Mabo Bookstore làm giả sách Tao Đàn?

21/08/2020 - 10:29

PNO - Công ty Sách Tao Đàn vừa lên tiếng tố Mabo Bookstore làm giả quyển sách "Chết giữa mùa hè".

Công ty cổ phần Sách Tao Đàn vừa lên tiếng tố Mabo Bookstore vi phạm bản quyền, làm giả cuốn sách Chết giữa mùa hè (tác giả Yukio Mishima) mà đơn vị này ấn hành.

Trên fanpage Tao Đàn viết: “Mabo Bookstore ăn cắp bản quyền dịch của dịch giả Nguyễn Nam Trân in sách bán một cách trắng trợn, ăn cắp cả lời giới thiệu của dịch giả Tao Đàn. Nhiều bạn không biết đã mua nhầm”.

Bản sách của Tao Đàn
Bản sách của Tao Đàn

Cụ thể, tác phẩm Chết giữa mùa hè được Tao Đàn phát hành vào tháng 7/2020. Phần mục lục gồm có các truyện ngắn: Chết giữa mùa hè, Đại đức chùa Shiga và giai nhân, Viên ngọc trai, Lòng ái quốc, Dì Haruko, Đôi cánh, Hồn bướm, Mối tình của vị cao tăng chùa Shiga cùng phần phụ lục: Mishima Yukio và Kenzaburo Oe, Hai khuôn mặt của một Janus.

Cùng thời điểm, Mabo Bookstore cũng rao bán tác phẩm này. Bản sách Chết giữa mùa hè do Mabo Bookstore quảng cáo trên fanpage ghi: Chết giữa mùa hè – Yukio Mishima (bản dịch của Tâm Linh do Phù Sa xuất bản năm 1969). Trong đó cũng có các truyện Đôi cánh, Hồn ướm, Dì HarukoMối tình của vị cao tăng chùa Shiga (dịch giả Nguyễn Nam Trân).

Phía Tao Đàn đưa ra bằng chứng, bản sách in năm 1969 không hề có những truyện này, mà chỉ có các truyện: Đại đức chùa Shiga và giai nhân, Lòng ái quốc, Viên ngọc traiChết giữa mùa hè. Tao Đàn khẳng định: Mabo Bookstore đã tự ý lấy các truyện của dịch giả Nguyễn Nam Trân trong bản in mới nhất của Tao Đàn, tập hợp in thêm vào ấn phẩm Chết giữa mùa hè vi phạm bản quyền.

Bằng chứng Tao Đàn đưa ra: bản dịch Chết giữa mùa hè in năm 1969 chỉ có 4 truyện

Bằng chứng Tao Đàn đưa ra: bản dịch Chết giữa mùa hè in năm 1969 chỉ có 4 truyện

Trong khi đó, bản in mới lại có các truyện bổ sung của dịch giả Nguyễn Nam Trân
Trong khi đó, bản in mới lại có các truyện bổ sung của dịch giả Nguyễn Nam Trân

Bên cạnh việc kêu gọi bạn đọc cùng report fanpage Mabo Bookstore, phía Tao Đàn cũng nêu đích danh Facebook cá nhân Nguyễn Minh Quyền – người quản lý Mabo Bookstore và trực tiếp chịu trách nhiệm về việc làm sách vi phạm bản quyền này.

Tối 20/8, thông qua link Facebook tên Nguyễn Minh Quyền, phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM đã gửi tin nhắn với thiện chí trao đổi, ghi nhận ý kiến để rộng đường dư luận về việc Tao Đàn đã phản ánh.

Rất tiếc, phóng viên không nhận được câu trả lời. Ngay sau đó, trang Facebook cá nhân Nguyễn Minh Quyền cũng chặn trang cá nhân của phóng viên. Hiện trên fanpage Mabo Bookstore vẫn liên tục đăng tải các thông tin giới thiệu sách mới, không có động thái phản hồi gì về vụ việc. Trang bán sách online này có hơn 8.000 lượt người thích và theo dõi.

Giới thiệu tác phẩm Chết giữa mùa hè trên Mabo Book Store

Giới thiệu tác phẩm Chết giữa mùa hè trên Mabo Bookstore

Đơn vị này cũng rao bán các bản sách bìa cứng của Tao Đàn, nhưng với giá đắt hơn gấp nhiều lần (giá bìa chính thức của Tao Đàn là 235.000đ/giảm giá còn 188.000đ)
Đơn vị này cũng rao bán các bản sách bìa cứng Chết giữa mùa hè của Tao Đàn, nhưng với giá đắt hơn gấp nhiều lần (giá bìa chính thức của Tao Đàn là 235.000đ/giảm giá còn 188.000đ)

Đây cũng là lần đầu tiên một trang bán sách cùng với tài khoản cá nhân được đơn vị làm sách lên tiếng tố cáo vi phạm bản quyền, làm sách giả và bán. Lâu nay, các công ty làm sách/nhà xuất bản đối phó với các fanpage bán sách vi phạm bản quyền bằng cách kêu gọi bạn đọc report, tẩy chay. Quyết liệt hơn là báo cáo lên Cục Xuất bản, In và Phát hành - Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tuy nhiên, theo nhận định của một nhà làm sách, đó cũng mới chỉ là xử lý được phần ngọn. Một trang bị xóa bỏ, các fanpage khác có thể tiếp tục xuất hiện. Thậm chí khi bị phát hiện bán hàng gian hàng giả, chủ fanpage/Facebook cá nhân có thể chặn khách hàng ngay lập tức hoặc nhanh chóng biến mất.

Các công ty làm sách/nhà xuất bản bao năm qua vẫn bị bủa vây bởi tình trạng vi phạm bản quyền, làm sách giả, sách lậu từ nhiều cá nhân/tổ chức. Từ sách giấy đến sách nói, từ sách bán vỉa hè đến không gian mạng, lâu lâu lại có một vụ việc được phát hiện, lên tiếng và kêu gọi bạn đọc tẩy chay. Nhưng mọi việc sau đó lại tiếp diễn.

Vấn nạn này, muốn “đánh một trận quyết liệt” cần có sự vào cuộc của nhiều phía: nhà xuất bản/công ty sách và bạn đọc thôi chưa đủ, mà còn cần đến Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông, an ninh mạng, đại diện Facebook tại Việt Nam… Đồng thời, mức phạt dành cho đối tượng vi phạm cũng cần phải thay đổi chứ không thể “giơ cao đánh khẽ” như hiện nay.

Song Giang

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI