MC - Nhà báo Trác Thúy Miêu: Tôi đến từ một ngọn đồi khác...

31/07/2016 - 07:16

PNO - “Tôi ở đâu ra”. Tôi không hề là bạn học của bất cứ ai, và cũng chẳng đi theo lộ trình sự nghiệp thông dụng nào cả. Tôi luôn đến từ một ngọn đồi khác.

Từng hứng chịu không ít sóng gió trên hàng ghế giám khảo khi dám chê giọng hát Đan Trường ở liveshow Bài hát yêu thích, cãi tay đôi với đạo diễn Lê Hoàng ở cuộc thi Bước nhảy hoàn vũ, phê bình danh hài Hoài Linh trong chương trình Người bí ẩn… Trác Thúy Miêu trong mắt nhiều người là một phụ nữ mạnh mẽ, cá tính. Những “lùm xùm” bề nổi đó không phản ánh thực chất con người Trác Thúy Miêu. Bởi vậy, tôi gọi chị là người đàn bà khác biệt với một sự trân trọng và quý mến. Chị tạo ra sự khác biệt bằng sự vượt trội về trí thông minh và cơn “háu đói” kiến thức bằng cách riêng, không chấp nhận bị chìm theo những khuôn mẫu đồng dạng.

Tự rời ghế nhà trường khá sớm nhưng những nơi muốn đến chị đều cán đích. Trác Thúy Miêu từng là thành viên đội tuyển dancesport quốc gia dự SEA Games 23; là trợ lý thiết kế xuất sắc của họa sĩ Sĩ Hoàng, tham gia thiết kế trang phục cho hai vở cải lương hoành tráng của Nhà hát Trần Hữu Trang là Kim Vân Kiều và Chiếc áo thiên nga; chỉ học tiếng Anh ở nhà với cha nhưng đủ để làm cho khách Tây ở Quán Điểm Một Thời kính nể bởi “giọng chuẩn tiếng Anh quý tộc” và đủ để cộng tác nhiều năm với tạp chí nước ngoài L’Officiel; không qua trường lớp báo chí, người dẫn chương trình nào nhưng vẫn là cây bút sắc sảo trên Người đô thị và bây giờ là MC với cách dẫn mới mẻ đầy sáng tạo trong các chương trình về bolé ro trên truyền hình.

MC - Nha bao Trac Thuy Mieu: Toi den tu mot ngon doi khac...
MC-Nhà báo Trác Thúy Miêu

* Cho đến nay, có thể nói Tình bolé ro (TH Vĩnh Long) là một chương trình chiếm được nhiều tình cảm của khán giả, và trong sự thành công này dường như Trác Thúy Miêu không chỉ góp phần ở vai trò là người dẫn chương trình duyên dáng và trí tuệ?

- Tôi vẫn chính xác là một người dẫn chương trình, một “host” đúng nghĩa của chương trình. Sự khác biệt, nếu có, thì chỉ là tôi tránh việc coi bản thân là một “người dẫn chương trình” mà đúng hơn là một “người dẫn chuyện”. Sự điều chỉnh nhỏ này làm nên một thay đổi lớn trong hiệu quả và tôi chỉ làm chính xác phạm vi công việc đó: biên tập lời dẫn chuyện, sửa soạn cảm xúc cho khán giả và tương tác với các nghệ sĩ, giám khảo của chương trình. Nói một cách khác, theo ngữ nghĩa thuật ngữ “host”, tôi thay mặt vị gia chủ, chuẩn bị sẵn câu chuyện làm quà, bày soạn một bữa tiệc văn nghệ, kết nối những vị khách lại với nhau và bảo đảm mỗi người rời buổi khánh tiết nọ, từ khán giả, giám khảo cho tới nghệ sĩ, đều hài lòng ở góc độ của mình.

Đối với Tình bolé ro, bản chất đặc thù của dòng nhạc này là tính tự sự, những câu chuyện có chất thơ trong mỹ từ, trong lối gieo vần tài tình và được kể trên giai điệu. Mỗi câu chuyện như một lớp tuồng mà khi đưa lên sân khấu truyền hình, tổng đạo diễn Vũ Thành Vinh và tôi đã cùng tâm niệm dùng mọi phương tiện nghiệp vụ của dàn dựng, ánh sáng lẫn ngôn từ để đặc tả tính tự sự này lên tối đa, thỏa đáp mỹ cảm của khán giả.

Người ta yêu dòng nhạc này bởi cùng một lý do mà những cuốn tiểu thuyết diễm tình, những kịch bản tuồng tâm lý xã hội hay sau này là những bộ phim truyền hình Á châu dài tập vẫn luôn làm nên những cơn sốt khuynh đảo sân khấu văn nghệ hay thị trường giải trí. Một khi tuân thủ yếu tố này để phụng sự khán giả tốt nhất, thì vai trò người dẫn chuyện, như tôi đã làm với Tình bolé ro, đòi hỏi người dẫn phải “dắt” được khán giả vào ngữ cảnh văn hóa của nhạc phẩm, để sửa soạn sắp bày cho họ một “trường cảm xúc” sẵn sàng tiếp nhận thể loại âm nhạc đó một cách hoàn hảo nhất.

Vậy, với Tình bolé ro, tôi chính xác là người dẫn chuyện, một người đã may mắn lớn lên cùng bolé ro để kể lại câu chuyện bên ngoài âm nhạc, câu chuyện của hai giá trị tối thượng đối với người mê bolé ro: giá trị bản địa và giá trị hồi ức. Tiếc thay, ngày nay, chúng hầu như đã trở thành một giá trị duy nhất, khi tính bản địa chỉ còn là hồi ức.

MC - Nha bao Trac Thuy Mieu: Toi den tu mot ngon doi khac...
Cùng diễn viên Quý Bình trong Solo cùng bolé ro

* Nghe Trác Thúy Miêu nói, nhìn gương mặt đầy biểu cảm cùng sự hiểu biết khá tường tận về từng ca khúc, không ít người ngạc nhiên vì sao thuộc thế hệ sinh ra sau ngày 30/4/1975, Trác Thúy Miêu lại dành cho bolé ro, một loại nhạc thịnh hành tại miền Nam trước 1975 một sự đắm say đến vậy?

- Tôi sinh ra vào tháng 9/1975, chỉ bốn tháng sau giải phóng Sài Gòn, và lớn lên chỉ đủ kịp nắm bắt những “tàn dư” còn sót lại của đời sống văn nghệ Sài Gòn trước đó. Những năm 1980 cơ cực, nhưng người ta vẫn đi ăn tiệm, coi hát, đàn bà con gái vẫn điệu đà sửa soạn ngay cả trong điều kiện kiêng khem của miền Nam sau ngày giải phóng. Tôi lớn lên cùng với một cuộc phân hủ y chậm của những tàn tích đó. Tôi lớn lên để chứng kiến lần lượt từng rạp hát đóng cửa, những lớp nghệ sĩ một thời vang danh lần lượt giải nghệ để mưu sinh. Sài Gòn của thế hệ sân khấu hoàng kim và nếp sống đại thị đã lưu lại sau lưng nó một ảnh hưởng đậm đà đối với bất cứ ai may mắn một lần chiêm ngưỡng.

Nhưng với tôi, Sài Gòn đó vĩnh viễn mang vẻ đẹp của người đàn bà mà tôi, kẻ sinh vào tháng Chín, chỉ kịp chiêm ngưỡng vạt sau của chiếc áo dài vừa phất lên lần cuối trước khi biến mất hoàn toàn. Ắt hẳn, tôi vĩnh viễn sẽ không bao giờ gặp người đàn bà đó, nhưng nỗi tương tư bởi một chiếc gáy rịn mồ hôi, một dáng lưng ong, hay một vạt sau tà áo có lẽ vẫn luôn mạnh mẽ và dày vò hơn hết. Giá như tôi sinh ra muộn hơn thế nữa, vào cuối thập niên 80 chẳng hạn, tất thảy những gì tôi biết sẽ chỉ là những câu chuyện và trí tưởng tượng. Nhưng tôi lại đã ở quá đủ gần, để cảm giác vuột tay đó luôn luôn ám ảnh tâm trí tôi từ khi còn rất nhỏ.

Nói khác đi như vầy, tôi là người kể chuyện, câu chuyện của thành phố. Các nghệ sĩ kể bằng âm nhạc và làn hơi của họ. Còn tôi, tôi chỉ có ngôn từ. Biết đâu, tôi sẽ chẳng tạo ra cho một ai đó, như tôi ngày xưa, hình ảnh chiếc vạt sau của một tà áo dài Sài Gòn tuyệt mỹ?

MC - Nha bao Trac Thuy Mieu: Toi den tu mot ngon doi khac...
Tung hứng với diễn viên Trần Thành

* Trác Thúy Miêu là ai? Có dạo cư dân mạng đã ngạc nhiên như vậy. Nhà báo Trác Thúy Miêu ở đâu ra? Không ít đồng nghiệp làm báo cũng từng hỏi nhau như vậy.

- Thú thật, không chỉ cánh phóng viên hỏi nhau “Trác Thúy Miêu ở đâu ra”, mà giới giải trí, truyền thông, cánh MC, nghệ sĩ cũng đã từng hỏi nhau, và hỏi tôi câu tương tự: “Tôi ở đâu ra”. Tôi không hề là bạn học của bất cứ ai, và cũng chẳng đi theo lộ trình sự nghiệp thông dụng nào cả. Tôi luôn đến từ một ngọn đồi khác. Câu này là để nói giỡn cho vui, về cái cách hình dung của người ta về sự nghiệp như một ngọn đồi và rồi ai cũng phải đi tới cái đoạn dốc đáng ghét khi mọi thứ cứ kéo nhau trôi lăn về đáy. Khi đó, thầy tôi, họa sĩ Sĩ Hoàng từng nói với tôi rằng “chẳng có cái triền dốc thảm họa nào cả, sau khi lên tới đỉnh, ta vẫn có quyền bỏ đi, sang một ngọn đồi khác, buông bỏ những hành trang cồng kềnh thừa thãi và lại được... lên đỉnh một lần nữa”.

Tôi áp dụng câu nói đó suốt cuộc đời mình. Một nhà báo Trác Thúy Miêu ở đâu ra? Hành trình đó đã bắt đầu khi tôi còn đang làm công việc thiết kế áo dài dưới thương hiệu Sĩ Hoàng và cùng lúc là một huấn luyện viên thể thao. Có lẽ bởi lĩnh vực chuyên môn có liên quan đến thời trang, tôi đã bắt đầu bằng những loạt bài chân dung nhân vật và phụ trách các chuyên mục liên quan đến thời trang, lối sống... Mối duyên với báo giấy cứ như vậy mà nghiễm nhiên dẫn đến với lĩ nh vực truyền hình.

Có thể máu phiêu lưu sẵn trong người đã cho phép tôi một cuộc chơi không tiền khoáng hậu với mọi lĩ nh vực mình từng tham gia như vậy. Cũng chính những “ngọn đồi lạ” đó đã cho tôi những công cụ, kỹ năng có lẽ tốt hơn cả những gì mà hệ đào tạo chính quy có thể cung cấp được. Có thể đó chính là sự thiệt thòi của “nền văn minh bằng cấp” tại Việt Nam. Người ta chỉ có thể định hướng đơn chiều để mải miết đầu tư cho một lĩnh vực sự nghiệp nào đó mà thôi.

Một nhà thiết kế thành công chưa chắc phát ngôn được mạch lạc về cảm xúc hay ý tưởng của mình, trong khi một phóng viên giỏi vẫn có thể hoàn toàn không được trang bị khả năng nói trước ống kính, hoặc ngược lại, một người dẫn chương trình giỏi không hẳn đã sở hữu kỹ năng biên tập kịch bản và thiết kế phục trang cho chính bản thân mình. Những cuộc phiêu lưu của tôi, thời may, đã cho phép tôi xuất hiện tại mọi lĩnh vực với những trang bị “không giống ai” để tạo ra những hiệu quả đặc biệt mang dấu ấn cá nhân.

Vậy, đơn giản thôi, có thể trả lời một cách chắc chắn: Trác Thúy Miêu đến từ đỉnh một ngọn đồi khác, và cô ta sẽ ở lại đây cho đến khi chinh phục nốt đỉnh đồi này.

* Họa sĩ - nhà thiết kế áo dài Sĩ Hoàng nói rằng Trác Thúy Miêu là một học trò vượt trội về nhiều mặt mà trước và sau Thúy Miêu chưa có học trò thứ hai xuất sắc như vậy. Vì sao trước nhiều ngả đường, chị lại đến với nghề thiết kế áo dài?

- Để nói lại cho rõ, khi tôi đến với nghề, tôi xác định đó là công việc thiết kế thời trang. Đơn giản vì nó hấp dẫn và cũng là lựa chọn đầu tiên trong danh sách những nghề nghiệp tôi muốn làm. Hơn nữa, trong tất thảy những công việc và lĩnh vực mà tôi muốn học trong điều kiện không có bằng tú tài, thì họa sĩ Sĩ Hoàng khi này là người thầy tôi có thể dễ dàng tiếp cận nhất.

Trong tất thảy những suy nghĩ đó, tôi chưa bao giờ cho rằng mình sẽ làm công việc thiết kế áo dài, đơn giản vì nó đã được thiết kế nên rồi. Hai bậc thầy là họa sĩ Lê Phổ và họa sĩ Cát Tường đã đưa áo dài đến với cấu trúc toàn mỹ, đăng đối các yếu tố mỹ cảm Đông-Tây, âm - dương trong cấu trúc của loại y phục này, và về sau, thể nghiệm của đạo diễn Thái Thúc Nha vào năm 1961 với mẫu áo cổ thuyền đã chính thức hoàn thiện thiết kế mà tôi cho là gần với sự hoàn hảo nhất. Chẳng còn gì để cho hậu duệ phải sáng tạo thêm khi mà tính đăng đối đã đưa áo dài lên đến đỉnh cao của thẩm mỹ y phục.

Khi thầy Sĩ Hoàng đề nghị tôi làm việc với áo dài, tôi đã thật sự hoảng loạn và khăng khăng cự tuyệt. Tôi còn nhớ, khi đó tôi đã nói với ông rằng đề nghị nà y chẳng khác gì việc trao vào tay tôi một mũi dao và đề nghị tôi đẽo gọt thêm cái gì đó lên một tuyệt tác điêu khắc có sẵn vậy. Thế nhưng cuối cùng, tôi đã ở lại với công việc đó một cách say đắm nhất trong khoảng gần 10 năm. Suốt khoảng thời gian đó, tôi vẫn không coi mình là người làm nghề, mà vẫn là một cô phụ việc của thầy tôi, họa sĩ Sĩ Hoàng, mà mỗi bộ sưu tậ p được tung ra là một bài tập mà tôi không cho phép mình phạm bất cứ sai lầm nào, dù nhỏ.

Có rất nhiều người, trong đó có lẽ có cả thầy tôi, đã hỏi “vậy cuối cùng vì sao tôi lại không còn ở lại với công việc tuyệt vời đó nữa?”. Tôi nghĩ mình vẫn đang thực hiện nó đó thôi, chỉ là không phải trên vải vóc, bằng cọ và màu, mà bằng con chữ. Từng mảnh ghép phải được hoàn thiện, bởi một Sài Gòn trong nỗi ám ảnh của tôi là áo quần, trang phục, âm nhạc, sân khấu... Là tất thảy những gì hữu hình và vô hình để tác thành nên điều mà tôi chưa bao giờ chạm tới được. Nhưng theo quan niệm của tôi, điều gì tôi không chạm tới được, thì tôi sẽ tự tạo ra nó. Đó mới chính là cách chiếm hữu tuyệt đối và sâu sắc nhất.

* Những độc giả của báo Người đô thị hàng tháng lại thấy một Trác Thúy Miêu “hoài cổ”, có một kiến thức khá sâu về ký ức đô thị với một bút pháp tung tẩy không lẫn với ai?

- Người ta hay cho rằng tôi hoài cổ, có lẽ cho phép tôi xin được đính chính kẻo sai, như vầy: tôi là người đặc biệt coi trọng hồi ức, nhưng cũng không hề là người mang thú chơi cổ ngoạn. Tôi chỉ giản dị là người mê bất cứ điều gì đẹp đẽ, mà có lẽ, những gì đẹp đẽ nhất đều đã ở phía sau. Thế nên, bất đắc dĩ, tôi thành người hoài cổ, là vậy!

MC - Nha bao Trac Thuy Mieu: Toi den tu mot ngon doi khac...
Trác Thúy Miêu cùng chồng, Phúc Hậu

* Nghe đâu chị và chồng thường hay “đi lượm” những chó, mèo bị đau ốm, tàn tật đem về chăm sóc đến khi chúng khỏe mạnh lại đem cho?

- Nếu câu chuyện dông dài về hồi ức, cái đẹp, tinh thần bản địa Sài Gòn... đã trở thành câu chuyện của nỗi ám ảnh cá nhân mà trở thành sự nghiệp, thì việc cứu hộ, cưu mang động vật, nhất là chó mèo, tôi coi đó là một cách hưởng thụ cuộc sống của mình, thậm chí là sứ mạng, hơn là một hoạt động xã hội.

Tôi nhận được năng lượng hồn nhiên, mẫn cảm và hiền hòa từ con vật một cách rõ rệt. Chúng ta may mắn được coi là những sinh vật bậc cao, được trang bị bằng cảm xúc tinh tế và trí tuệ, kỹ năng tồn tại vượt trội, không phải là để tự phục dịch cho cuộc sinh tồn bản thân, mà để đủ mạnh để bảo vệ cả những sinh linh khác. Vậy mà hãy nhìn xem chúng ta đã làm gì với đống sức mạnh lẫn trí tuệ của mình kìa!

Những gì tôi làm có thể cứu rỗi cho từng sinh mạng sinh linh nhỏ xíu kia thôi, cũng đủ xứng đáng lắm rồi.

Nếu tình yêu, lòng tôn ngưỡng với văn hóa Sài Gòn của tôi có thể bị coi là phi nghĩa và vô ích, thì sứ mạng của tôi với phúc lợi động vật nói chung đã hiển nhiên làm nên những thay đổi nhỏ, mỗi ngày, dù đó chỉ là thay đổi cho cuộc đời hay sinh mệnh của một con vật. Điều này, với tôi, là vô cùng giá trị.

Cát Vũ (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI