Mũ bảo hiểm của Hy Lạp cho thấy một nền văn hóa quan trọng và hùng mạnh trước thời đại La Mã

01/05/2024 - 11:13

PNO - Trong tháng 4/2024, các nhà khảo cổ đã khai quật được một chiếc mũ bảo hiểm Hy Lạp cổ đại từ các ngôi mộ cổ ở miền nam Croatia, làm sáng tỏ hơn về lịch sử của người Illyrian, một dân tộc bộ lạc từ phía đông Adriatic và Balkan.

Gần làng Zakotorac trên bán đảo Peljesac, cách Dubrovnik khoảng 70km về phía tây bắc, một nhóm các nhà khảo cổ học, do Hrvoje Potrebica (Đại học Zagreb) dẫn đầu đã phát hiện ra nhiều cổ vật khác nhau, bao gồm đồ trang sức đắt tiền và mũ bảo hiểm Greco-Illyrian.

Mũ bảo hiểm Hy Lạp-Illyrian có niên đại từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên
Mũ bảo hiểm Hy Lạp - Illyrian có niên đại từ thế kỷ thứ V trước Công nguyên

Đây là chiếc mũ bảo hiểm thứ hai thuộc loại này được tìm thấy trong khu vực. Một chiếc mũ bảo hiểm tương tự được phát hiện vào năm 2020. Cả hai đều có niên đại từ thế kỷ thứ V hoặc thứ VI trước Công nguyên, thời kỳ mà các nhà sử học tin rằng cộng đồng người Illyrian phát triển mạnh mẽ.

Mặc dù có rất ít thông tin về văn hóa và ngôn ngữ Illyrian, nhưng người ta biết rằng họ đã sống theo từng bộ lạc. Bộ lạc sinh sống ở khu vực Peljesac thuộc miền nam Croatia ngày nay được cho là đã phát triển mạnh nhờ quyền kiểm soát đối với các tuyến đường thương mại hàng hải có ý nghĩa chiến lược xung quanh bán đảo.

Mũ bảo hiểm Greco-Illyrian giúp "viết lại lịch sử"

Mặc dù được phát hiện trong các ngôi mộ nhưng những chiếc mũ bảo hiểm không phải là một phần của nghi lễ chôn cất. Các chuyên gia suy đoán rằng chúng được gửi đến muộn hơn nhiều, có thể là quà “vàng mã” trong bối cảnh tôn giáo hoặc nghi lễ.

Nhà khảo cổ học Hrvoje Potrebica (Đại học Zagreb) giải thích: "Cả hai đều được tìm thấy dưới dạng những đồ vật riêng biệt, được sắp xếp theo cách cho thấy đây là một cổ vật của sự sùng bái. Đây là những món quà "vàng mã" được để lại để bày tỏ lòng kính trọng đối với các vị thần hoặc những người được chôn cất ở đây. Chúng tôi không nghĩ rằng chúng có liên quan đến bất kỳ người cụ thể nào được chôn cất ở đây vì địa điểm này chứa hài cốt của hàng chục cá nhân".

Nhiều món trang sức khác nhau được tìm thấy tại Zakotorac
Nhiều món trang sức khác nhau được tìm thấy tại Zakotorac

Nhiều ngôi mộ đã được phát hiện trong những năm gần đây trong khu vực và trên các đảo lân cận. Trong khi hầu hết vẫn chưa có những nghiên cứu cụ thể, những phát hiện gần đây từ các địa điểm ở Zakotorac và Nakovana gần đó cho thấy những địa điểm này có thể có ý nghĩa tâm linh đặc biệt đối với người Illyrian thế kỷ thứ V trong khu vực.

Cuộc chinh phục của người La Mã và những tác động

Các bộ lạc Illyrian, sống dọc theo phía đông Adriatic từ ít nhất thiên niên kỷ thứ II trước Công nguyên, đã bị quân La Mã xâm lược đánh bại một cách tàn bạo vào những năm cuối của thế kỷ I trước Công nguyên.

Các địa điểm văn hóa và khu định cư của họ dường như đã bị bỏ hoang khoảng 500 năm sau thời của những chiếc mũ bảo hiểm.

Nhà sử học địa phương Ivan Pamic cho biết: "Những gò đất này có thể đã bị cướp bởi người La Mã, những người đã đến đây vào những thập niên cuối của thế kỷ I trước Công nguyên. Vào thời điểm đó, Octavian, hoàng đế La Mã tương lai, đã dẫn đầu các cuộc thám hiểm quân sự, tấn công người Illyrian ở phía đông Adriatic".

Các cổ vật khác được phát hiện bao gồm ghim, đồ trang sức, khóa, hạt thủy tinh và fibulas (kim cài dùng để buộc quần áo).

Những quan điểm thuộc địa truyền thống đầy thách thức

Vào thời điểm đó, Hy Lạp đã thành lập các thuộc địa thịnh vượng trên khắp Địa Trung Hải, một số thuộc địa quan trọng nhất ở Adriatic nằm trên các đảo Vis, Hvar và Korcula của Croatia ngày nay. Những phát hiện này cho thấy giới quý tộc địa phương giàu có như thế nào vào thời điểm đó.

"Sự giàu có của cộng đồng sống ở đây, có thể được nhìn thấy trong nhiều đồ tạo tác được tìm thấy trong các ngôi mộ. Sự giàu có này có thể đến từ nguồn thu do buôn bán, quyền kiểm soát các tuyến đường thương mại đi từ phía đông nam đến phía tây bắc và hướng vào nội địa của vùng Balkans" - Domagoj Perkic - nhà khảo cổ học và người quản lý tại Bảo tàng khảo cổ học Dubrovnik - cho biết.

Những phát hiện này cũng có thể giúp thay đổi quan điểm chủ đạo về lịch sử của phần Địa Trung Hải này, vốn được kể thông qua các nguồn tài liệu của Hy Lạp hoặc La Mã.

Potrebica cho biết thêm: “Trước đây, chúng tôi không có quyền truy cập vào dữ liệu này, chúng tôi chỉ dựa vào các tài liệu cổ xưa và kiến ​​thức của chúng tôi về người Hy Lạp. Vì vậy, chúng tôi đã xem xét các cộng đồng này qua lăng kính đây là những lãnh thổ thuộc địa, qua con mắt của những người đến đây”.

Thảo Nguyên (theo Japan Euronews)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI