Trẻ lớp Một đã phải học oằn lưng

Sách giáo khoa còn cẩu thả, vì sao?

12/10/2020 - 07:07

PNO - Không chỉ phụ huynh mà ngay cả giáo viên cũng khổ sở khi hướng dẫn học sinh học môn tiếng Việt, tiếng Anh theo chương trình sách giáo khoa mới lớp Một. Đáng nói, học sinh chỉ mới học âm, ghép vần nhưng sách lại đưa ra những bài tập đọc quá dài, có những ví dụ quá nhảm nhí.

 

Nhiều phụ huynh không thể hiểu nổi tại sao các bé mới vô lớp Một đã phải mang cặp táp nặng trịch, học quá nhiều môn: tiếng Việt, toán, đạo đức, mỹ thuật, tự nhiên xã hội, hoạt động trải nghiệm, tiếng Anh, âm nhạc, kỹ năng sống… Đã vậy, họ còn phải cho con đi học thêm vì con không thể theo kịp bài vở trên lớp. 

Bài 1: Mới sáu tuổi đã phải học... ba ca

Bài 2: Giảm tải, khó vẫn hoàn khó


Chương trình sách giáo khoa (SGK) lớp Một triển khai mới được năm tuần nhưng dường như phụ huynh đã hụt hơi dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cấm giáo viên giao bài tập về nhà cho học sinh. Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, tiến sĩ Lê Tiến Thành - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) - nhìn nhận:

- Xét về khách quan, năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trẻ mầm non nghỉ học gần bốn tháng liền nên thời gian học sinh chuẩn bị vào lớp Một ít hơn so với năm trước nhiều. Vì vậy, nhiều học sinh sáu tuổi năm nay lên lớp Một chưa thuộc mặt chữ trong bảng chữ cái nên cũng có những khó khăn so với trẻ vào lớp Một năm ngoái. Khi học sinh học hết lớp Một, cũng chỉ có chừng ấy vần. 30 năm trước cũng thế và bây giờ cũng vậy.  

Có điều, chúng ta cần lưu ý là, trong phân phối chương trình, những năm trước, trong một bài tương đương với một tiết học thì học sinh học một âm, nhưng năm nay, có những bài ghép đến 2-3 âm, vần. Nhiều giáo viên cho rằng, một tiết học mà dạy đến 2-3 âm thì quá tải là đương nhiên.

Giải pháp gốc rễ cho việc này là hiện nay, Bộ GD-ĐT đã giao cho giáo viên quyền chủ động, có thể dạy chậm, chắc và chất. Tức là, với một bài học có 2-3 âm, vần, giáo viên có thể dạy trong 2-3 tiết tùy theo khả năng của học sinh chứ không nhất thiết phải dạy hết trong một tiết học, miễn là dạy chắc chương trình. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để làm việc này vì chương trình SGK mới lớp Một năm nay cũng bằng ấy kiến thức nhưng số tiết học tăng từ 350 tiết lên 420 tiết nên không lo bị hết quỹ thời gian.

Chương trình lớp Một đã đi được năm tuần đầu nhưng trong năm tuần ấy, nhiều học sinh từ mẫu giáo lên lớp Một còn chưa nhớ hết các chữ trong bảng chữ cái mà dạy theo kiểu “thúc ép” học 2-3 âm trong một tiết thì đúng là áp lực với các con. Quyền chủ động ở trong tay giáo viên và trong tay nhà trường nên chúng ta cứ mạnh dạn dạy chậm lại để đảm bảo cuối năm vẫn hoàn thành chương trình là được. 

*Phóng viên: Nhiều phụ huynh phản đối sự cẩu thả trong bộ sách Cánh diều, từ trang 32 quay lại trang 17, số trang nhảy lộn lung tung; có những bài tập đọc vô duyên, cổ vũ thói bạo lực, láu cá cho trẻ. Quan điểm của tiến sĩ thế nào?

-Tiến sĩ Lê Tiến Thành: Tôi nghĩ, nếu là lỗi cẩu thả từ phía nhà xuất bản như nhảy trang thì họ phải nhận và chỉnh sửa ở những lần tái bản sau. Về nội dung, SGK đã được hội đồng thẩm định quốc gia thông qua, về cơ bản là đảm bảo được tính khoa học. Còn những “hạt sạn” về nội dung, như những bài tập đọc vô duyên theo như phản ánh thì phía những người làm sách cần trân trọng lắng nghe ý kiến từ phía người dạy, người học để nghiêm túc rút kinh nghiệm và chỉnh sửa.

Trước đây, bài đọc rất ngắn nhưng nay, học sinh phải đọc liền 2-3 câu
Trước đây, bài đọc rất ngắn nhưng nay, học sinh phải đọc liền 2-3 câu

* Nhiều giáo viên dạy cuốn tiếng Việt trong bộ sách Chân trời sáng tạo phản ánh rằng, dù bảo dạy ghép vần nhưng SGK lại yêu cầu học sinh đọc những bài tập đọc quá dài, lắt léo. Với tình trạng này, giáo viên nên làm sao thưa tiến sĩ?

- Chương trình và SGK là gốc rễ để giáo viên có thể dựa vào đó thực hiện nhiệm vụ dạy. Nhưng có điều ít ai để ý là, kể cả SGK toán, tiếng Việt hay tiếng Anh, cũng có những phần yêu cầu chuẩn tối thiểu, còn một phần nhỏ giúp học sinh tiếp tục học nâng cao để tiếp tục phát triển. Vì vậy, với cùng một bài tập đọc nhưng học sinh ở vùng thành phố phải học hết bài, còn học sinh những vùng khó khăn, miền núi chỉ cần đọc hết một nửa là đạt yêu cầu. SGK cho phép có thể có một chút nội dung cao hơn chương trình chuẩn để em nào có khả năng thì củng cố, phát triển năng lực. 

Chúng ta đừng nghĩ SGK là chuẩn tối thiểu. Quan trọng là nhà trường được phép điều chỉnh kế hoạch dạy, học cho phù hợp với học sinh của mình, thậm chí giáo viên được điều chỉnh cả nội dung, thấy nội dung dài quá thì có thể cắt bớt cũng không sao, miễn là khi học xong lớp Một, học sinh biết đọc, viết theo chuẩn là được.

* Xin cảm ơn ông. 

Đại Minh (thực hiện)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Huỳnh Hùng 13-10-2020 09:30:04

    Tại sao phải bắt các con học như vậy, nói sách là chuản là căn bản nhưng cứ lòng vòng đổ cho giáo viên là sao nói đế gíao viên tự chủ vậy cải cách làm gì . Ngân sach đưa vào để cải cách có lợi ko hay chỉ tốn tiền vô ích hay vì lợi ích nhóm mà cứ trả lời lòng vòng hoài ko chịu sai, không chịu sửa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI