Một thế giới lấp lánh của Cynthia kadohata

17/05/2020 - 07:57

PNO - Sau tác phẩm Kira-kira (giải Newbery, giải thưởng đóng góp xuất sắc nhất cho văn học thiếu nhi Mỹ năm 2005), nhà văn người Mỹ gốc Nhật Cynthia Kadohata đã trở lại với độc giả Việt qua loạt tác phẩm mới: Chuyện may rủi (The thing about luck) và Nửa vòng trái đất (Half a world away).

Khôi hài, trong veo

Xuất bản lần đầu năm 2013, The thing about luck ngay lập tức được trao giải sách Quốc gia Hoa Kỳ 2013 dành cho văn học thiếu nhi. Dấu ấn Nhật một lần nữa được thể hiện trong tác phẩm, thông qua câu chuyện của nhân vật nhí Summer Miyamoto. Cô bé 12 tuổi, một đại diện cho “thế hệ thứ hai mang dòng máu Nhật - Mỹ”, như Cynthia Kadohata.

Nếu Kira-kira là câu chuyện về hai chị em Lynn Akiko Takeshima và Katherine Natsuko Takeshima cùng gia đình người Mỹ gốc Nhật sống tại tiểu bang Georgia, với những ký ức về tuổi thơ lấp lánh, thì ở The thing about luck, là “sân khấu” dành trọn vẹn cho Summer - khi cô nhỏ phải “tả xung hữu đột” giữa việc giúp bà nấu ăn, chăm sóc em trai và giải quyết những rắc rối do… chính mình gây ra.

Nhà văn Cynthia Kadohata
Nhà văn Cynthia Kadohata

Rồi Summer bị sốt rét, những “xoay trở” của cô nhỏ trong thế giới tuổi thơ cũng gây ra những “hậu quả” lớn nhưng vô cùng đáng yêu. Tạp chí Publishers Weekly nhận định về tác phẩm: “Lời thoại sống động, câu chữ súc tích và khôi hài khắc họa rõ nét cảm xúc, cách nhìn cuộc sống và lòng can đảm của Summer”.

The thing about luck rất thú vị: một gia đình tràn ngập năng lượng ấm áp và khôi hài. Summer vượt qua được các thách thức của bản thân bằng sức mạnh tinh thần rất khác biệt. Cô nhỏ cũng là một hình mẫu gắn bó rất mật thiết với văn hóa Nhật Bản” - đánh giá từ The New York Times.

Trong khi đó, nhân vật nhí trong tác phẩm Nửa vòng trái đất (Half a world away) - Jaden cũng là một cậu bé 12 tuổi - nhưng ở một thái cực khác. Jaden là đứa trẻ bị bỏ rơi khi mới bốn tuổi. Cậu được nhận nuôi, tinh thần non nớt vẫn còn di chứng nặng nề của ký ức cũ. Khi biết cha mẹ nuôi muốn nhận nuôi thêm đứa trẻ khác, cậu bé nghĩ mình chỉ là “đồ bỏ đi”.

Những tật xấu đã được “phát huy”, cho đến khi chính cậu được đến tận trại trẻ mồ côi ở Kazakhstan, nhìn thấy những đứa bé hơn mình, cũng không có cha mẹ. Ký ức bị bỏ rơi trở về, Jaden bắt đầu nhận ra rằng chỉ có mình mới hiểu được cảm xúc của những đứa trẻ mồ côi này khi chúng lớn dần lên. Và cậu bé, bằng một tình yêu thương đặc biệt, đã trở thành người anh lớn...

Nhà văn khắc họa một cách tuyệt vời những biến chuyển tâm lý trong thế giới tuổi thơ, với những hành vi, ứng xử, nội tâm trước những “xáo động đầu đời” mà Jaden phải đối mặt. Nửa vòng trái đất đẫm giá trị nhân văn, cảm xúc của một đứa trẻ khiến người lớn phải lay động. “Những trang viết đẹp, cảm động và sâu sắc” là những đánh giá dành cho Half a world away khi tác phẩm được ra mắt lần đầu năm 2015. 

“Bảo tàng thơ ngây"

Kể từ tác phẩm Kira-kira đến nay đã gần hai thập niên, ngòi bút của Cynthia Kadohata vẫn mang đến cho độc giả câu chuyện trong veo, hài hước, tràn đầy tình yêu và hy vọng.

Ngoài những tác phẩm đã được chuyển ngữ ở Việt Nam, các tác phẩm của nhà văn còn có: Checked, A million shades of gray, Outsite beauty, Weedflower… Không chỉ viết cho thiếu nhi, bà còn có nhiều tác phẩm dành cho độc giả trưởng thành: In the heart of the valley of love, The floating world…

Đặc biệt, trong số đó, có một tác phẩm bà viết có bối cảnh Việt Nam: Cracker! The best dog in Vietnam (xuất bản năm 2007). Khai thác bối cảnh từ cuộc chiến tranh Việt Nam, với nhiệm vụ giải cứu tù binh của người lính Mỹ 17 tuổi Rick Hanski và chú chó chăn cừu Đức Cracker. Trong tác phẩm này, Cynthia Kadohata giữ thái độ trung lập về chính trị, tuy nhiên, nhà văn cũng khéo léo truyền đạt thông điệp phản đối chiến tranh qua suy nghĩ và những thay đổi của Rick Hanski. Cynthia Kadohata cũng là nhà văn thiếu nhi hiếm hoi liên tục khai thác các đề tài đặt trong bối cảnh chiến tranh cho những tác phẩm dành cho thiếu nhi của mình. 

Nhà văn Cynthia Kadohata sinh năm 1956, tại Chicago (Illinois, Mỹ). Suốt những năm tháng tuổi thơ, bà gần như trải qua “cuộc sống trên đường” khi gia đình liên tục di chuyển chỗ ở, từ Chicago đến Georgia, Michigan rồi Los Angeles. Tiếp nhận những giá trị văn hóa Mỹ - Nhật, cùng trải nghiệm tuổi thơ cho bà những chất liệu quý giá để sáng tác. Bản thân nhà văn cũng chính là một “bảo tàng” cho những giá trị mà có lần bà từng chia sẻ: viết là sự kết nối di sản - những giá trị văn hóa, lịch sử, ký ức và tinh thần. 

Cynthia Kadohata tốt nghiệp cử nhân ngành báo chí tại Trường đại học Nam California. Truyện ngắn đầu tiên của bà được đăng trên tờ The New Yorker năm 1986, đó là câu chuyện về thế giới khác thường của những chú vịt một chân. Thật ra, bà đã xuất bản tiểu thuyết đầu tiên năm 1989: tác phẩm The floating world (Thế giới nổi), từng giới phê bình đánh giá cao ở thời điểm ấy. Nhưng cách thể hiện và quan điểm tư tưởng trong tác phẩm này cũng ít nhiều tạo ra nhiều tranh cãi. Mãi đến Kira-kira, sức ảnh hưởng của Cynthia Kadohata mới lan rộng ở nhiều quốc gia. 

Nổi tiếng và được đông đảo bạn đọc yêu mến, nhưng nữ nhà văn lại rất ít khi xuất hiện trước công chúng. Bà chia sẻ, ngoài thời gian viết sách, thời gian còn lại chủ yếu bà dành cho con trai “đang lớn, lớn rất nhanh mỗi ngày và đã cao hơn mình”.  “Cuộc đời tôi là sự thật và tưởng tượng” - nhà văn chỉ có đôi dòng tự bạch về mình như thế. 

Tiểu Quyên

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI