Trẻ lớp Một đã phải học oằn lưng

Mới sáu tuổi, đã phải học... ba ca

12/10/2020 - 06:57

PNO - Học sinh lớp Một đã học hai buổi ở trường, tối về vẫn phải mệt nhoài luyện tập hoặc phải đi học thêm.

 

Nhiều phụ huynh không thể hiểu nổi tại sao các bé mới vô lớp Một đã phải mang cặp táp nặng trịch, học quá nhiều môn: tiếng Việt, toán, đạo đức, mỹ thuật, tự nhiên xã hội, hoạt động trải nghiệm, tiếng Anh, âm nhạc, kỹ năng sống… Đã vậy, họ còn phải cho con đi học thêm vì con không thể theo kịp bài vở trên lớp. 

Bài 2: Giảm tải, khó vẫn hoàn khó

Bài 3: Sách giáo khoa còn cẩu thả, vì sao?

Mang nặng, học miệt mài

Sáng sớm, như thường lệ, chị Thanh Thùy - nhà ở quận Bình Thạnh, TPHCM - cẩn thận kiểm tra cặp của cậu con trai học lớp Một trước khi chở con đến trường. Hôm nay là thứ Hai, con chị Thùy học toán, tiếng Việt, đạo đức, mỹ thuật, tiếng Anh. Tất cả có năm môn với năm cuốn sách, kèm theo là năm cuốn bài tập, chưa kể tập để viết, sữa, nước uống cho cả ngày. Cặp táp của đứa trẻ lớp Một vì thế mà nặng trĩu, không khác gì trước đây. 

Đứa bé lớp Một này không thể vác nổi chiếc cặp với cả chục cuốn sách, tập… nên phải nhờ anh mình ở lớp trên xá ch hộ ẢNH: TRÚC MAI
Đứa bé lớp Một này không thể vác nổi chiếc cặp với cả chục cuốn sách, tập… nên phải nhờ anh mình ở lớp trên xách hộ - Ảnh: Trúc Mai

Giống như nhiều phụ huynh khác, chị Thùy không hình dung ra tại sao các bé mới vô lớp Một lại phải học quá nhiều môn học: tiếng Việt, toán, đạo đức, mỹ thuật, tự nhiên xã hội, hoạt động trải nghiệm, tiếng Anh, âm nhạc, kỹ năng sống… 

Đến 16g30, chị đón con về. Sau khi nghỉ ngơi, cơm nước xong, con trai chị Thùy lại tiếp tục rèn chữ, làm bài thêm hai giờ nữa mới đi ngủ. Ngày nào cũng vậy. Chị đang lo đứa trẻ sáu tuổi bắt đầu hành trình đi học với thời lượng như thế này, liệu có ảnh hưởng tâm sinh lý không. Rồi chị tự hỏi, trẻ có cần phải học quá nhiều trong khi chỉ cần biết đọc, biết viết.

Đến lớp được hai tuần, con chị Thùy về nhà khóc vì mỗi bài viết chính tả, con sai tới 10 lỗi. Hai tuần đầu, lẽ ra các bé chỉ nên làm quen với trường, lớp, thầy cô, bạn bè, nhưng chương trình mới lại bắt các cháu viết chính tả, nghĩa là cô đọc và trò chép lại. Con của chị bỏ dấu loạn cào cào, viết 10 chữ, sai cả 10. Cũng ở môn tiếng Việt, mới vô học một tháng nhưng chương trình bắt các bé phân biệt c-k, g-gh, ch-tr, ng-ngh… Ở phần này, hai mẹ con cũng đánh vật mấy đêm liền vì cháu không nhớ và không phân biệt được. Ví dụ, “bà kể chuyện” thì bé viết thành “bà cể truyện”, “ghe” thành “ge”, “đu đủ” biến thành “đu đũ”… 

Chị cũng tự nhủ, sai rồi sẽ nhớ để viết đúng. Nhưng đến nay, hơn mười buổi tối được mẹ kèm thêm, bé vẫn chưa phân biệt được khi nào thì dùng “g” và khi nào thì dùng “gh”. Mỗi lần viết sai, bị mẹ la, bé lại khóc: “Tối con ngủ mơ là con viết đúng, nhưng sáng lên lớp tự nhiên con quên hết”. 

Đành phải cho con đi học thêm

Chị Thùy cho biết, hồi đầu năm, nhà trường tổ chức cho phụ huynh họp với cô chủ nhiệm để chuẩn bị cho con vào lớp Một. Hôm đó, cô giáo chủ nhiệm nói: “Bé nào chưa học chữ trước thì khi vô chương trình mới này, chỉ biết đứng trên bờ nhìn các bạn khác bơi mà thôi”. Từ đầu năm học, tối nào con cũng phải viết 4-6 trang tập viết và luyện đọc chữ. Lúc đầu, ngày nào cô cũng nhắn phụ huynh là chữ bé quá xấu, cần rèn luyện thêm. 

Mới lớp Một nhưng chương trình học đã quá tải khiến những đứa trẻ mới sáu tuổi phải chịu nhiều áp lực - Ảnh: ĐỖ MINH
Mới lớp Một nhưng chương trình học đã quá tải khiến những đứa trẻ mới sáu tuổi phải chịu nhiều áp lực - Ảnh: Đỗ Minh

Nay, sau hơn một tháng “bơi” cùng con, hiện có khá nhiều phụ huynh có con đang học lớp Một chung với con chị Thùy đành phải gửi con nhờ cô giáo kèm cặp. Lớp có 42 bé thì 30 bé đăng ký học thêm. Thậm chí, có lớp, cô giáo không dạy thêm nhưng phụ huynh năn nỉ cô mở lớp để gửi con. Thời gian học thêm là thứ Hai và thứ Tư, từ 17-19g tại nhà cô hoặc phòng thuê gần trường. Học phí 400.000-500.000 đồng/học sinh/tháng. 

Với chương trình như hiện nay, ở nhà, cha mẹ không có thời gian để kèm cặp con các môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh… Như chị Thùy, cả tuần nay, chị buông môn toán và tiếng Việt để tập trung ôn lại kiến thức môn tiếng Anh cho con. Mà có phải cứ ngồi vô bàn là bé chịu học đâu. Rơi bút, lượm cục gôm, gọt bút chì, đau bụng, khát nước, chóng mặt, nhức đầu, đau tai, mỏi tay… là những lý do bé đưa ra để trì hoãn việc học. 

Để một đứa trẻ sáu tuổi phải mang vác cả chục cuốn sách, tập đến trường, chắc chắn Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có lời giải thích thỏa đáng chứ không phải cứ đổ cho “giáo dục toàn diện”. Rõ ràng, ai cũng thấy có sự lạm dụng đầu sách ở đây. 

Chưa kể, với thời lượng học hai buổi/ngày, tại sao học sinh vẫn phải luyện tập thêm ở nhà? Khi trẻ học một buổi, ngành giáo dục kêu gào thời lượng không đủ nên trẻ phải đi học thêm. Nay, thời lượng đã tăng lên gấp đôi mà trẻ vẫn phải đi học thêm thì lỗi nằm ở đâu? Không ở quốc gia nào mà trẻ lớp Một phải học đến ba ca cho mục đích cơ bản là biết đọc, biết viết và tính toán. 

 Mai Trúc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI