Loạn dịch vụ tầm soát ung thư

27/03/2013 - 16:38

PNO - PN - Đánh vào tâm lý ám ảnh “ung thư” của nhiều người nên các cơ sở khám bệnh tư nhân đang nở rộ dịch vụ tầm soát ung thư. Do không có bác sĩ chuyên khoa nên kết quả chẩn đoán của các dịch vụ này cứ mơ mơ, hồ hồ; có thành...

Chẩn đoán như đùa

Chị Bùi Tâm hối hả khăn gói bắt xe từ tỉnh Phú Thọ lên Bệnh viện (BV) Phụ sản Hà Nội để kiểm tra ung thư cổ tử cung (UTCTC) ngay sau khi được phán có xơ và dấu hiệu UT. Sau khi xét nghiệm, chị nhận được kết luận: “CTC không có xơ, các dấu hiệu thay đổi là do nội tiết tố của quá trình sắp mãn kinh”. Tuy nhiên, chị vẫn chưa hết lo âu.

Theo chị Tâm, tháng trước có đoàn khám chữa bệnh của phòng khám trên Hà Nội về kết hợp với trạm y tế xã khám bệnh cho chị em. Chẳng mấy khi có đoàn bác sĩ ở Hà Nội về, lại có thông tin “khám sàng lọc UT” nên chị em trong xã Bảo Yên (huyện Thanh Thủy - tỉnh Phú Thọ) rủ nhau đi đăng ký. Nào là xét nghiệm máu, siêu âm, điện não đồ, nội soi… cũng mất tới gần triệu bạc. Khổ nhất là hầu như chị em nào đi khám cũng nhận được giấy hẹn kiểu như: “Có dấu hiệu xơ, có hình ảnh khối u mờ, cần lên phòng khám trên Hà Nội kiểm tra lại”. “Chị em lo lắng lắm nhưng không có điều kiện lên Hà Nội khám nên đành chịu. Tôi thì lo bị UT nên đành tốn tiền đi khám lại cho chắc chắn. May là kết quả bình thường” - chị Tâm chia sẻ.

Loan dich vu tam soat ung thu

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Alobacsi.vn

Trước tấm biển “khám vú” ở BV K, nhiều gương mặt lo lắng vì nhận kết quả xét nghiệm sinh thiết tế bào K (UT). Chị Mỹ Anh (phố Bạch Mai - Hà Nội) kể, cơ quan chị đăng ký khám sức khỏe định kỳ ở một BV tư nhân có tiếng ở Hà Nội, chị đi khám ba năm nay lúc nào kết quả cũng tốt, vậy mà giờ lại phát hiện K vú. Theo chị Mỹ Anh, nhận kết quả từ BV K chị không tin nên đến Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (BV Bạch Mai) khám, xét nghiệm và sinh thiết lần nữa, kết quả vẫn bị K vú.

“Ở BV tư nhân, lần nào đi kiểm tra vú cũng có chụp tuyến vú, sau đó chỉ thấy bác sĩ đọc kết quả mà chưa lần nào khám bằng tay. Đọc trên internet thấy họ bảo có thể tự khám bằng tay tôi dùng tay sờ thử, thấy gợn gợn nên mới quyết định đi khám tại BV K” - chị Mỹ Anh nói.

Cần bác sĩ chuyên khoa

Theo GS-TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc BV K, Phó Chủ tịch Hội Phòng chống UT Việt Nam, các BV, phòng khám, trung tâm tư nhân thường có xu hướng chạy theo thị trường, kết quả chưa thực sự chuẩn xác. “Vấn đề UT hiện nổi lên như một bệnh phổ biến làm người dân lo lắng nên các phòng khám, BV tư nhân thi nhau mở dịch vụ tầm soát UT để đáp ứng nhu cầu tâm lý đó, đặc biệt là khi các BV công lập có chuyên khoa UT lại đang quá tải” - GS-TS Bá Đức chia sẻ.

Cũng theo GS-TS Bá Đức, chẩn đoán UT không phải chỉ dựa vào hệ thống thiết bị hiện đại mà còn phải dựa vào trình độ, kinh nghiệm của bác sĩ chuyên khoa UT. Ví dụ, để tầm soát UT chính xác, phải dựa vào các kết quả như lâm sàng, chụp, xét nghiệm, giải phẫu bệnh, xét nghiệm tế bào. Các phòng khám hay BV tư nhân nếu muốn tầm soát UT chính xác cần có nhóm bác sĩ chuyên khoa để có thể đọc được các kết quả này một cách chính xác. “Chẩn đoán UT phải dựa phần nhiều vào trình độ và kinh nghiệm của các bác sĩ chuyên môn. Chẩn đoán UT hay bị nhầm lẫn nếu thiếu kinh nghiệm” - GS-TS Bá Đức nói.

Khi được hỏi thiết bị nào có thể xác định chính xác UT vú hay CTC, PGS-TS Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (BV Bạch Mai) cho biết, cần có một số máy chuyên dụng như máy chụp X-quang tuyến vú, máy siêu âm nhưng quan trọng là người đọc kết quả và người sử dụng máy chụp có kinh nghiệm. “Việc chẩn đoán chính xác bệnh cần dựa vào nhiều yếu tố trong đó chẩn đoán mô bệnh học là tiêu chuẩn vàng, nhưng để hướng đến chẩn đoán này thì cần thăm khám lâm sàng kỹ và làm một số xét nghiệm. Mỗi xét nghiệm có một ý nghĩa riêng và không phải chỉ cần trang thiết bị hiện đại là có thể chẩn đoán chính xác UT vú và tử cung, mà cần phải kết hợp yếu tố “con người” - PGS-TS Khoa nói.

Hiện các chương trình tầm soát UT sớm đang được thực hiện tại các BV có uy tín như: Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (BV Bạch Mai); BV Ung Bướu Hà Nội, BV K, BV Phụ sản T.Ư, BV Phụ sản Hà Nội, BV Ung Bướu TP.HCM… Giá chẩn đoán, xét nghiệm UT vú khoảng 150.000 - 200.000đ; xét nghiệm máu chẩn đoán nhanh UTCTC giá 120.000đ; sử dụng công nghệ xét nghiệm pap smear giá 250.000đ.

Về các trường hợp chẩn đoán sai kết quả UT, theo PGS-TS Khoa là do nhiều yếu tố khách quan, nhiều khi mới sờ thấy khối u đã khẳng định là UT, trong khi khối u đó hoàn toàn lành tính. Hoặc, do khi thăm khám bỏ sót tổn thương, nên cần có bác sĩ chuyên khoa khám và đọc kết quả xét nghiệm.

“Những phụ nữ trên 40 tuổi nên đi khám định kỳ sáu tháng - một năm/lần hoặc ngay khi thấy có bất thường. Những người có nguy cơ cao nên đi khám thường xuyên (sáu tháng/lần): tùy từng bệnh khác nhau và có các yếu tố khác nhau, tuy nhiên những gia đình có người bị bệnh UT, những người quan hệ tình dục nhiều với nhiều bạn tình, những người không lập gia đình, không có con, không cho con bú thì nên khám định kỳ” - PGS-TS Khoa khuyến cáo.

BS Ngô Thị Thanh Thủy, BV Ung Bướu TP.HCM tư vấn, hiện nay, việc tầm soát bệnh UT có đến hàng trăm phương pháp. Riêng về kỹ thuật xét nghiệm máu tìm các dấu ấn sinh học như: tìm nồng độ Carcinoembryonic (CEA) có trong máu... chỉ mang tính tham khảo, gợi ý chứ không phải là yếu tố tiên quyết. Một bệnh nhân sau khi xét nghiệm nếu nhận được chỉ số CEA tăng có khi là biểu hiện của bệnh UT, nhưng nhiều khi chỉ là những bệnh lành tính thông thường như: viêm nhiễm đường ruột, viêm tuyến tụy, viêm gan, rối loạn chức năng gan, bệnh đường mật, bệnh nhược giáp... Thậm chí, người thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc lá thì kết quả xét nghiệm CEA cũng vượt ngưỡng cho phép.

Ngược lại, kết quả CEA trong máu không vượt ngưỡng cho phép thì chưa chắc bệnh nhân đó không mắc UT. Vì CEA chỉ liên quan đến một số loại UT nhất định như: UT vú, UT phổi, UT tụy, đại trực tràng, tuyến giáp dạng tủy, dạ dày.

Với những trường hợp nhận được kết quả CEA tăng, người bệnh không nên hoang mang, suy sụp tinh thần. Tốt nhất, người bệnh nên tiếp tục nhờ bác sĩ chuyên về ung bướu tư vấn, tầm soát bệnh như: thói quen sinh hoạt, công việc hàng ngày, yếu tố gia đình... để “khoanh vùng” cụ thể hơn về loại UT ở bộ phận nào. Từ đó, bác sĩ sẽ chỉ định đúng loại kỹ thuật mà người bệnh cần thực hiện cho những bước tiếp theo như: với UT đại trực tràng sẽ cho nội soi, nếu thấy tổn thương thì cho sinh thiết bệnh phẩm; còn nếu nghi ngờ UT vú sẽ thực hiện siêu âm, chụp X-quang nhũ ảnh.

Trúc Khuê - Trường Sa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI