Lửa bài ngoại vẫn âm ỉ cháy

06/03/2017 - 15:00

PNO - Gương mặt đầy máu của một phụ nữ Úc gốc Hoa một lần nữa là hồi chuông cảnh báo về thực trạng bài ngoại ngày càng khó đoán lường, chẳng thể ngăn chặn được.

Nạn nhân là chị Lina đang đứng chờ đèn xanh ở khu trung tâm Sydney thì bất ngờ bị một người đàn ông bản xứ ập đến kiếm chuyện. Hắn ta quát lớn: “Hãy cút về đất nước của mày đi!”

Lua bai ngoai van am i chay

Lina chủ động tránh cãi vã, cố bước nhanh thoát khỏi người đàn ông điên rồ nhưng hắn ta cố túm tóc, đấm thẳng vào mặt chị rồi tháo chạy. Nhiều độc giả đã bình luận thể hiện sự phẫn nộ, cộng đồng người Hoa ở Úc cũng vô cùng hoang mang, tức giận.

Người dân Úc nổi tiếng hiếu khách, thân thiện, nhưng ở đất nước này vẫn có những trường hợp bài ngoại ảnh hưởng xấu đến cộng đồng. Năm 2014, từng có một trường hợp bài ngoại gây chấn động, cũng xảy ra ở Sydney. Cảnh sát đã bắt giữ, buộc bà Karen Bailey (55 tuổi) phải ra hầu tòa sau khi đoạn clip quay toàn bộ cảnh người phụ nữ này gây hấn với một người đàn ông gốc Á lan truyền trên mạng.

Chỉ trong ngày đầu tiên đăng tải, có đến hàng trăm ngàn người xem. Ủy viên Ban chống phân biệt chủng tộc ở Úc Tim Soutphommasane khi ấy nói rằng không thể nào dung thứ cho những lời nói ấu trĩ thể hiện thái độ bài ngoại. Ông khuyên những ai bị đối xử phân biệt hoặc bị công kích bằng lời lẽ gay gắt phải lên tiếng bảo vệ chính mình trước cơ quan công quyền.

Năm ngoái, một biên tập viên của New York Times khi đang đi dạo ở khu Manhattan cùng gia đình mình cũng bị một phụ nữ Mỹ hét thẳng vào mặt: “Hãy về Trung Quốc! Về với quê hương của anh đi!”. Câu chuyện này đã tạo nên làn sóng chia sẻ từ cộng đồng người Mỹ gốc Á, họ không ngại kể lại trải nghiệm là nạn nhân của bài ngoại trên các trang mạng xã hội.

Mỹ từng là điểm đến mơ ước của rất nhiều người, đặc biệt là những trí thức trẻ Ấn Độ. Tuy nhiên, ước mơ này đã suy suyễn ít nhiều từ sau vụ một cựu binh Mỹ xả súng vô cớ, giết chết hai kỹ sư phần mềm Ấn Độ tại một quán bar vào tháng Hai vừa qua. Vụ việc xảy ra ở Kansas và cựu binh Mỹ trong lúc không giữ được bình tĩnh đã lớn tiếng đòi đuổi hai thanh niên Ấn Độ về nước với lời lẽ miệt thị, khích bác.

Cái chết của hai kỹ sư Ấn Độ đã bao phủ bóng đen lên viễn cảnh tưởng chừng rất tươi đẹp của nhiều người trẻ Ấn Độ. Anh Anupam Singh, người từng có kế hoạch đến Mỹ học tiến sĩ phải suy nghĩ lại. Anh nói: “Chưa bao giờ tôi lo lắng như lúc này vì những điều rủi ro có thể xảy ra ở bất cứ đâu.

Làn sóng bài ngoại đang quay lại và trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết”. Sau vụ việc này, hầu hết sinh viên người Ấn học ở Mỹ đều nói rằng họ bắt đầu lung lay về quyết định có nên tiếp tục học tập và làm việc ở Mỹ trong tương lai hay không.

Trang web Dictionary.com từng chọn “xenophobia” (chứng bài ngoại) là “từ của năm 2016” do độ phổ biến của nó trong các bài báo trên hàng loạt phương tiện truyền thông đại chúng. Kết quả bình chọn này phản ánh phần nào mối lo của người dân thế giới, đồng thời thách thức niềm tin của cộng đồng. Những gì xảy ra trong năm 2016 vẫn đang tồn tại, tiếp diễn và bài ngoại không khu trú ở một hay một vài quốc gia mà đã trở thành một xu hướng trỗi dậy trong lòng xã hội đầy rẫy bất an.

Mới đây, Bộ Nội vụ Liên bang Đức công bố, năm 2016, có 3.533 vụ tấn công nhắm vào người tị nạn ở nước này, làm 560 người tị nạn bị thương, trong đó có 43 trẻ em.

Hiện tại, Đức vẫn đang vật lộn với việc giải quyết đơn xin tị nạn của hàng trăm nghìn người, trong bối cảnh các nguy cơ về an ninh và tấn công khủng bố ở mức rất cao. Các vụ tấn công nhằm vào người tị nạn đặt ra một câu hỏi lớn là liệu Đức có đủ khả năng bảo đảm an toàn cho người tị nạn hay không.

Đầu tháng 2/2017, một công dân Đức đã bị kết án tám năm tù do phóng hỏa đốt một khu nhà thể thao được dùng làm nơi trú tạm cho người tị nạn. Năm ngoái, hàng chục người reo hò cổ vũ khi một nơi trú ngụ của người tị nạn bị đốt cháy tan hoang ở thành phố Bautzen miền Đông nước Đức, vào tháng 2/2016. Hình ảnh, tin tức đăng tải trên các trang tin khiến không ít người nhói lòng. Giữa cơn cuồng nộ của những người dân bản xứ là tương lai u ám bủa vây dân tị nạn vô tội.

Ngay sau thời điểm Anh có kết quả trưng cầu dân ý về việc đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Anh lúc bấy giờ, ông David Cameron đã ngậm ngùi chỉ ra con số 57% là tỷ lệ gia tăng số vụ tấn công bài ngoại trên khắp đất nước so với cùng kỳ năm trước. Thời điểm ấy, liên tục có những trường hợp trẻ em Ba Lan cùng trẻ em ở nhiều quốc gia khác cho biết mình bị bạn cùng trường hoặc thậm chí là người bản địa đe nạt, đòi “tống cổ” về nước.

Năm 2016 còn chứng kiến chiến thắng của ứng cử viên Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Hệ lụy không ai mong muốn là không ít trường hợp phụ nữ, trẻ em nước ngoài sống ở Mỹ chứng kiến những dòng chữ hù dọa ở những nơi họ đi qua.

Năm nay, nước Pháp chờ đợi cuộc bầu cử tổng thống với vòng đầu tiên diễn ra vào tháng Tư tới. Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN) Marine Le Pen được dự đoán sẽ dẫn đầu trong vòng bầu cử này. Bà nổi tiếng với câu tuyên bố cho chiến dịch tranh cử: “Nước Pháp trên hết”, cam kết mạnh tay với người tị nạn.

Không phải bà Le Pen hay cuộc bầu cử ở Mỹ, cũng không phải cuộc trưng cầu dân ý Brexit ở Anh gây nên làn sóng bài ngoại mà chính sự bất ổn trong lòng xã hội đã buộc không ít người dân quay lưng với giá trị nhân văn và chọn bài ngoại. Chưa bao giờ thế giới cần hàn gắn như lúc này, để bất cứ công dân nào cũng có quyền được trở thành công dân quốc tế đúng nghĩa ở bất cứ đâu.

Thiên Như  (Theo Shanghaiist, SCMP, DW, Guardian) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI