Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Dự báo thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn

03/11/2022 - 15:33

PNO - Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ ra hàng loạt tồn tại và dự báo thị trường bất động sản trong thời gian tới tiếp tục gặp khó khăn.

 

Bộ trưởng Bộ xây dựng trả lời chất vấn của ĐBQH chiều 3/11
Bộ trưởng Bộ xây dựng lần đầu ngồi "ghế nóng", trả lời chất vấn của ĐBQH chiều 3/11

Quỹ đất cho nhà ở xã hội chỉ đáp ứng trên 30% nhu cầu

Chiều 3/11, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Lệ (TPHCM) cho biết việc phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua chủ yếu từ nguồn lực xã hội hóa, do vậy, việc hoàn thiện các dự án nhà ở xã hội phụ thuộc phần lớn vào các chủ đầu tư dự án.

Mặt khác, quy định pháp luật về nhà ở chưa đảm bảo cho việc tạo nguồn cung nhà ở xã hội và chưa nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án.

Chính vì vậy, nguồn cung nhà ở xã hội trong thời gian qua còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội của công nhân, viên chức, người lao động.

ĐBQH Nguyễn Thị Lệ đặt câu hỏi, trong thời gian tới Bộ Xây dựng có ban hành hoặc đề xuất ban hành chính sách gì để khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là hỗ trợ vốn và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quy trình đầu tư phát triển nhà ở xã hội? Đồng thời có biện pháp như thế nào để đảm bảo hiệu lực trong thực hiện các quy định về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, chủ đầu tư và đáp ứng được nhu cầu nhà ở xã hội của công nhân, viên chức, người lao động có thu nhập thấp?

Trả lời ĐBQH, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, những năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân được Nhà nước quan tâm, nhất là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu của người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

Việc xây nhà ở xã hội đã đạt được kết quả quan trọng bước đầu nhưng so với yêu cầu đặt ra chưa như mong muốn. Cụ thể, theo Bộ trưởng, số lượng nhà ở xã hội mới đạt được 7,79 triệu m2 nhà ở xã hội so với yêu cầu 12,5 triệu m2. Quỹ đất cho nhà ở xã hội mới đạt được trên 36% so với nhu cầu.

Việc chưa đạt được mục tiêu là do một số tồn tại là quy định pháp luật còn vướng mắc, cần sửa đổi bổ sung, đặc biệt là Luật Nhà ở và luật khác có liên quan đến trình tự thủ tục đầu tư, xác định giá nhà ở xã hội, chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư, quy định nhà ở xã hội phải dành diện tích tối thiểu 20% cho thuê....

Trong tổ chức thực hiện, việc bố trí nguồn vốn xây nhà xã hội cũng gặp khó khăn, mới đáp ứng được khoảng 35% yêu cầu.

Thời gian qua một số địa phương chưa thực sự quan tâm xây dựng nhà ở xã hội, nhà công nhân, từ đó chưa đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, hàng năm. Bên cạnh đó cũng có nhiều nơi chưa xác định rõ quỹ đất; chưa quan tâm hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật quanh khu vực làm nhà ở xã hội; chưa đảm bảo quyết liệt trong tháo gỡ thủ tục hành chính, vướng mắc để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tham gia xây nhà ở xã hội.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng cho hay, thời gian tới, các bộ ngành tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan tới vấn đề này như sửa Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch đô thị… Các cơ quan sẽ tập trung triển khai đề án phát triển ít nhất 1 triệu nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân.

Thị trường bất động sản lộ rõ nhiều bất cập

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá, thị trường bất động sản trong thời gian tới tiếp tục gặp khó khăn

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá, thị trường bất động sản trong thời gian tới tiếp tục gặp khó khăn

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết, thị trường tài chính – bất động sản – tăng trưởng kinh tế được xem là 3 chân kiềng. Dự báo thế giới có nguy cơ khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về xu thế bất động sản tại Việt Nam trong thời gian tới và có những giải pháp ra sao để thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận, thị trường bất động sản của Việt Nam hiện nay còn một số hạn chế, tồn tại. Điển hình như hệ thống pháp luật liên quan tới đất đai cần sửa đổi; việc triển khai ở hầu hết các địa phương còn khó khăn, nguồn cung sụt giảm. Số lượng dự án chấp thuận mới, hoàn thành đúng thời gian còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở thương mại có giá trung bình, nhà thu nhập thấp. Cơ cấu sản phẩm tiếp tục bất hợp lý, thiếu trầm trọng nhà ở cho người thu nhập thấp, trung bình. Giá bất động sản cao hơn nhiều so với thu nhập của người dân.

Ngoài ra, Bộ trưởng chỉ ra, nguồn vốn cho các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn do các vấn đề tiếp cận nguồn vốn tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp…

Theo kinh nghiệm của các nước cũng như Việt Nam trong những năm gần đây, thị trường bất động sản có biến động phụ thuộc vào kinh tế vĩ mô, các kênh đầu tư khác, nguồn cung bất động sản, chính sách tài chính và thiếu các biện pháp can thiệp kịp thời của Nhà nước.

“Qua kinh nghiệm và diễn biến” tình hình thị trường 9 tháng đầu năm 2022, Bộ Xây dựng đánh giá và dự báo thị trường bất động sản nước ta thời gian tới tiếp tục khó khăn. Nguồn cung tiếp tục bị hạn chế, cơ cấu sản phẩm có cải thiện nhưng còn không phù hợp”, Bộ trưởng nói.

Thị trường còn khó khăn nhưng nếu thực hiện quyết liệt các biện pháp đồng bộ như hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo điều kiện cho vay đúng quy định pháp luật, tạo điều kiện cho vay với các đơn vị có năng lực, hoạt động kinh doanh tốt, lành mạnh; kiểm soát phát hành trái phiếu, thực hiện đúng quy định…

Cùng với sự phối hợp đồng hợp của bộ, ngành, địa phương, Bộ trưởng tin thị trường bất động sản sẽ dần ổn định, phát triển an toàn, bền vững.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI