Mang dép xơ mướp, ăn chén mo cau

04/07/2020 - 06:30

PNO - Việc sưu tầm, sử dụng những đồ dùng sống xanh “không đụng hàng” đang được giới công sở, chị em nội trợ hưởng ứng. Đây còn là cơ hội cho không ít bạn trẻ ấp ủ ước mơ khởi nghiệp.

Đồ dùng “độc, lạ”

Khoe vừa “tậu” được bộ đồ dùng nhà bếp (chén, tô, dĩa, đũa, muỗng…) “độc, lạ” làm từ mo cau, chị Hồ Thị Quỳnh Hương (ngụ Q.7, TPHCM) phấn khởi: “Lần đầu tiên tôi thấy mo cau được làm thành đồ dùng nhà bếp, vừa độc đáo, đẹp mắt, vừa sử dụng an toàn so với các loại đồ nhựa hiện nay”.

Đồ dùng từ xơ dừa, gáo dừa của Huế My
Đồ dùng từ xơ dừa, gáo dừa của Huế My

Mo cau còn gắn với chị Hương nhiều kỷ niệm. Chị kể, quê chị ở Hải Phòng trồng rất nhiều cau. “Hồi còn nhỏ, chúng tôi bày đủ trò chơi với mo cau; bếp lửa bập bùng lúc nào cũng có nhành cau, mo cau... Từ lúc vô Sài Gòn học hành, lập nghiệp, chẳng mấy khi tôi còn thấy mo cau. Nay bất chợt thấy nhiều đồ dùng trong siêu thị làm từ mo cau, tôi mừng như gặp lại cố nhân” - chị Hương bồi hồi.

Phòng làm việc của chị Lê Mỹ Hạnh (nhân viên văn phòng, Q.3, TPHCM) trang trí đủ thứ từ nguyên liệu bỏ đi là… xơ mướp. Nào giày dép, túi xách, hoa cắm bình đều làm bằng xơ mướp. Chị Hạnh bộc bạch: “Tôi có thói quen sưu tầm vật dụng, đồ dùng làm từ nguyên liệu thân thiện môi trường. Thú vị nhất là tất cả đều được làm thủ công nên sản phẩm gần như “độc nhất vô nhị”. Tuy giá cả có cao hơn so với các vật dụng làm từ nhựa, da nhưng tôi hài lòng vì cảm thấy việc mình đang làm đầy ý nghĩa, góp phần bảo vệ môi trường khi tái chế đồ dùng bỏ đi”.

Tìm mua tối đa những vật dụng từ nguyên liệu thiên nhiên, chị Thiên Thanh (ngụ Q.Phú Nhuận, TPHCM) khoe, trong nhà có rất nhiều vật dụng làm bằng tre nứa như ống hút, ly… đặc biệt là bàn chải đánh răng với lông bàn chải làm từ tre carbon hóa, có thể giúp người dùng phòng tránh được nhiều bệnh mà loại bàn chải đánh răng bằng nhựa gây ra.

“Ưu điểm của bàn chải tre là có thể tái chế và thay thế lông bàn chải thường xuyên, giúp tiết kiệm chi phí mà vẫn an toàn sức khỏe. Chỉ cần sau khi sử dụng, luộc và phơi nắng bàn chải để tránh nấm mốc. Hạn sử dụng của bàn chải tre khoảng 3-5 tháng. Tôi đã tìm trên các trang bán hàng online uy tín, cửa hàng có thương hiệu để mua sản phẩm này” - chị Thanh cho biết.

Sản phẩm thân thiện môi trường ngày càng được nhiều chị em  lựa chọn
Sản phẩm thân thiện môi trường ngày càng được nhiều chị em lựa chọn

Tại Công ty TNHH Phát triển Hội An (Q.Phú Nhuận, TPHCM) chuyên sản xuất các sản phẩm hữu cơ thân thiện môi trường với thương hiệu Là Xanh (laxanh.net), những đồ dùng gia đình làm từ mo cau, bẹ chuối khô, lá sen… được thiết kế tinh tế, bắt mắt thu hút người tiêu dùng. “Không chỉ chế tác sản phẩm “mộc”, sản phẩm của thương hiệu này còn trang trí những hình vẽ ngộ nghĩnh về gia đình, bè bạn… nên được các em nhỏ yêu thích. Đây còn là cách để giáo dục các em bảo vệ môi trường từ những vật dụng ngay trong nhà” - chị Trang (khách hàng) chia sẻ.

Nhiều cửa hàng như Tre shop (treshop.vn) hay các trang thương mại điện tử giới thiệu hàng trăm sản phẩm thay thế cho các sản phẩm nhựa như chén, dĩa, ly, khay… được làm từ xơ tre, bột sắn và sử dụng một lần có giá 3.000 đồng/sản phẩm; khay cơm được làm từ mo cau có giá 9.500 đồng/sản phẩm; thảm bằng cỏ bàng có giá từ 180.000-850.000 đồng/sản phẩm; ống hút tre, bút bi tre có giá 2.500-40.000 đồng/sản phẩm…

Túi làm từ lá sen
Túi làm từ lá sen

Chị Trần Thị Quyên, chủ một cửa hàng chuyên bán đồ gia dụng hữu cơ trên đường Pasteur (Q.1, TPHCM) cho biết, nếu trước đây khách của cửa hàng chủ yếu là nhà hàng, quán ăn, trường học quốc tế thì bây giờ nhiều gia đình, bà nội trợ, đặc biệt là giới văn phòng, các bạn trẻ tìm mua đồ dùng từ thiên nhiên rất nhiều.

“Đồ dùng làm từ mo cau, dừa và gỗ cây nhãn có độ bền cao, không sản sinh độc chất như sản phẩm bằng nhựa; nguyên liệu kết hợp từ bột sắn và xơ tre có thể tái sử dụng nhiều lần. Với chất liệu 100% thiên nhiên, các sản phẩm này không bị biến đổi chất khi đựng thực phẩm nóng hoặc lạnh” - chị Quyên chia sẻ.

Cơ hội khởi nghiệp

Đem sản phẩm từ xơ mướp của mình “chinh chiến” ở các phiên chợ an toàn thực phẩm, thậm chí sang tận trời Tây, anh Mạc Như Nhân, chủ cơ sở Vi Lâm (Q.12, TPHCM) kể, cơ duyên anh đến với nghề này rất tình cờ. Xuất phát từ ý tưởng dùng xơ mướp làm kẹp tóc tặng bạn, anh quyết định “khởi nghiệp” với xơ mướp. Anh chia sản phẩm của mình thành năm dòng theo mục đích sử dụng gồm trang trí nội thất, quà lưu niệm, chăm sóc da, vật gia dụng và thời trang… Hiện, sản phẩm từ nguyên liệu xơ mướp thân thiện, gần gũi với môi trường của cơ sở Vi Lâm đã đến với nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước.

“Chiếc mo cau vốn đã tạo ra bản thiết kế hoàn hảo nhất của thiên nhiên. Vì thế, không mo cau nào có thiết kế giống nhau mà mỗi chiếc là độc nhất vô nhị. Những sản phẩm này cũng không có mùi hương kiểu công nghiệp hoặc được khử mùi, mà được giữ nguyên hương thơm thoang thoảng của mo cau pha với “mật mía - caramen”, do quá trình tương tác ép khuôn ở nhiệt độ cao. Tùy độ ẩm và nhiệt độ mà mỗi sản phẩm sẽ có màu sậm hơn hay sáng hơn” - chị Lê Bích Thảo (ở Hà Nội) khởi nghiệp từ mo cau chia sẻ.

Đồ dùng gia đình từ mo cau
Đồ dùng gia đình từ mo cau

Cũng đi lên từ sản phẩm thân thiện môi trường, Lê Thị Huế My, giám đốc công ty chuyên sản xuất hàng mỹ nghệ từ gáo dừa với thương hiệu Yescoco, chia sẻ, quê cô ở Bến Tre là xứ dừa. Nhìn những chiếc gáo dừa bỏ đi, cô suy nghĩ làm cách nào có thể tái sử dụng. 

Theo Huế My, đây là vật liệu xanh có cấu trúc tuyệt vời để làm đồ dùng gia đình an toàn, thân thiện với môi trường và đồ trang trí rất độc đáo. Nếu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất than hoạt tính, gáo dừa có giá khoảng 2.000-3.000 đồng/kg; khi sử dụng làm đồ dùng, đồ thủ công mỹ nghệ, giá trị gáo dừa tăng từ 15.000-20.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, gáo dừa là vật liệu an toàn, không sử dụng sơn, keo độc hại, ảnh hưởng tới sức khỏe, không ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên và môi trường, phân hủy tự nhiên.

Tết Trung thu vừa rồi, Yescoco sản xuất cả ngàn chiếc lồng đèn bằng gáo dừa đầu tiên tại Việt Nam. “Hiện công ty sản xuất gáo dừa theo ba nhóm sản phẩm chính, nhóm vật dụng gia đình, nhóm đồ chơi trẻ em, nhóm vật dụng kết hợp trang trí. Bên cạnh đó, chúng tôi còn liên kết với các cơ sở thủ công mỹ nghệ trong tỉnh để sản xuất mặt hàng gáo dừa xuất khẩu đi Hoa Kỳ và châu Âu” - nữ giám đốc chia sẻ. 

Bát, đĩa, cốc làm từ bẹ cau, bẹ chuối, lá sen, xơ mướp… đều dễ phân hủy, thân thiện với môi trường, thậm chí có thể sử dụng trong lò vi sóng. Những sản phẩm bền và đẹp này rất được ưa chuộng tại Nhật Bản và các nước châu Âu, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều nông dân.

Thế giới đánh giá tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh đối với nước có thu nhập trung bình như Việt Nam chiếm 12% lượng chất thải rắn phát sinh. Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi ni-lông không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi ni-lông thải bỏ ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Số lượng rác thải nhựa, túi ni-lông thải ra tăng dần theo từng năm. Đây là một “gánh nặng” cho môi trường, thậm chí còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là “ô nhiễm trắng”.

Thiên Thiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI