"Mở lòng ra đón thương yêu..."

01/10/2021 - 20:59

PNO - 72 bài thơ của 53 tác giả trong và ngoài nước được chọn vào vòng chung khảo cuộc thi thơ "Nhân nghĩa đất phương Nam" (do Hội Nhà văn TPHCM tổ chức).

Hội Nhà văn TPHCM vừa công bố kết quả sơ khảo cuộc thi thơ Nhân nghĩa đất phương Nam (tổ chức từ ngày 2/8 đến 15/9). Theo đó, có 53 tác giả cùng 72 bài thơ được chọn vào vòng chung kết - số lượng tác phẩm vượt gần gấp đôi dự kiến là 40 bài thơ. 

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Trưởng ban sơ khảo, cho biết cuộc thi có khá nhiều tác phẩm chất lượng nên sau nhiều cuộc thảo luận, các thành viên ban sơ khảo đi đến quyết định đề xuất Thường vụ Hội Nhà văn TPHCM tăng số lượng tác phẩm vào chung khảo. 

Hình ảnh y bác sĩ, lực lượng tuyến đầu chống dịch đều được viết trong các tác phẩm dự thi. Ảnh: website Hội Nhà văn TPHCM
Hình ảnh y bác sĩ, lực lượng tuyến đầu chống dịch đều được viết trong các tác phẩm dự thi (Ảnh website Hội Nhà văn TPHCM)

Tiêu chí của cuộc thi thơ Nhân nghĩa đất phương Nam là viết về đề tài COVID-19, dành cho tác giả người Việt sinh sống trong và ngoài nước. Ban tổ chức đã nhận được hơn 1.500 bài thơ gửi về dự thi. Rất nhiều hình ảnh, câu chuyện cảm động từ thực tế dịch bệnh đã được các tác giả gửi gắm vào những trang thơ giàu cảm xúc. 

Hình ảnh các y bác sĩ tuyến đầu, những người lính, câu chuyện về những quán cơm 0 đồng, ATM gạo, tình người trong đại dịch, những cuộc trở về quê đau xót của người nghèo hay cuộc sống của trẻ thơ và cả câu chuyện về những em bé được sinh ra trong đại dịch... đều được chuyển tải trong thơ.

Nhiều nhất là những vần thơ bày tỏ tình cảm với TPHCM, gửi niềm tin lạc quan và cầu chúc bình an cho thành phố. Từ Hà Tĩnh, tác giả Nguyễn Doãn Việt sáng tác bài Gửi nhớ vào Nam nhiều cảm xúc: "Anh ở lại căng mình trên chốt dịch/Ăn bát cơm thơm thảo vị quê nhà/Một cọng rau ngấm bao mùa mưa nắng/Từ sa bồi những trận lũ đi qua...".

Nhà thơ Lữ Mai (Hà Nội) cảm nhận về đêm diễn ở bệnh viện dã chiến qua bài Tiếng kèn Saxophone đêm tháng Bảy: "Tiếng kèn loang đêm tháng Bảy/Đến sỏi đá cũng mềm/Đèn đường cúi đầu tưởng niệm/Ai biết giông bão nào là trận cuối cùng...".

Nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh viết về trải nghiệm của một F0
Nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh viết về trải nghiệm của một F0

Có những vần thơ được viết từ giường bệnh F0 - nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh: "Cảm giác hồi sinh cuộn vào tim thắt/Lời yêu thương rưới từng giọt Cam lồ: "Hít thật sâu vào, rồi thở mạnh, đừng chờ/Thở là sống, thở để giành sự sống...".

Trở về sau cuộc thập tử nhất sinh, những trang viết của nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh sẻ chia với người đọc tâm cảm của một người vừa chiến thắng COVID-19 qua những dòng thơ cảm động khác trong Đêm trắng mơ ngày về, Ly mì ăn liền lúc 0 giờ.

Mỗi bài thơ chỉ là một lát cắt của hình ảnh, câu chuyện, nghĩ suy của mỗi cá nhân trước dịch bệnh nhưng tổng thể đã hòa cùng nhau tạo nên bức tranh đầy cảm xúc về đại dịch. Những tiếng lòng của người sáng tác cùng cất lên, vẽ nên diện mạo của một cuộc chiến quá đau xót nhưng cũng thật nhiều yêu thương. 

Đọc những tác phẩm vào chung khảo, người viết có lúc rưng rưng với những dòng thơ tiễn biệt đồng nghiệp - bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn đã hy sinh nơi tuyến đầu - của một tác giả là bác sĩ, bút danh Tự Hàn: "Tôi muốn ôm mưa pha hoàng hôn Bến Thành thật xanh/Tôi muốn ôm mưa hòa tiếng chuông Nhà thờ Đức Bà thở dài ngằn ngặn/Tôi muốn ôm mưa ngồi nghe đất khóc/Anh ơi..." (trích Tưởng niệm).

Có lúc ấm lòng với những vần thơ như lời cảm ơn bà con mọi miền đất nước của Phạm Tuấn: "Mẹ Quảng Nam gửi gì cho con?/Mà trưa Sài Gòn bâng khuâng mùi thơm tô mì phố Hội/Chị Đắk Lắk gửi gì cho em?/Mà đêm Bình Dương hương vị cà phê bay vòng nỗi nhớ..." (trích Quà quê lên phố)

Nhiều tác phẩm dự thi gửi yêu thương và niềm tin bình an cho thành phố. Ảnh: Tam Nguyên
Nhiều tác phẩm dự thi gửi yêu thương và niềm tin bình an cho Thành phố - Ảnh: Tam Nguyên

Thể thơ tự do được nhiều tác giả lựa chọn nhất để thể hiện tâm tình. 72 bài thơ trong khuôn khổ vào chung khảo cho phép của cuộc thi thơ Nhân nghĩa đất phương Nam có lẽ cũng không nói hết được tiếng lòng của những người cầm bút trong đại dịch, nhưng các tác phẩm sẽ cùng để lại dấu ấn cho một đề tài, một giai đoạn sáng tác quá nhiều chất liệu hiện thực này. 

"Mở lòng ra đón thương yêu/Một lần thôi nhỡ đôi đường phân ly..." (trích Bác sĩ mùa dịch, Bình Địa Mộc), "À ơi phố ngủ, thôi đau/Phố ơi ngủ nhé, ngày sau sẽ lành..." (trích Ru phố thôi đau, Đoàn Thị Diễm Thuyên) - như thay lời cho những yêu thương và gửi gắm niềm tin lạc quan nhất cho thành phố.

Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, cho biết các tác phẩm đoạt giải và vào chung khảo sẽ được in thành sách. Ngoài ra, các tác phẩm chất lượng khác từ cuộc thi cũng sẽ được chọn lọc in thành tập thơ Nhân nghĩa đất phương Nam, dự kiến 250 trang và phát hành vào dịp trao giải cuộc thi thơ vào tháng 12/2021.

Cầm Thi

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI