Mỗi tháng Bộ Thông tin Truyền thông nhận gần 30.000 phản ánh cuộc gọi "rác”

04/11/2022 - 12:07

PNO - Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nêu trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội, sáng 4/11.

 

 

Bộ trưởng Bộ TT-TT cho rằng, việc để lộ lọt thông tin, số điện thoại một phần là do người tiêu dùng quá dễ dãi
 Bộ trưởng Bộ TT-TT cho rằng, việc để lộ thông tin, số điện thoại một phần là do người tiêu dùng quá dễ dãi

Ngày 4/11, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng về tình trạng người dân bị “khủng bố qua điện thoại” như đòi nợ, quảng cáo...

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận có tình trạng này. Trong năm 2022, mỗi tháng, Bộ nhận khoảng 30.000 phản ánh của người dân, trong đó có 88% phản ánh về cuộc gọi rác, khủng bố.

Bộ trưởng nói thêm, thời gian qua, nạn tin nhắn rác đã “chùng xuống”, không còn nhiều như trước do các đơn vị đã dùng công nghệ rất tốt để chặn. Tuy nhiên, các cuộc gọi rác lại đang nổi lên. Theo Bộ trưởng, cuộc gọi rác là vấn nạn toàn cầu. Điển hình như ở Mỹ, ở Brazil, hàng tháng, mỗi người dân phải nhận cuộc gọi không liên quan nhiều gấp 3 lần so với ở Việt Nam.

Gần đây, Bộ đã chính thức công bố số điện thoại để người dân có thể nhắn tin, gọi điện phản ánh về cuộc gọi rác. Về giải pháp lâu dài, quan trọng nhất là phải dùng công nghệ. "Bộ đã chỉ đạo các nhà mạng phát triển công nghệ phát hiện cuộc gọi rác và chủ động ngăn chặn. Mỗi tháng chúng tôi chặn 30.000-40.000 số điện thoại phát tán thông tin rác. Những tháng gần đây cuộc gọi rác được xử lý tốt hơn, giảm khoảng 30% so với năm ngoái", Bộ trưởng nói.

Cũng trả lời ĐBQH về vấn đề liên quan đến việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, việc lộ lọt thông tin, số điện thoại một phần là do người tiêu dùng quá dễ dãi. “Tôi đi làm kính, tới cửa hàng họ hỏi số điện thoại, mình cũng đưa. Đúng ra là phải có hợp đồng mẫu về việc thu thập thông tin”, ông lấy ví dụ từ chính bản thân.

Trong năm 2022, Bộ TT-TT cho biết sẽ thanh tra toàn diện các nhà mạng về việc thu thập, xử lý và đảm bảo an toàn dữ liệu cá nhân. Năm 2023 sẽ thanh tra tới các đơn vị bưu chính cả trong nước và nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Về hành lang pháp lý, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, Bộ Công an đang chuẩn bị ban hành nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân. Hiện các nước ASEAN đã có luật bảo vệ dữ liệu cá nhân. Về các vi phạm trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, mức phạt trên thế giới có thể lên đến 1 tỷ USD - do tính trên tổng số doanh thu.

Bộ TT-TT dự kiến xin ý kiến Chính phủ, lấy năm 2023 làm năm dữ liệu số Việt Nam để nâng cao nhận thức, bảo vệ tốt dữ liệu cá nhân.

 

Bộ trưởng Bộ công an Tô Lâm cho biết đã trình Nhị
 

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết đang xin ý kiến về nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân trước tình trạng hoạt động mua bán trái phép thông tin cá nhân đang diễn ra phức tạp

Giải trình, làm rõ ý kiến chất vấn của ĐBQH về vấn nạn mua bán trái phép thông tin, dữ liệu cá nhân, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đánh giá, tình trạng này đang diễn ra rất phức tạp. Theo Bộ trưởng, để phòng ngừa, ngăn chặn việc này, tránh lộ lọt thông tin cá nhân, cần hoàn thiện hành lang pháp lý, trong đó đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm cho ý kiến về nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ngoài ra, các ban, bộ, ngành địa phương cần chủ động bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân.

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, dữ liệu là tài sản quốc gia, do đó cần được đảm bảo, xây dựng chiến lược nguồn nhân lực chất lượng cao để bố trí đội ngũ có năng lực làm nhiệm vụ này. Cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh mạng, an ninh dữ liệu, tích cực tham gia sáng kiến, cơ chế phối hợp bảo vệ an ninh, dữ liệu.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI