Nguy cơ “vỡ trận” sĩ số lớp Một theo chương trình mới

28/06/2020 - 13:30

PNO - Chỉ còn vài tháng nữa chương trình mới sẽ được áp dụng cho học sinh lớp Một. Tuy nhiên, bài toán về sĩ số lớp và yêu cầu học hai buổi/ngày trở nên nan giải với một số địa bàn áp lực về tăng dân số.

TP.HCM đã ban hành kế hoạch tuyển sinh đầu cấp năm học 2020-2021. Trong đó, đối với tuyển sinh lớp Một, cố gắng đạt sĩ số 35 học sinh (HS)/lớp (theo Điều lệ trường tiểu học) bên cạnh việc đáp ứng 100% HS được học hai buổi/ngày. Tuy nhiên, dựa trên tình hình thực tế của các quận, huyện hiện nay, rất khó để thực hiện kế hoạch trên.

Chưa đạt được 100% học sinh lớp Một học hai buổi/ngày

Là một trong những địa bàn có dân nhập cư đông, trong khi trường lớp xây dựng không kịp, trong năm học sắp tới, Q.12 chưa thể thực hiện các điều kiện về sĩ số lớp và thời lượng học hai buổi/ngày đối với lớp Một. Theo ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Q.12, hiện nay, trong số 22 trường tiểu học công lập trên địa bàn, chỉ có hai trường đạt được sĩ số 35 HS/lớp. Đó là Trường tiểu học Nguyễn Khuyến (trường chuẩn quốc gia) và Trường tiểu học Võ Thị Sáu (trường theo mô hình tiên tiến). Còn lại, các trường khác hiện có sĩ số trung bình 45 HS/lớp.

Học sinh lớp Một năm sau luôn tăng hơn năm trước - Ảnh: Gia Tuệ
Học sinh lớp Một năm sau luôn tăng hơn năm trước - Ảnh: Gia Tuệ

“Theo dự báo của chúng tôi, năm học tới, chỉ có khoảng 60% HS lớp Một được học hai buổi/ngày. Hiện nay, quận vẫn đang cố gắng xây dựng lộ trình để trong thời gian tới, phấn đấu 100% HS được học hai buổi/ngày. Riêng việc cố gắng đạt 100% lớp học có sĩ số chuẩn theo Điều lệ trường tiểu học là nhiệm vụ khó khăn, bởi dân nhập cư hằng năm tăng mấy ngàn, trong khi đó, dự báo dân số cũng chỉ mang tính tương đối nên trường lớp khó theo kịp”, ông Hùng nói.

Khó khăn trên cũng tương tự đối với Q.Bình Tân. Theo số liệu của Phòng GD-ĐT Q.Bình Tân, thời điểm 5 năm trước, toàn quận có khoảng 80.000 HS ở tất cả các cấp học nhưng hiện nay đã tăng lên khoảng 115.000 HS. Như vậy, tính ra, tốc độ tăng dân số cơ học hằng năm trung bình là 5.000-6.000 HS, tương ứng với lượng HS ở 5-6 trường học. Hiện tại, trong số 22 trường tiểu học công lập thì Q.Bình Tân chỉ có duy nhất Trường tiểu học An Lạc 3 đạt được sĩ số 35 HS/lớp (trường theo mô hình tiên tiến hiện đại). Các trường còn lại có sĩ số trung bình là 42,3 HS/lớp.

Trong lộ trình lâu dài, cán bộ quản lý Phòng GD-ĐT Q.Bình Tân cho biết: “Chúng tôi vẫn có quy hoạch của ngành nhưng báo cáo dự án hiện nay, nguồn vốn của thành phố phân về cho các quận không đủ vì dự án đất công dường như đã cạn. Trong khi đó, nếu không giải quyết được số trường tăng hằng năm thì không thể nào giải quyết được vấn đề HS được học hai buổi/ngày”.

H.Bình Chánh cũng là một trong những điểm nóng về tăng dân số cơ học. Hai xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B có số HS rất đông nên chỉ tổ chức dạy học một buổi/ngày. Phương án huyện kiến nghị là xây thêm trường, nếu không được thì trước mắt sẽ cố gắng dạy cuốn chiếu cho học sinh lớp Một học hai buổi/ngày, các khối lớp còn lại học một buổi/ngày. 

Lo sốt vó khi triển khai chương trình mới

Với những quận trung tâm, điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn và cái gánh “nhập cư” tương đối nhẹ hơn, tình hình có vẻ khả quan nhưng vẫn chưa thể đáp ứng 100% yêu cầu về sĩ số. Theo thông tin từ Phòng GD-ĐT Q.10, hiện nay khối tiểu học có tất cả 17 trường công lập thì còn ba trường có sĩ số vượt quá 35 HS/lớp, nhưng cũng không quá 40 HS/lớp. Phòng đang cố gắng thực hiện nhiều phương án để giãn sĩ số, nhưng cốt lõi là tăng phòng học bằng cách cơi nới diện tích sử dụng tại các trường để kịp sử dụng cho năm học tới; đồng thời phương án dài hơi là xây dựng trường học mới.

Cô Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), cho biết: “Đối với các trường tại Q.1, sĩ số lớp học vượt 35 HS chỉ còn ở vài trường, bởi quận đã có bước chuẩn bị khá dài hơi. Ví dụ, tại Trường tiểu học Nguyễn Thái Học, sĩ số trung bình mỗi lớp trong năm qua chỉ khoảng 30 HS. Còn tại Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, những năm trước, sĩ số lớp trung bình 47-48 HS, nhưng năm vừa rồi đã giảm còn 41-42 HS”.

Theo thầy Võ Cao Thi, Trường tiểu học Hậu Mỹ Trinh (H.Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), với phương pháp dạy học và đánh giá chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận năng lực, sĩ số lớp lý tưởng nhất là 30 HS. “Tuy nhiên, so với điều kiện chung hiện nay, chúng ta chấp nhận sĩ số từ 35 trở lại, bởi không nhiều nơi đạt được sĩ số đó. Trường tôi thuộc vùng sâu, các khối lớp hiện tại trung bình từ 34-35 HS. Nhưng ra đến thị trấn thì mỗi lớp từ 40-45 HS trở lên”, thầy Thi cho biết.

Với kinh nghiệm nhiều năm áp dụng mô hình học tập theo nhóm để phát huy tính tự học, khả năng tự quản lý cho lớp gần 40 HS, theo cô L.T.N., Trường tiểu học Phú Thủy (TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận): “Lớp có sĩ số 40 HS phải chia ra ít nhất sáu nhóm. Trong khi diện tích phòng học hiện tại không đủ để thiết kế học nhóm. Lớp quá đông, giáo viên không quản lý hết khiến hiệu quả bài giảng rất thấp. Cuối cùng, tôi phải chọn cách trở về với mô hình học tập truyền thống”.

“Chương trình mới được xây dựng hướng đến lớp học 35 HS và thời lượng hai buổi/ngày. Trong khi thực tế, chúng ta không thể đáp ứng được. Do đó, khó tránh những khó khăn khi triển khai chương trình mới”, vị cán bộ quản lý Phòng GD-ĐT Q.Bình Tân lo lắng. 

Lo thiếu phòng học, thiếu cả giáo viên

Trong báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM gửi UBND TP.HCM về những khó khăn, thuận lợi khi triển khai chương trình mới năm học 2020-2021, tỷ lệ HS tiểu học được học hai buổi/ngày ở thành phố hiện chỉ có 73%; tỷ lệ phòng học trung bình là 0,95. Trong khi đó, để tổ chức dạy hai buổi/ngày, tỷ lệ phòng học phải đạt một lớp/phòng. Nguyên nhân của việc chưa đáp ứng số phòng học như quy định là tỷ lệ tăng dân số cơ học đột biến. Số phòng học của HS lớp Năm sẽ ra trường vào cuối năm học 2019-2020 ở TP.HCM hiện là 3.107, nhưng số phòng học dự kiến cho HS lớp Một năm học 2020-2021 là 3.550 phòng. Như vậy, thành phố thiếu 443 phòng học mới đáp ứng được quy định 100% HS lớp Một học hai buổi/ngày. 

Đó là chưa kể, hiện tỷ lệ giáo viên tiểu học/lớp của TP.HCM cũng chưa đáp ứng đủ để tổ chức dạy đủ các môn học và dạy hai buổi/ngày. Khi thực hiện dạy học hai buổi/ngày, dự kiến số giáo viên sẽ tăng, đảm bảo ít nhất một giáo viên dạy nhiều môn/lớp, nhưng tỷ lệ giáo viên tiểu học/lớp hiện nay là 1,3, chưa đáp ứng đủ để tổ chức các môn học khi yêu cầu tỷ lệ này phải đạt 1,5. Ví dụ trường có 20 lớp thì phải cần 30 giáo viên mới đảm bảo dạy và học hai buổi/ngày. Các trường cũng cho rằng, nhiều khả năng thiếu giáo viên bộ môn âm nhạc, mỹ thuật, thể dục, tiếng Anh, tin học và công nghệ có thể xảy ra cục bộ ở một số trường khi triển khai chương trình mới.

Gia Tuệ

Thu Lê

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI