Mẹ tôi quyết ly hôn ở tuổi U70

14/07/2025 - 18:00

PNO - Em có thể là người kết nối, lắng nghe và giúp ba mẹ hiểu nhau lần cuối, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Ba mẹ em đã sống với nhau hơn 30 năm, giờ đều ngoài 60 tuổi. Từ nhỏ, em đã biết ba có tính đào hoa, không chung thủy. Tuy vậy, dù thế nào, ba em vẫn coi trọng gia đình, chưa bao giờ có ý định bỏ rơi mẹ. Mẹ em luôn nhẫn nhịn, âm thầm chịu đựng, phần vì con cái, phần vì danh dự gia đình. Vì vậy, gia đình em vẫn còn cho đến giờ phút này.

Gần đây, em phát hiện ba đang có mối quan hệ thân mật với một phụ nữ trung niên mà ông quen khi đi tập thể dục sáng. Khi mẹ chất vấn, ba thẳng thắn thừa nhận vì mẹ không còn muốn gần gũi tình cảm nên ông cảm thấy cô đơn, cần người chia sẻ.

Điều đó làm mẹ em rất đau lòng. Bà nói bà đã nhịn cả đời mà đến tuổi này vẫn không được bình yên. Mẹ em quyết định ly hôn, nói rằng không muốn sống tiếp cuộc hôn nhân chỉ còn vỏ bọc.

Em là con gái lớn, đã lập gia đình. Em hiểu mẹ đã quá khổ nhưng khi nghĩ đến việc ba mẹ ly hôn, em lại thấy xót xa, ngượng ngùng với gia đình chồng. Gia đình chồng em rất truyền thống. Mẹ chồng và ba chồng em cũng không hòa thuận vì ba chồng là người nhu nhược, yếu thế so với mẹ chồng. Mẹ chồng em nắm quyền trong nhà. Bà luôn nói rằng ai bước chân vào nhà này đừng nghĩ tới chuyện ly hôn.

Bây giờ nếu ba mẹ em ly hôn, em sợ bên thông gia sẽ đánh giá, coi thường nhà em. Ngoài ra, em cũng lo ba mẹ mỗi người một nơi thì tuổi già thêm cô đơn, đau bệnh không ai kề bên.

Em không biết có nên tìm cách khuyên mẹ nghĩ lại hay chấp nhận cho mẹ được giải thoát vì bà đã chịu đựng quá nhiều. Em cũng giận ba nhưng lại sợ nếu mẹ cương quyết, ba càng buông thả bản thân hơn. Em có nên tìm cách cản ba mẹ ly hôn hay để họ tự quyết định cuộc đời mình?

Minh Uyên

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Em Minh Uyên thân mến,

Ba mẹ em đã sống với nhau hơn 30 năm, trải qua bao biến động. Em đã chứng kiến những nỗi đau âm thầm của mẹ cũng như cách sống "tự do" của ba. Cái gọi là "ổn định" trong suốt 30 năm ấy thực chất là sự đánh đổi quá nhiều của mẹ em: cảm xúc, tuổi xuân và sự bình yên của chính mình vì con cái và vì thể diện.

Giờ đây, khi mẹ em đã ngoài 60 và vẫn phải nghe những lời tàn nhẫn đến mức lạnh lùng từ ba em, em cũng phải hiểu tại sao mẹ em muốn dừng lại. Đơn giản là bà đã quá mỏi mệt. Một cuộc hôn nhân dài như thế đến cuối cùng vẫn không được thanh thản nên bà muốn chọn một con đường không còn ràng buộc.

Em đang đứng giữa 2 người quan trọng nhất đời mình, 2 người mà em đều yêu thương. Chưa hết, em còn phải đối mặt với áp lực định kiến của gia đình chồng, áp lực phải nghe những lời phán xét, chê bai đau nhói. Điều đó vô cùng khó khăn.

Nhưng liệu có nên chỉ vì ánh mắt người ngoài mà mình cố tìm cách níu giữ một điều chính người trong cuộc đã muốn buông? Hôn nhân của ba mẹ em không nói lên phẩm chất của em hay gia đình em. Mỗi người có cuộc đời riêng và nếu ai đó đánh giá em chỉ vì ba mẹ em ly hôn, chính người đó mới phải nhìn lại bản thân, bởi họ sống bằng hình thức.

Ngăn cản hay đồng tình đều không nên. Cả ba và mẹ em đều có quyền lựa chọn để những năm tháng còn lại được sống sao cho thanh thản.

Em có thể chia sẻ, hỏi mẹ rằng bà có thật sự cảm thấy sẽ nhẹ lòng hơn nếu buông bỏ. Em có thể tâm sự với ba rằng ông nên hiểu mình đã khiến mẹ tổn thương như thế nào suốt bao năm qua...

Chuyện ba mẹ mỗi người một nơi khi đã già khiến em lo lắng nhưng không phải ai cũng cần bạn đời để không cô đơn. Đôi khi cô đơn trong một cuộc hôn nhân không còn tình nghĩa mới là điều đau đớn nhất. Hạnh Dung hiểu việc em lo ba sẽ suy sụp nếu mẹ dứt khoát. Nhưng đó cũng là lúc ông cần nhìn lại chính mình thay vì tiếp tục sống mà không học cách chịu trách nhiệm.

Em có thể là người kết nối, lắng nghe và giúp ba mẹ hiểu nhau lần cuối, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Nhưng hãy nhớ rằng quyết định đó là của chính ba mẹ em.

Sống chân thành, đối đãi với ba mẹ bằng sự tôn trọng, tử tế và không cố can thiệp theo cách áp đặt thì dù kết quả ra sao, em cũng sẽ thấy lòng mình nhẹ nhàng.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI