Văn hoá nghệ thuật năm 2022: Những điểm son

Một năm rộn ràng của văn chương

28/12/2022 - 06:34

PNO - Sau đại dịch COVID-19, xuất bản “trỗi dậy” với sự phát triển của sách nói, sách điện tử và văn chương sôi động với các cuộc thi viết, các giải thưởng…

Một trong những sự kiện văn chương đáng chú ý của TPHCM đầu năm 2022 là loạt tác phẩm ra đời từ trại sáng tác Tiếp bước mùa thu rồi ngày hăm ba với nhiều tựa sách có giá trị về lịch sử - văn hóa - con người được đánh giá cao: Dòng biên viễn, Cha tôi - nhà thơ Nguyễn Bính, Phù sa châu thổ, Sài Gòn thở chậm hít sâu

Một năm phát triển khả quan của ngành xuất bản(trong ảnh: Đông đảo người dân tham dự khánh thành Đường sách TP Cao Lãnh) - ẢNH: NHÀ XUẤT BẢN TRẺ
Một năm phát triển khả quan của ngành xuất bản(trong ảnh: Đông đảo người dân tham dự khánh thành Đường sách TP Cao Lãnh) - ẢNH: NHÀ XUẤT BẢN TRẺ

Dấu ấn trẻ được nhìn thấy từ giải thưởng Văn học Tuổi 20 lần 7 với sự xuất hiện của những gương mặt mới. Nhiều cây bút nhí cũng khẳng định bút lực và khả năng sáng tạo bất ngờ: Cao Việt Quỳnh (bộ truyện Người sao chổi), Phạm Hữu Thiên Ân (Cuốn sách đầu tiên của Ku Hay), Quỳnh Trần (Ngài Kẹo), Nguyễn Hạnh Phương (Biệt đội ngôi sao)… Nhiều cuộc thi viết/các giải thưởng văn chương cũng được phát động tạo nên một không khí rộn ràng, sôi nổi cho văn chương: Giải thưởng Văn học trẻ - Đại học Quốc gia 2022, Cuộc thi Truyện ngắn hay 2022 của Tạp chí Văn nghệ TPHCM; các cuộc thi viết quy mô về đề tài biển đảo, lực lượng công an nhân dân, thương binh - liệt sĩ, viết về người lao động và công đoàn, về các y bác sĩ... 

Năm 2022 ngành xuất bản cũng khả quan hơn. Theo số liệu thống kê từ Cục Xuất bản In và Phát hành, trong năm 2022, toàn ngành có hơn 34.000 xuất bản phẩm, với gần 500 triệu bản sách (chưa bao gồm sách nói và sách điện tử) được xuất bản; doanh thu các nhà xuất bản ước tính đạt 3.200 tỉ đồng, tăng 6% so với năm 2021. Sự phát triển của xuất bản phẩm điện tử cũng như quá trình chuyển đổi số, cũng là một trong những điểm nhấn của ngành xuất bản năm 2022, theo đánh giá của ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành - tại hội nghị Giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2022 vừa diễn ra tại Hà Nội.

Ấn tượng từ những lần đầu tiên

Lần đầu tiên, Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức (vào ngày 19/4) góp phần tôn vinh và lan tỏa văn 
hóa đọc. 

Lần đầu tiên Danh mục Sách khuyến nghị hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học (gồm 965 tựa sách) được công bố vào ngày 18/8.

Đường sách đầu tiên của miền Tây: Đường sách TP Cao Lãnh được khánh thành ngày 19/11 trở thành điểm hẹn cho người yêu sách đồng bằng. 

Lần đầu tiên có giải thưởng văn chương dành cho cây bút là sinh viên trong cả nước: Giải thưởng Văn chương trẻ - Đại học Quốc gia TPHCM 2022

Lần đầu tiên có tour Du lịch Văn học dành cho những người yêu văn chương, do Bảo tàng Văn học Việt Nam tổ chức, ra mắt vào ngày 18/12. 

Sự phát triển khả quan này có thể được nhìn thấy qua sự gia tăng của các nhà xuất bản trong việc tham gia kinh doanh xuất bản phẩm điện tử thời gian qua. Nếu trong năm 2018 chỉ có 2 nhà xuất bản, đến nay đã có 19 đơn vị xuất bản, các công ty tư nhân tham gia phát triển xuất bản phẩm điện tử.

Doanh thu sách nói trong năm qua lên đến gần 100 tỉ đồng, cho thấy sự phát triển vượt bậc của audio books từ trong và sau đại dịch COVID-19. Các hội sách thường niên không chỉ có hình thức offline, mà còn được tổ chức phổ biến và thường xuyên theo hình thức online, mở rộng thị phần, đáp ứng nhu cầu không chỉ cho bạn đọc ở đô thị, mà còn cho các tỉnh, thành trong cả nước. 

Tìm cơ hội chuyển đổi số cũng là một trong những mục tiêu được ngành xuất bản đặt ra vào đầu năm 2022. Trước khó khăn thách thức, toàn ngành phải tìm cách thích nghi với tình hình mới. Từ đó cũng tạo ra nhiều cơ hội mới trong phương thức tiếp cận bạn đọc, cũng như bắt nhịp với thế giới trong giai đoạn chuyển mình tích cực của nhu cầu chuyển đổi số toàn cầu. 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI