Mặt nạ máu - bộ phim rời rạc, lủng củng

28/06/2016 - 11:34

PNO - Sau ồn ào với bộ phim điện ảnh đầu tay Mất xác được úp mở là “ăn theo” vụ án thẩm mỹ Cát Tường, Đỗ Thành An trở lại màn ảnh rộng bằng tác phẩm thứ với tựa đề đậm chất kinh dị: Mặt nạ máu.

Phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Mặt nạ của ca sĩ Tina Tình do chính đạo diễn cùng Tina Tình và nhà sản xuất phim Phạm Việt Anh Khoa chấp bút, kể về cuộc trả thù ly kỳ của một người đàn ông nhưng rốt cuộc thủ phạm lại trở thành nạn nhân của vụ việc…

Các tình tiết kết nối hết sức lủng củng, nhân vật mờ nhạt khiến cả bộ phim trở nên rời rạc, bất hợp lý. Trong phim, nhân vật Thiêng (Hoài Linh đóng) là người nắm giữ bí mật của câu chuyện nhưng việc xây dựng tình huống để giải thích sự có mặt của Thiêng trong ê kíp giúp việc cho Khiết Đan được miêu tả khá sơ sài. Khán giả chỉ thấy một ngày đẹp trời nhân vật này đột ngột xuất hiện và được Khiết Đan tin tưởng giao cho vai trò stylist (người tạo dựng phong cách) dù trước đó cô và cả ê kíp của mình không ai biết gì về Thiêng. Việc Thiêng dễ dàng trà trộn vào ê kíp của Khiết Đan rồi tháp tùng cô cùng bộ ba Sen-Lơ-Lì đến đám tang Nguyễn nhằm dụ họ vào cái bẫy do mình giăng ra vì thế giảm đi yếu tố ly kỳ, hồi hộp cần có của một phim kinh dị.

Mat na mau - bo phim roi rac, lung cung
Việc đưa hình ảnh này của Hoài Linh vào trailer vô tình tiết lộ thân phận thật sự của nhân vật, làm mất đi yếu tố gây tò mò

Khiết Đan dù là nữ chính nhưng cũng nhạt nhòa, tính cách không phát triển. Được tung hê là ca sĩ nổi tiếng nhưng từ tạo hình đến thần thái nhân vật đều không toát lên được điều đó. Dương Cẩm Lynh rất “ăn hình” và ít nhiều có kinh nghiệm diễn xuất từ các bộ phim truyền hình nhưng trong lần đầu đảm nhiệm vai diễn như Khiết Đan nặng ký trên màn ảnh rộng, khả năng diễn xuất của cô bộc lộ nhiều hạn chế. Biểu cảm trên nét mặt của Dương Cẩm Lynh hầu như không thay đổi trong mọi tình huống.

Tạo hình của các nhân vật khác như Cát Lơ, Sen, Cu Lì, bà Thu cũng khó hiểu và không phù hợp với bối cảnh thập niên 1990 (thể hiện qua các đạo cụ xe hơi, điện thoại, ti vi, máy vi tính). Càng bất ngờ hơn khi nhân vật Thiêng lại có khả năng hóa trang, biến hóa thành người khác chỉ bằng chiếc mặt nạ như “chiêu” mà điệp viên Ethan Hunt của Tom Cruise sử dụng trong loạt phim Điệp vụ bất khả thi. Ngoài ra còn khá nhiều điểm phi lý như Thiêng làm cách nào để có được xác người giả Nguyễn nằm trong quan tài; nhân vật sống thời xưa nhưng dùng những từ lóng ngày nay.

Điểm sáng hiếm hoi của Mặt nạ máu là tạo được không khí rùng rợn, âm u đúng kiểu phim kinh dị, thể hiện qua bối cảnh, ánh sáng. Một vài cảnh làm giật mình người xem như đoạn bà Thu đột ngột xuất hiện trước cửa nhà Khiết Đan, bàn tay máu me run rẩy chạm vào Cát Lơ đòi chiếc máy phát hiện “âm khí”. Nhưng khá tiếc khi những phân đoạn lẽ ra cần tạo sự căng thẳng, hồi hộp như Khiết Đan giải thoát Cát Lơ, Nguyễn giành lại con trên tay Thiêng khi đứa bé bị Thiêng sắp sửa ném xuống sông thì lại diễn ra chóng vánh, nhân vật thoát hiểm dễ dàng đến khó tin.

Nhưng bất ngờ lớn nhất của Mặt nạ máu lại là sự việc nữ diễn viên Tina Tình - người thủ vai Thu - chỉ trích bộ phim sau buổi ra mắt ngày 23/6. Theo lời cô, kịch bản phim đã bị thay đổi 70-80%. Cô cũ ng bày tỏ bức xúc trên trang cá nhân, thẳng thừng đánh giá bộ phim kinh dị này là “kinh hoàng vì độ dở và phi lý của nó”. Chuyện nội bộ đấu tố nhau trước hoặc sau khi phim ra mắt không phải chưa từng xảy ra trong làng phim Việt, nhưng việc một đồng biên kịch chê chính đứa con tinh thần của mình là điều xưa nay hiếm, khiến khán giả thêm một lần nữa ngán ngẩm về cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của các nhà làm phim Việt.

Nguyễn Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI