Yêu cầu học sinh lớp Một học hai buổi: Quá lý tưởng dẫn đến khó khăn

24/08/2020 - 07:03

PNO - Phải kéo căng sĩ số lớp để đủ chỗ nhận hết trẻ trên địa bàn vào lớp Một đang là khó khăn của các cơ sở giáo dục ở TPHCM khi cố gắng đáp ứng tiêu chí của chương trình phổ thông mới.


Sắp đến khai giảng, con vẫn chưa được nhận vào lớp Một

Vì không có hộ khẩu, KT3 không đủ từ một năm trở lên nên hơn 1.000 trẻ chuẩn bị vào lớp Một ở Q.12 không được phân vào các trường, nguy cơ không có chỗ học trong khi ngày khai giảng cận kề.

Chị Nguyễn Thị L., từ tỉnh Nam Định vào thuê trọ tại P.Tân Chánh Hiệp, Q.12 để buôn bán từ tháng 4/2019. Đến tháng 12/2019, chị mua nhà cùng khu phố 9, nhưng chỉ khác tổ. Chị lấy giấy tờ nhà đi làm tạm trú KT3, nhưng do vướng nghỉ Tết và dịch COVID-19, nên phường nói phải đến tháng 4/2020 mới ra sổ tạm trú cho chị. Trong quá trình đó, tổ trưởng dân phố nơi chị cư trú có đến từng nhà, cập nhật danh sách trẻ có độ tuổi vào lớp Một năm học tới. Cuối tháng 6/2020, tổ dân phố có phát mã số để chị đăng ký nhập học trực tuyến lớp Một cho con.

Để nhận hết trẻ trên địa bàn vào lớp Một, nhiều địa phương không đáp ứng được tiêu chí 100% học sinh được học hai buổi/ngày của chương trình mới
Để nhận hết trẻ trên địa bàn vào lớp Một, nhiều địa phương không đáp ứng được tiêu chí 100% học sinh được học hai buổi/ngày của chương trình mới

Theo giấy báo khi chị đăng nhập trực tuyến trên mạng, con của chị cần nộp hồ sơ vào Trường tiểu học Trần Quang Cơ. Tuy nhiên, khi chị đến nộp hồ sơ thì nhận được thông báo chỉ nhận học sinh (HS) có hộ khẩu, không nhận các trường hợp tạm trú KT3. Những trường hợp này cần lên phường xin cập nhật lại mã số, để xin chuyển qua học tại Trường tiểu học Nguyễn Du. Sau đó, chị lên phường hỏi lại vấn đề này, thì được trả lời rằng chỉ cấp lại mã số cho những trường hợp có KT3 từ một năm trở lên, còn dưới một năm thì cần chờ đến ngày 1/8 sẽ có kết quả và cho đến nay vẫn chưa được nơi nào nhận. 

Tương tự, hàng trăm phụ huynh chưa có KT3 hoặc KT3 không đủ thời hạn một năm của P.Đông Hưng Thuận, P.Tân Thới Nhất… cũng rơi vào cảnh con chưa có trường nào nhận. Cũng có con không được nhận vào trường công lập, chị Nguyễn Ngọc Ch. (tỉnh Bạc Liêu), cho biết đến nay, khi các trường đã hoàn thành việc tuyển sinh, con chị vẫn không có tên trong danh sách ở bất kỳ trường nào.

Theo ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Q.12, địa phương này không thể nào giải quyết hết nhu cầu của phụ huynh gửi con vào học lớp Một trường công lập. Theo tính toán, Q.12 có khoảng 1.700 trẻ thuộc diện KT3, nhưng chưa đủ điều kiện tuyển sinh, chưa kể số trẻ thuộc diện tạm trú và một số trường hợp khác. 

Quận tiếp nhận học sinh (HS) lớp Một theo thứ tự ưu tiên, chứ nhận hết thì không thể nào đủ chỗ để dạy theo yêu cầu của chương trình mới (2 buổi/ngày). Đợt 1, quận đã nhận hơn 7.000 HS vào 22 trường tiểu học công lập, quy mô 45 HS/lớp, chủ yếu là HS có hộ khẩu thường trú và KT3 trước ngày 31/7/2019. Hiện quận đã chỉ đạo nâng sĩ số lên đến 50 HS/lớp, nên khả năng là sẽ tiếp nhận thêm khoảng 716 HS nữa. Quận sẽ tiếp tục nhận theo thứ tự ưu tiên: HS thuộc diện hộ nghèo có mã số, gia đình chính sách, mồ côi, cha mẹ có nhà ở ổn định tại Q.12, có anh chị học ở các lớp trên tại trường công lập và có sổ tạm trú… “Số còn lại mong phụ huynh thông cảm cho con qua học ở các trường ngoài công lập. Quận vẫn đảm bảo đủ chỗ học nhưng đó là cả trường công lập và ngoài công lập”, ông Hùng cho biết.

Theo một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, trước mắt sở sẽ làm việc với UBND Q.12 tìm mọi cách giải quyết, tháo gỡ vấn đề để tất cả trẻ trên địa bàn này được vào lớp Một. Chủ trương của thành phố là không để HS nào đến ngày khai giảng vẫn chưa có chỗ học. Hiện có hai giải pháp có thể cân nhắc: giảm số lớp hai buổi/ngày ở lớp Một và các khối lớp khác để tận dụng phòng học tiếp nhận tối đa số HS còn lại; tiếp tục tăng sĩ số lớp (dù quận vừa tăng sĩ số trung bình từ 48 em/lớp lên 50 em/lớp đã bổ sung 716 em). 

Chờ “gỡ rối” ở tầm vĩ mô

Không riêng Q.12, khó khăn về cơ sở vật chất dẫn đến không đảm bảo 100% HS được học hai buổi/ngày luôn là thách thức với các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội... Hà Nội từng có trường công lập sĩ số lên đến hơn 60 HS/lớp. TP.HCM có 70% HS tiểu học được học hai buổi/ngày nhưng tại một số quận, huyện như 12, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh… tỷ lệ này chưa đến 50%. Trong khi đó, đòi hỏi của chương trình mới áp dụng từ năm học 2020-2021, sĩ số lớp phải lý tưởng và HS phải được học hai buổi/ngày. Năm học 2020-2021, dự kiến TP.HCM tăng gần 55.000 HS, trong đó, bậc tiểu học tăng khoảng 9.000. HS tăng nhiều tập trung tại một số quận, huyện: 9, 12, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn…

Qua khảo sát hồi tháng 7/2020, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, nêu một số quận, huyện sẽ gặp khó khăn khi tỷ lệ học hai buổi còn hạn chế. Như Tân Phú chỉ có 13% HS lớp Một năm học này được học hai 
buổi/ngày. Toàn quận chỉ có một trường được học hai buổi 100%. Nếu đòi hỏi nữa cũng khó vì phải ưu tiên cho tất cả học sinh có chỗ học…

Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Tân, cho biết: "Trước năm học, quận thống kê sẽ đón 12.345 trẻ vào lớp Một nhưng hiện giờ chưa nhập học đủ, có thể do trẻ theo cha mẹ về quê vì ảnh hưởng của COVID-19 nên vẫn còn chỗ, đảm bảo nhận 100% trẻ trên địa bàn". 

Theo ông Tuyên, để đạt được con số trên, quận tiến hành cải tạo để sử dụng các phòng chức năng, đồng thời dồn các khối trên có sĩ số thưa lại để chừa chỗ cho lớp Một. Tuy nhiên, tỷ lệ HS lớp Một được học hai buổi/ngày khoảng 60%. Bởi, ưu tiên hàng đầu phải là đủ chỗ học cho trẻ, chuyện còn lại phải báo cáo, muốn đảm bảo 100% HS lớp Một được học hai buổi đủ điều kiện thực hiện chương trình mới phải chờ gỡ rối ở tầm vĩ mô hơn.

Đã quen với áp lực tăng dân số cơ học hằng năm nên Phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp ưu tiên đáp ứng đủ chỗ học rồi sau đó mới tính đến chuyện bán trú. Quận cũng buộc phải tạm ngưng thực hiện trường chuẩn quốc gia ở Trường tiểu học Lê Quý Đôn vì sĩ số quá đông, khó có thể đáp ứng được 35 HS/lớp. Để bảo đảm 100% HS ở Q.Gò Vấp được học hai buổi/ngày là rất khó.

“Tôi cho rằng cần có phương án riêng cho các địa phương như TP.HCM, Hà Nội. Có thể xem xét triển khai theo hướng học 6-8 buổi/tuần, chứ 10 buổi thì quá lý tưởng, khó khả thi cho các đô thị lớn chịu áp lực tăng dân số cơ học”, ông Tuyên đề xuất. 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI