Lương không tăng, đàn ông Nhật lép vế với vợ khi ở nhà

12/07/2017 - 06:24

PNO - Ngày 15 hàng tháng là ngày trọng đại đối với Yoshihiro Nozawa: Đó là ngày anh nhận lương. Nhưng sau đó, người đàn ông 36 tuổi đưa toàn bộ lương cho cô vợ Masami.

Masami nắm ngân sách gia đình và đưa chồng khoản tiền tiêu vặt hàng tháng là 30.000 yen (hơn 380 USD). Mặc dù là trụ cột của gia đình, anh chỉ có thể tiêu khoản tiền ấy trong 30 ngày tiếp theo.

“5 ngày cuối cùng tính từ mùng 10 hàng tháng là khoảng thời gian khó khăn nhất với tôi”, Yoshihiro thừa nhận.

Để hiểu khoản tiền 30.000 yên ít ỏi cỡ nào, chúng ta chỉ cần biết gia đình Nozawa (gồm 4 người) có thể tiêu hết 30.000 yen trong công viên Disneyland tại thủ đô Tokyo trong một ngày.

Luong khong tang, dan ong Nhat lep ve voi vo khi o nha
Lương trung bình của đàn ông Nhật Bản không tăng, thậm chí còn giảm nhẹ trong hai thập kỷ qua. Ảnh: South China Morning Post.

Yoshihiro nói, 30.000 là khoản tiền tiêu vặt khiêm tốn ở Tokyo, thành phố đắt đỏ nhất thế giới.

“Vợ tôi nấu món vào buổi sáng rồi cho vào cặp lồng để tôi ăn vào buổi trưa. Việc đó giúp tôi giảm được một khoản chi phí lớn”, Yoshihiro nói. Anh kể rằng anh thường ăn trưa trong công viên gần công ty.

Thú vui xa xỉ duy nhất của anh chàng 36 tuổi là thuốc lá. Anh dành khoảng 1/3 tiền tiêu vặt cho nó.

“Có lẽ tôi sẽ bỏ thuốc lá nếu giá tăng lần nữa”, anh nói.

Một cuộc khảo sát của Softbrain Field, một công ty chuyên cung cấp dữ liệu nghiên cứu, cho thấy phụ nữ nắm quyền chi tiêu trong 74% hộ gia đình ở Nhật Bản.

50.000 yen là khoản tiền tiêu vặt mà vợ dành cho Taisaku Kubo, một người đàn ông 47 tuổi, trong 15 năm qua.

Hàng năm Kubo luôn cố gắng thúc vợ tăng khoản tiền tiêu vặt, nhưng mỗi lần như thế, cô vợ lại “thuyết trình” để chồng hiểu lý do nguyện vọng của anh không thể trở thành hiện thực.

“Cô ấy vẽ một biểu đồ hình tròn về những khoản chi tiêu để giải thích lý do tôi không thể có thêm tiền tiêu vặt”, Taisaku kể.

Trên biểu đồ, tiền dằn túi của anh chiếm 8,8% tổng khoản chi tiêu hàng tháng của gia đình.

“Những khoản lớn nhất là tiền thuê nhà và thuế. Chúng tôi không có con nên tôi muôn bảo đảm rằng chúng tôi sẽ có đủ tiền sau khi anh ấy nghỉ hưu”, Yuriko, vợ của Taisaku, nói.

Vì thế, Taisaku luôn thua trong cuộc tranh luận về tăng tiền tiêu vặt.

“Tôi đã bỏ ôtô, xe máy và nhiều thú vui xa xỉ khác”, anh cười.

Luong khong tang, dan ong Nhat lep ve voi vo khi o nha
 

Vị thế thống trị một thời của nam giới làm công ăn lương ở Nhật Bản sa sút trong những năm gần đây - do mức thu nhập giảm và số lượng phụ nữ, bà mẹ làm việc tăng lên.

Thực trạng ấy làm suy giảm vai trò trụ cột gia đình của họ, dẫn đến việc lần đầu tiên trẻ em Nhật Bản tôn trọng mẹ hơn cha, theo một cuộc khảo sát gần đây của Ngân hàng Shinsei.

Trong suốt hai thập niên qua, mức lương cơ bản trung bình của đàn ông Nhật Bản giảm 0,5%.

Mặc dù tình trạng giá hàng hóa trung bình không tăng hoặc giảm khiến sức mua chỉ giảm nhẹ, việc thu nhập “giậm chân tại chỗ” hầu như không tạo ra đà để “tiền dằn túi” của các ông chồng tăng.

Ngược lại, số lượng phụ nữ trong lực lượng lao động tăng dần đồng nghĩa với việc thu nhập của họ tăng - tới 15% trong cùng thời kỳ, theo một báo cáo của Bộ Lao động Nhật Bản.

Có thể mức tăng ấy làm tăng thu nhập của gia đình và bù đắp cho mức lương trì trệ của những ông chồng, song nó đang tạo ra một sự thay đổi về vị thế của phụ nữ trong gia đình, theo một nghiên cứu của Viện Cuộc đời và Đời sống Hakuhodo.

Kết quả khảo sát ý kiến của Viện Cuộc đời và Đời sống Hakuhodo cho thấy, số lượng trẻ nói chúng kính trọng mẹ tăng lên mức cao kỷ lục là 68,1%, lần đầu tiên vượt qua tỷ lệ dành cho bố.

Chỉ khoảng 62% trẻ nói chúng kính trọng bố, giảm so với cuộc khảo sát cách đây một thập kỷ. Viện Cuộc đời và Đời sống Hakuhodo tiến hành khảo sát theo chu kỳ 10 năm một lần từ năm 1997.

“Chúng tôi nghĩ mối quan hệ giữa mẹ và cha thay đổi vì số lượng phụ nữ tham gia lực lượng lao động tăng dần. Số bà mẹ làm việc đang tăng. Họ làm việc và phát triển bên ngoài ngôi nhà, đồng thời vẫn quán xuyến mọi việc trong gia đình”, Viện Hakuhodo tuyên bố.

Vẫn có những ông bố tham gia làm việc nhà, nhưng hiện tượng đó vẫn chưa phổ biến. Đàn ông Nhật Bản trong độ tuổi lao động hưởng thời gian nghỉ ngang với phụ nữ sau khi con ra đời, chỉ 3% số họ sử dụng quyền đó trong năm tài chính 2016, và 57% số họ chỉ nghỉ dưới 5 ngày trong năm 2015.

Trong khi đó, 82% phụ nữ sử dụng quyền nghỉ thai sản, theo một báo cáo của Bộ Lao động.

“Đàn ông Nhật Bản tiếp tục đối mặt với thực tế khắc nghiệt. Tình trạng thu nhập của đàn ông không tăng xuất phát từ những mối lo ngại về mức tăng lương, thuế suất cao hơn và dân số già hơn. Đó là những vấn đề lớn hơn nhiều so với một người đàn ông bất kỳ”, Koya Miyamae, một nhà kinh tế của Công ty Chứng khoán SMBC Nikko, nhận định.

Kiến Văn (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI