Lớp Một của bé chưa biết chữ

21/09/2020 - 08:04

PNO - Tôi nghĩ, khó khăn của con khi vào lớp Một đến từ sự thay đổi môi trường, thay đổi tư duy trực quan sinh động sang tư duy trừu tượng, thay đổi quan hệ giao tiếp với thầy cô và bạn bè, chứ không phải khó khăn ở việc đọc - viết.

Một tuần trước khi bắt đầu năm học mới, cô bé “tân sinh viên đại học chữ to” nhà tôi thú nhận: “Mẹ ơi, con thật sự rất lo lắng. Các bạn con đều đã biết đọc biết viết cả rồi, còn con thì chỉ mới biết a bờ cờ. Liệu con phải làm gì khi đến lớp hả mẹ?”.

những kiến thức mà con thu nạp mỗi ngày - vì chưa từng được học qua - sẽ luôn là những điều khiến con phải háo hức để được khám phá.
Trẻ khám phá từng con chữ trong sự thích thú 

Tôi trả lời: “Mỗi ngày đến trường là một niềm vui. Niềm vui đó là gì thì con sẽ phải tự khám phá và kể lại cho mẹ biết”. Câu trấn an đó của tôi không khiến con bé yên tâm hơn. Con mang cả sự hồi hộp, lo lắng, nghi ngại vào tận cửa lớp.

Những ngày đầu tiên đi học nhiều bỡ ngỡ cũng trôi qua, cùng với việc tìm hiểu môi trường mới, cô giáo mới, bạn bè mới. Những thói quen sinh hoạt khác hẳn môi trường mầm non cũng khiến con bé cảm thấy hết sức thú vị. Niềm vui của con là mỗi ngày kể cho mẹ nghe một khám phá mới. 

“Mẹ biết không, trường-lớp-Một thật kỳ lạ. Ở đó, có một cái trống thật to, và lần đầu tiên nghe tiếng trống, con còn nghĩ rằng tụi con sắp được xem múa lân”.

“Con được xuống sân chơi hai lần trong một ngày. Con chơi với các bạn dưới sân trường rất vui”.

“Ở trường-lớp-Một, tụi con tự giác đi vệ sinh và uống nước khi có nhu cầu, cô giáo không phải nhắc nhở”.

Mỗi ngày ở trường luôn là những điều mới mẻ để trẻ khám phá
Mỗi ngày ở trường luôn là những điều mới mẻ để trẻ khám phá

Đó là tất cả những điều con chưa từng trải nghiệm ở trường mầm non. Vì vậy, con bé thực sự thích thú. Cho đến khi sự bỡ ngỡ đó qua đi, thì sự mới mẻ chắc chắn vẫn còn tiếp diễn. Bởi những kiến thức mà con thu nạp mỗi ngày - vì chưa từng được học qua - sẽ luôn là những điều khiến con phải háo hức để được khám phá. 

Tôi nghĩ, khó khăn của con khi vào lớp Một đến từ sự thay đổi môi trường (mầm non sang tiểu học), thay đổi tư duy trực quan sinh động (hình ảnh ở bậc mầm non) sang tư duy trừu tượng (con số, phép toán ở bậc tiểu học), thay đổi quan hệ giao tiếp với thầy cô và bạn bè, chứ không phải khó khăn ở việc đọc - viết. 

Vì rõ ràng là sau gần một tháng làm quen với chữ cái, con đã có những phát hiện vui vẻ về những điều đang học: “Mẹ ơi, cô dạy con chữ o giống quả trứng gà. Còn chữ b, con thấy giống một người đàn bà đang có em bé trong bụng”. Khi ráp được chữ b và chữ a, con phấn khích reo lên: “Không ngờ, chữ “ba” lại đơn giản thế, không biết chữ “mẹ” sẽ thế nào mẹ nhỉ?”. Tôi bảo: “Ừ, thì mình cứ chờ xem!”. 

Và con bé đến trường mỗi ngày cùng với sự nôn nao rồi sẽ đến một lúc nào đó, con có thể nắn nót được chữ “mẹ”. Không chỉ thế, còn cả một xấp truyện tranh với những con chữ nhảy múa đang chờ con nhận ra nó, ở những ngày chập chững bước vào con đường học vấn hết sức sôi động này. 

Trà Nguyên An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI