Mang cả chân chống xe máy vào phòng mổ

13/02/2021 - 17:37

PNO - Người dân dùng máy cưa sắt cắt rời chân chống ra khỏi xe và để nguyên dị vật chuyển chị N. vào trạm y tế.

 

Ngày 13/2, bác sĩ CK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết nơi này vừa tiếp nhận một trường hợp hy hữu là chị N.T.Y.N. (20 tuổi, nhà ở Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) bị chân chống xe gắn máy dính vào vùng mông.

Trước đó, bệnh nhân đi xe máy va chạm với xe gắn máy khác nên bị chân chống của xe gắn máy đâm dính vào vùng mông, được người dân dùng máy cưa sắt cắt rời chân chống ra khỏi xe và để nguyên dị vật chuyển vào trạm y tế sơ cứu, sau đó chuyển đến bệnh viện.

Các bác sĩ nhận định chân chống xe máy đâm sâu vào vùng mông nguy cơ tổn thương thần kinh ngồi. Để xác định kích thước và một phần hướng đi của chân chống xe, bệnh nhân được chỉ định chụp X-quang khung chậu.

Sau 45 phút phẫu thuật, các bác sĩ lấy ra thanh kim loại lớn hình chữ “L”, nó là một phần của chân chống xe gắn máy. Thanh kim loại hình tròn, kích thước khoảng 2x16cm đâm sâu vào từ vùng mông bên phải, sát phần hậu môn của bệnh nhân. Hướng đi của dị vật làm rách nhiều cơ vùng mông: cơ mông lớn, cơ mông bé, cơ hình lê, đứt các mạch máu nhỏ nuôi cơ vùng mông nên gây chảy máu. Khoảng cách đầu của dị vật gần thần kinh ngồi, nếu dị vật đâm trúng thần kinh này sẽ làm bệnh nhân bị liệt chân cùng bên.

Phim X-quang cho thấy dị vật
Phim X-quang cho thấy dị vật trong mông bệnh nhân


Tới Mùng 2 tết, bệnh nhân tỉnh, không sốt, vết mổ khô, đau ít, chi cử động bình thường. Dự kiến sau 5 ngày bệnh nhân được xuất viện. Do là chân chống xe gắn máy nên có bám nhiều dị vật xung quanh là đất, cát… Để phẫu thuật ê-kíp phải mở rộng vết thương, cắt lọc lấy sạch dị vật, bơm rửa rất nhiều nước, khâu vết thương, đặt dẫn lưu... để đẩy trôi đất cát ra ngoài, phối hợp với kháng sinh liều cao từ lúc vào viện nhằm kiểm soát nhiễm trùng vết thương.

Theo bác sĩ CK2 Huỳnh Thống Em, Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, nếu gặp tình huống tương tự, cách sơ cứu vết thương phần mềm có dị vật cần tuân thủ theo các bước:

    - Không được rút dị vật.

    - Quấn gạc/vải sạch quanh dị vật và băng cố định.

    - Kiểm tra lưu thông máu sau khi băng. 

    - Nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở Y tế.

  Đinh Tiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI