văn hóa ngày một thưa thớt.

Cách đây gần 10 ngày, bà Lý Liên, người làm túi thơm cuối cùng của Chợ Lớn đã mất. Trên Facebook, nhất là cộng đồng người Hoa, nhiều người xót thương. Nhiều bạn trẻ, trong đó có cả những bạn chưa gặp bà lần nào, cũng rủ nhau tới tiễn biệt bà, như lời chào một điều cuối cùng của đất.

Những chiếc túi thơm được nghệ nhân Chợ Lớn may khâu thủ công cẩn thận, bên trong là các hương liệu như hùng hoàng, lá ngải phơi khô băm nhỏ… Những chiếc túi sặc sỡ sắc màu, thường gặp trong những mùa tết Nguyên đán, tết Nguyên tiêu, Đoan Ngọ… Những sắc màu sẽ đi xa. Nghe nói, sang năm, đứa cháu sẽ nối nghiệp bà Lý Liên. Mà cũng chẳng biết điều đó đúng không.

Chiều 5/7, có những khuôn mặt người ham vui, hội hè, náo nhiệt đứng sẵn, hòa vào dòng người trên phố chờ đoàn diễu hành đi qua, nhưng cũng có những người ăn mặc sạch sẽ, dọn dẹp nhà cửa, thắp một nén nhang lên bàn thờ gia tiên. Họ không ra xem đoàn diễu hành như người ta, mà chìm trong những mùa Nguyên tiêu cũ. 

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI