Môi giới kết hôn với người nước ngoài: hoạt động hợp pháp tự thua trên sân nhà?

18/07/2015 - 07:52

PNO - PN - Chỉ tính riêng ở Đài Loan và Hàn Quốc, số cô dâu Việt hiện đã hơn 170.000. Mỗi năm, có hàng ngàn phụ nữ Việt “xuất ngoại lấy chồng”. Điều đáng nói, đa số các cô dâu xuất ngoại bằng đường môi giới bất hợp pháp. Trong...

Tại sao các trung tâm tư vấn hỗ trợ hôn nhân có yếu tố nước ngoài (gọi tắt là TT) trên khắp cả nước được tạo điều kiện trong hoạt động môi giới, nhưng vẫn “nhường sân” cho các tổ chức và cá nhân hoạt động bất hợp pháp? Vấn đề này được đặt ra trong hội thảo “Nâng cao năng lực về tư vấn pháp luật, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài” diễn ra ngày 15 và 16/7 tại TP.Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), do Trung ương Hội LHPN tổ chức. Chương trình thu hút đại diện 26 TT tại các tỉnh, thành tham dự.

Moi gioi ket hon voi nguoi nuoc ngoai: hoat dong hop phap tu thua tren san nha?

Lớp dạy tiếng Hàn cho phụ nữ Việt tại trung tâm tư vấn hỗ trợ kết hôn có yếu tố nước ngoài (thuộc Hội LHPN TP.HCM)

Khó trăm bề

Với tư cách đại diện đơn vị tiên phong chia sẻ kinh nghiệm với các đơn vị bạn, bà Nguyễn Thị Liên Hiệp (Giám đốc TT TP.HCM) cho biết, dù hoạt động từ tháng 4/2014 đến nay, đơn vị này vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bà Liên Hiệp chia sẻ: “Phải thừa nhận một thực tế rằng các tổ chức môi giới bất hợp pháp đang thu hút phần lớn cô dâu Việt tìm đường kết hôn với người nước ngoài. Vì sao? Vì “thủ tục” của họ nhanh gọn. Trong những bước đi đầu tiên, chúng tôi vừa học vừa làm. Thú thật, chính tôi cũng phải sắm vai khách hàng để lân la đến những nơi hoạt động chui, nghe ngóng, học hỏi xem cách của họ làm thế nào, từ đó nắm bắt thực tiễn chính xác hơn”.

Môi giới hôn nhân là hoạt động mới mẻ, những người làm việc ở các TT chưa có nhiều kinh nghiệm. Trong khi đó, các TT phải đặt tiêu chí cao hơn các nơi hoạt động chui, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các cô dâu. Các tổ chức hoạt động chui thường móc nối qua loa, cốt đạt số lượng để hưởng phí. TT thuộc Hội LHPN TP.HCM đang tiến hành cẩn trọng theo từng bước.

Trước tiên, TT liên hệ với các đơn vị môi giới hôn nhân ở Hàn Quốc để thu thập thông tin lý lịch các chú rể. Hồ sơ của chú rể phải được xác nhận kỹ lưỡng về sức khỏe, nhân thân, nghề nghiệp. Qua từng hồ sơ, TT sẽ kết nối với các ứng viên cô dâu phù hợp. TT cũng mạnh dạn đưa ra những quy định riêng như, cô dâu và chú rể không được chênh lệch quá 30 tuổi, chú rể không mắc bệnh xã hội, không khuyết tật.

Bà Liên Hiệp nhận định: “Thực tế, TT hoạt động cẩn trọng nhưng có nhiều thứ phải mạnh dạn làm theo hướng có lợi cho cô dâu. Ví dụ như chuyện chúng tôi không môi giới đối với chú rể khuyết tật. Khách quan mà nói thì người khuyết tật cũng bình đẳng như người bình thường trong hôn nhân, nhưng trước mắt, chúng tôi làm như vậy để giúp cô dâu Việt đỡ phải cực khổ. Sau này, tùy tình hình, có thể thay đổi”.

Cũng theo bà Liên Hiệp, kinh phí để hoạt động cũng là một trong những bài toán nan giải. Theo chủ trương của Nhà nước, các TT hoạt động phi lợi nhuận. Vậy tiền đâu để trả lương cho nhân viên, chi phí cơ sở vật chất để duy trì hoạt động? TP.HCM đã chi 300 triệu đồng/năm để duy trì hoạt động TT với bộ máy gồm giám đốc, kế toán, thủ quỹ, chuyên viên tư vấn, nhân viên bảo vệ.

Vướng mắc lớn nhất khiến TT ở các tỉnh, thành khác dè dặt trong việc tham gia hoạt động môi giới là vấn đề nhân sự. Hiện đa số các giám đốc TT đang hoạt động kiêm nhiệm, thường là phó chủ tịch Hội LHPN kiêm giám đốc TT. Ngoài làm nhiệm vụ chính ở Hội, các giám đốc TT phụ trách việc tư vấn cho các cô dâu đã quá tải, nếu mở thêm dịch vụ môi giới, sẽ khó đủ thời gian để hoạt động hiệu quả.

Bà Huỳnh Thanh Thảo, Phó chủ tịch Hội LHPN TP.Cần Thơ kiêm Giám đốc TT bày tỏ: “Cần Thơ là một trong những địa phương có số cô dâu kết hôn với người nước ngoài nhiều nhất nước, nhưng TT chúng tôi vẫn chưa mở được dịch vụ môi giới, bởi nếu hoạt động phi lợi nhuận thì khó có thể thuê lao động giỏi. Theo quy định, tư vấn viên phải có bằng cử nhân luật. Chúng tôi may mắn tìm được một luật sư về hưu đồng ý cộng tác miễn phí, nhưng về lâu về dài thì không ổn. Trong cuối năm nay, chúng tôi cũng sẽ tìm cách khắc phục khó khăn để tổ chức hoạt động môi giới”.

Tăng cường khai thác lợi thế của Hội

Tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Cường, Phó cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp nhận định: “Có thể thấy rõ việc các TT hợp pháp đang lép vế trước các nơi hoạt động chui là do lực lượng mỏng và tuyên truyền chưa tốt, chưa thu hút được các cô dâu. Các cô dâu đến với TT chính thống chẳng những được miễn phí mà còn được bảo đảm quyền lợi trước, trong và thậm chí sau hôn nhân với người nước ngoài. Nếu tuyên truyền tốt, tôi nghĩ các cô dâu chẳng dại gì tìm đến những nơi hoạt động chui”.

Ông Cường thừa nhận, vì thu được lợi nhuận cao nên các tổ chức hoạt động chui rất năng động. Họ có những hệ thống “chân rết” về khắp hang cùng ngõ hẻm để tìm cô dâu. Họ cũng vẽ ra nhiều viễn cảnh để “dụ” chị em. Trong khi đó, các TT chính thống chỉ ngồi tại chỗ chờ khách hàng đến. Trong quá trình tư vấn, hoàn thành thủ tục, cán bộ tư vấn đều phân tích khách quan về việc lấy chồng nước ngoài để chị em lựa chọn chứ không thúc ép. Vì làm đúng, làm kỹ nên cách thức môi giới của các TT hợp pháp sẽ tốn nhiều thời gian hơn rất nhiều so với hoạt động môi giới chui. Mặt khác, đội ngũ tư vấn viên của các TT thường là nhân viên kiêm nhiệm nên hạn chế về chuyên môn trong công tác tư vấn. Điều đó cũng khiến hoạt động ở các TT chưa đạt hiệu quả cao.

Cũng theo ông Cường, các TT hợp pháp có lợi thế lớn là mạng lưới cán bộ Hội ở các chi, tổ Hội. Nếu được tập huấn tốt, các cán bộ này sẽ giúp từng người, từng nhà hiểu rõ bản chất việc kết hôn với người nước ngoài, từ đó có lựa chọn đúng đắn hơn.

Để TT của TP.HCM hoạt động dần hiệu quả, lãnh đạo Hội LHPN TP.HCM đã cử bà Liên Hiệp (Phó ban Gia đình - xã hội) giữ chức giám đốc TT, “bật đèn xanh” cho bà Hiệp dồn lực vào công tác ở TT, còn việc ở Ban Gia đình - xã hội thì chia sẻ cho người khác.

Bà Liên Hiệp nói: “Thực ra làm cái gì mới cũng khó, nhưng nếu có Hội LHPN yểm trợ hết mình, sẽ có cách vượt qua. Chúng tôi đã xin ý kiến của lãnh đạo Hội để làm được một số cái mới như yêu cầu chú rể nước ngoài nộp lại hóa đơn mua nữ trang sính lễ nhằm đảm bảo chú rể không “hứa lèo”; chúng tôi chủ động mở lớp đào tạo tiếng Hàn cho cô dâu Việt (hiện đang có hơn 800 cô dâu học, đang sắp nhận bằng sơ cấp tiếng Hàn), cung cấp cho cô dâu số điện thoại, đầu mối các cơ quan hỗ trợ cô dâu ở nước ngoài, giữ mối quan hệ khắng khít với đơn vị bảo vệ, hỗ trợ cô dâu ở nước ngoài để gửi gắm… Muốn làm được những điều đó, phải nhờ Hội bắc cầu mới có hiệu quả”.

“Tại sao Nhà nước chỉ giao công tác tư vấn, môi giới hôn nhân có yếu tố nước ngoài cho Hội LHPN? Vì Hội được tin tưởng. Chúng ta còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng không thể để các nơi môi giới hôn nhân bất hợp pháp làm thay việc của chúng ta như lâu nay. Hội sẽ sắp xếp và tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa để các TT sớm mở dịch vụ môi giới và nâng cao chất lượng hoạt động môi giới sao cho hiệu quả hơn, từ đó bảo vệ tốt hơn cho các cô dâu Việt” - bà Bùi Thị Hòa, Phó chủ tịch Trung ương Hội LHPN khẳng định.

 TRẦN TRIỀU

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI