Có hay không độc quyền sách giáo khoa?

11/05/2020 - 07:46

PNO - Trong khi các trường còn chưa hết băn khoăn về việc nên chọn sách giáo khoa lớp Một theo bộ hay theo môn học, thì rất có thể sau ngày Luật Giáo dục có hiệu lực, mỗi tỉnh sẽ chỉ được chọn một đầu sách giáo khoa cho mỗi môn học của một khối lớp. Điều này càng khiến dấu hỏi - có hay không việc độc quyền sách giáo khoa mới - thêm đậm, cho dù đã có thêm hai nhà xuất bản tham gia biên soạn.

Khi Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông đã nêu rõ: thực hiện một chương trình, nhiều SGK. Chương trình mới được xây dựng, thẩm định và ban hành trước làm cơ sở cho việc biên soạn SGK. Trong Luật Giáo dục (có hiệu lực từ ngày 1/7/2020) cũng quy định mỗi môn học có một hoặc một số SGK. Hiện tại, các trường đang thực hiện việc chọn sách theo tinh thần này.

Các trường chọn sách giáo khoa lớp Một cho năm học 2020-2021 - Ảnh minh họa
Các trường chọn sách giáo khoa lớp Một cho năm học 2020-2021 - Ảnh minh họa

Tuy nhiên, theo dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông mới nhất đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành (thay thế Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30/1/2020) thì “mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở một khối lớp lựa chọn một đầu SGK”.

Điều đáng nói nữa là sau ngày 1/7/2020, theo Luật Giáo dục, hội đồng chọn SGK sẽ do UBND cấp tỉnh thành lập, và hội đồng cấp tỉnh này sẽ quyết định việc chọn SGK cho học sinh của địa phương mình. Như vậy, từ ngày 1/7/2020, mỗi tỉnh chỉ được chọn một đầu SGK cho một môn học ở một khối lớp. Việc chọn SGK giao cho UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm là theo Luật Giáo dục. Còn quy định chọn sách lại do Bộ GD-ĐT ban hành. Với quy định đó, dư luận hoàn toàn có quyền đặt dấu hỏi về việc có hay không độc quyền SGK?

Đây không phải là câu hỏi lần đầu. Trước đó, rất nhiều lần câu hỏi này đã được đưa ra. Đơn cử như việc cho phép các nhà xuất bản (NXB) khác (ngoài NXB Giáo dục Việt Nam) tham gia biên soạn SGK để tránh tình trạng độc quyền. Thực tế, NXB Đại học Sư phạm và NXB Đại học Sư phạm TP.HCM cũng đã tham gia biên soạn và phát hành SGK. Tuy nhiên, trong năm bộ SGK được chọn thì có đến bốn bộ là của NXB Giáo dục, một bộ sách (bộ Cánh diều) do NXB Đại học Sư phạm Hà Nội và NXB Đại học Sư phạm TP.HCM hợp tác.

Với “ưu thế” chiếm 80% đầu SGK, cộng thêm quy định mỗi tỉnh chỉ được chọn một đầu sách cho một môn học ở một khối lớp; thì rõ ràng, bốn bộ sách của NXB Giáo dục Việt Nam càng tăng phần “ưu thế”. Quy định này, nếu không thể hiện sự độc quyền, thì thể hiện điều gì? Chưa kể, quy định này còn ngược hoàn toàn với điểm 1b, Điều 32 Luật Giáo dục - mỗi môn học có một hoặc một số SGK.

Nếu dự thảo trên được thông qua và có hiệu lực, thì rất dễ xảy ra không ít thay đổi trong việc học tập của học sinh lớp Một năm học 2020-2021. Bởi năm học này, học sinh bước vào lớp Một với những cuốn SGK được hội đồng chọn SGK của nhà trường quyết định. Nhưng năm học sau (2021-2022), rất có thể, học sinh sẽ học lớp Hai với những cuốn SGK nằm trong bộ SGK khác - không phải bộ đã học ở lớp Một. Các bộ sách đều được xây dựng trên chương trình chung, song đều có cách riêng để dẫn dắt học sinh khám phá cái mới.

Nói vậy, không có nghĩa cứng nhắc là học sinh lớp Một năm nay học bộ sách nào (hoặc SGK của môn học thuộc bộ sách nào) thì năm sau sẽ học bộ sách đó (hoặc SGK của môn học thuộc bộ sách đó); cũng không có nghĩa việc giảng dạy của giáo viên lệ thuộc nhiều vào SGK. Hơn nữa, SGK lớp Hai vẫn là những bộ sách nằm ở thì… tương lai; có thể SGK môn học A lớp Một của NXB này năm nay nhiều ưu điểm nhất, nhưng năm sau, SGK lớp Hai môn học đó lại bị SGK của những bộ SGK thuộc NXB khác bỏ xa. Chính vì điều này, mà quy định “mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở một khối lớp lựa chọn một đầu SGK” của Bộ GD-ĐT càng thêm bất cập.

Xin dẫn ý kiến của lãnh đạo một trường liên cấp ở Hà Nội về lựa chọn SGK lớp Một: mỗi bộ sách đều có một nét riêng, dù trường chọn bộ sách nào thì sau đó vẫn cần tham khảo thêm các bộ khác để bài giảng thêm phong phú. Như vậy, xét cả Luật Giáo dục, cả dư luận về độc quyền SGK, cũng như những gì đã thể hiện qua thực tiễn, Bộ GD-ĐT nên và cần xem xét lại quy định mỗi tỉnh chỉ được chọn một đầu sách cho một môn học ở một khối lớp. 

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI