Mang máy gặt lúa xuống ruộng phải nộp cho xã 2 triệu đồng bảo lãnh: Lãnh đạo xã phân trần

08/09/2016 - 11:58

PNO - Lãnh đạo xã phân trần, việc tạm thu 2 triệu đồng/máy gặt để đảm bảo công tác an ninh, đồng thời sau thu hoạch, các cầu cống bị hỏng nhiều, số tiền trên sẽ để tu sửa lại.

Để tìm hiểu kỹ hơn vụ việc, PV báo Phụ nữ TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Trần Danh Lương – Chủ tịch UBND xã Bắc Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) để làm rõ thông tin phản ánh về việc, trong vụ lúa hè thu vừa qua, để được mang máy xuống ruộng, thu hoạch lúa cho người dân trên địa bàn xã, các chủ máy gặt lúa phải nộp vào chính quyền địa phương 2 triệu đồng tiền bảo lãnh. Chủ máy nào không đóng tiền sẽ không được phép hoạt động.

Được biết, hiện đã có 19/21 máy gặt lúa hoạt động ở địa bàn xã nộp tiền bảo lãnh cho Công an xã với tổng số tiền là 38 triệu đồng.

Chỉ là tiền bảo lãnh tạm thời

Chia sẻ với PV về việc chính quyền xã tiến hành thu tiền bảo lãnh gặt lúa, ông Lương xác nhận đó là chủ trương được xã thực hiện trong vụ thu hè vừa qua tại địa phương.

Theo ông Lương, vụ gặt vừa rồi ở địa bàn xã Bắc Thành và một số xã khác vẫn khá phức tạp, có hiện tượng bảo kê máy gặt, tất cả máy vào địa bàn đều có sự điều khiển của các đối tượng. Nhiều hộ nông nghiệp vẫn muốn tranh thủ thu hoạch trước khi bão về những vẫn không gặt được.

“Ở đây có chính quyền nhưng đa số các chủ máy là người ở xa đến đây lập nghiệp nên trên đường về có những chuyện phức tạp lắm. Do đó dân bức xúc vì không đưa hết được các máy gặt xuống đều các vùng lúa, dẫn đến việc dân không gặt được”, vị Chủ tịch xã đánh giá.

Mang may gat lua xuong ruong phai nop cho xa 2 trieu dong bao lanh: Lanh dao xa phan tran
Mỗi máy gặt lúa phải đóng phí 2 triệu đồng cho xã. Ảnh: Infornet

Sau đó tiếp tục có hiện tượng các đối tượng này tranh giành nhau, người gặt không dám xuống đồng. Vì vậy, trước tình hình người dân sắp vào vụ thu hoạch, Đảng ủy có chủ trương nộp tiền bảo lãnh máy gặt như vậy để đảm bảo máy gặt vào từng địa bàn, không để xảy ra tình trạng như vụ trước, ông Lương cho hay.

Cũng theo vị lãnh đạo xã, Đảng ủy – UBND đã giao cho Hợp tác xã nông nghiệp trực tiếp làm dịch vụ bảo lãnh. Tuy nhiên, khi vào vụ gặt thì đồng chí chủ nhiệm vợ bị ốm điều trị ở Hà Nội nên chưa kịp triển khai.

UBND lại giao cho Công an xã tham mưu, trình kế hoạch để rồi trực tiếp giải quyết, đảm bảo an ninh trật tự cho vụ hè thu. Riêng về quy trình, sáng 30/8 thông qua dự thảo kế hoạch, các cán bộ xã lên đóng góp ý kiến. Sau khi kế hoạch được thống nhất, UBND đã thông báo trên đài phát thanh cho người dân về kế hoạch, để các gia đình trong địa phương đi thuê máy ở ngoài vào.

Công an xã đã yêu cầu các chủ máy cam kết đảm bảo an ninh trên địa bàn, thực hiện đăng ký tạm trú, đồng thời trong khi thu hoạch không được tăng giá.

Cụ thể, vừa qua vụ đông xuân vừa rồi các chủ máy thu 180.000 đồng/sào ở vùng cao và 200.000 đồng/1 sào ở vùng sâu, nhưng đối với vụ này UBND giao vùng cao không được quá 160.000 đồng/sào và cùng sâu không được quá 180.000 đồng/sào, tức là 1 hộ dân trong 1 sào được giảm 20.000 đồng.

Đã trả lại tiền khi cầu cống không hỏng, an ninh tốt

Ông Lương kể lại, khoảng gần 1h sáng ngày 1/9 có 2 máy gặt về đến địa phương, nhưng lúc này xuất hiện một đám người lạ ở dọc tuyến đường quốc lộ 7, đám người này không cho 2 máy xuống ruộng. Họ đưa ra yêu cầu, nếu muốn xuống thì phải đóng phí cho họ 1 sào là 20.000 đồng. Khi lực lượng công an đến nơi thì nhóm người này bỏ đi.

Đến trưa ngày 1/9, các máy lúa bắt đầu thu hoạch thì trưa cùng ngày có 2 đối tượng đến bắt chủ máy gặt phải trả cho họ 1 sào là 20.000 đồng mới được gặt tiếp. Nắm được thông tin, Công an xã đã ra mời các đối tượng đó về trụ sở và báo cho Công an huyện, Công an huyện cử 4 cán bộ lên để nắm tình hình và làm rõ sự việc, lập hồ sơ vụ việc.

Lý giải về việc chính quyền xã tiến hành thu 2 triệu đồng/máy gặt, ông Lương phân trần: “Việc tạm thu 2 triệu đồng do có mấy việc. Thứ nhất, đảm bảo công tác an ninh tức trong thời gian thực hiện thu hoạch trên địa bàn các chủ máy phải đảm bảo an ninh trật tự. Thứ 2 là sau thu hoạch các cầu cống do các máy đi nhiều nên bị hỏng, số tiền trên sẽ để tu sửa lại cầu cống.

Còn nếu như những cái đó mà an toàn, không có vấn đề gì xảy ra thì các chủ máy sẽ nhận lại số tiền đó”.

Vị Chủ tịch xã Bắc Thành cũng khẳng định: “Việc báo chí có phản ánh công an xã ra tận đồng để thu tiền thì vấn đề đó chưa đúng, xã cũng có kỷ cương, nên hôm qua các báo, các cơ quan cũng về tìm hiểu, địa phương cũng làm tờ trình”.

Đến ngày 7/9, trên địa bàn đã gặt được 2/3 diện tích. Ông Lương khẳng định: "Có một số chủ máy đã gặt xong trên địa bàn xã và muốn đến vùng khác làm việc. Khi không phát hiện cầu cống, đường bị hỏng, xã đã tiến hành trả lại tiền cho các chủ máy, mời các chủ hợp đồng lên trả lại tiền để họ đến các vùng khác gặt. Hôm 7/9 xã đã tiến hành mời các chủ máy lên nhận lại tiền, chỉ thu phí tạm trú.

Việc thu tiền tính theo đầu máy, còn họ gặt nhiều hay gặt ít là do đầu máy có lái giỏi hay không. Sau khi thực hiện chủ trương đó, Đảng ủy và nhân dân rất đồng tình vì ruộng của mình ở đâu thì gặt ở đó chứ không bị khống chế".

Đối với những đối tượng đứng ra đòi thu tiền bảo kê gặt lúa, ông Lương cho hay rất khó xử lý vì những đối tượng này hoạt động rất tinh vi không ra mặt mà chỉ điều hành qua điện thoại cho các chủ máy. Đa số các chủ máy là người tỉnh khác nên không ai dám đứng ra tố cáo, làm việc với chính quyền vì sợ trên đường về sợ gặp chuyện không hay.

Hương Trà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI