Lo ngại làn sóng cuồng thuốc, vắc xin... bổ phổi "chặn" COVID-19

17/03/2022 - 06:12

PNO - Không ít người mang tâm lý hễ ai mách gì có công dụng tốt cho phổi là lập tức mua uống. Chưa bệnh cũng uống vì cho rằng có thể “chặn” các triệu chứng trở nặng nếu lỡ thành F0. Không chỉ thuốc bổ phổi, nhiều gia đình còn đổ xô tiêm các loại vắc-xin cúm, bạch hầu - ho gà - uốn ván, phế cầu vì cho rằng phổi sẽ được bảo vệ trước COVID-19.

Uống, chích để ngừa… COVID-19

Chị Đ.H.T., 37 tuổi, ngụ tại TP.Thủ Đức, chia sẻ lớp của cậu con trai mười tuổi có vài bạn F0 nên tất cả đã được chuyển sang học online. Tuy kết quả test nhanh của con vẫn âm tính nhưng chị quyết định phải tìm thuốc bổ phổi cho cả nhà uống “chặn” trước. Chị T. hỏi han bạn bè thì được giới thiệu các loại thảo dược hỗ trợ phổi dạng gói và viên xách tay từ Úc, Nhật. Thậm chí, có người còn nhiệt tình san sẻ thuốc nhà mình đang uống cho chị T. Khi được hỏi thành phần, cách sử dụng, liều lượng và hiệu quả, bạn chị T. đều nói rằng: “Thảo dược chứ không phải thuốc tây nên lành lắm, người lớn, trẻ em đều dùng được. Uống trước khi bệnh cũng không sao, nhà tôi cũng uống rồi”. 

Không chỉ thảo dược dạng viên mà cả thuốc si-rô cũng đang trở thành trào lưu uống ngừa COVID-19 của các bà mẹ. Các chị đơn giản nghĩ rằng chưa mắc COVID-19 nhưng mỗi người cứ uống trước một chai cho chắc. Câu hỏi thăm nhau trong thời dịch bệnh này khi nghe ai đó F0 là: “đã uống thuốc gì chưa”. Chị N.T.Q., phụ huynh học sinh bậc tiểu học tại Q.Tân Bình, chia sẻ: “Chỉ uống vitamin C và hạ sốt, súc miệng nước muối thì chưa đủ đâu. Mắc COVID-19 thì phải dùng mấy loại thuốc ngoại xách tay”. Thế rồi, chị Q. tự tin khoe nhà mình có người thân ở Đài Loan gửi về cho thuốc bổ phổi làm từ thảo dược. Nhờ uống thuốc đó mà cả nhà chị F1 tới ba lần đều không chuyển thành F0.

Mấy ngày nay, nhiều gia đình đang kéo nhau đi tiêm vắc xin cúm, bạch hầu - ho gà - uống ván và phế cầu. Chị Đ.T.T., 35 tuổi, ngụ tại H.Nhà Bè, cho biết hai con mình đều chưa tới tuổi tiêm vắc xin COVID-19 nên chị đưa các bé đi tiêm vắc xin cúm, phế cầu. Theo chị, những 
vắc xin này đều có tác dụng hỗ trợ, bảo vệ phổi nên công dụng so với vắc xin COVID-19 cũng như nhau. Hơn thế, những loại vắc xin trên đã được sử dụng lâu đời, độ kiểm chứng cao, tiêm cho trẻ sẽ an tâm hơn. Quá nhiều người cùng suy nghĩ giống chị T. nên vắc xin phế cầu ở nhiều cơ sở tiêm chủng tại TP.HCM tạm thời khan hiếm. Chị phải đặt hẹn đăng ký trước hai tuần ở một cơ sở tiêm chủng để được tiêm vắc xin này.

Cần hiểu đúng về vắc xin phòng bệnh phổi

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng Đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết hiện nay, tại đơn vị này cũng như các trung tâm tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn TP.HCM, nhu cầu tiêm một số vắc xin cho người lớn như cúm, phế cầu, bạch hầu - ho gà - uốn ván đang tăng. Không ít người đến tiêm vì nghĩ rằng thêm vắc- xin “bổ phổi”, vắc xin hỗ trợ phổi... sẽ chống lại được COVID-19. Điều này hoàn toàn sai, thậm chí có người từ chối tiêm vắc xin COVID-19 mà đi tiêm những vắc xin trả phí bởi cho rằng vắc xin trả phí mới hiệu quả.

 

Suy nghĩ về “vắc xin phòng bệnh phổi” cần được hiểu đúng là vắc xin chống lại những tác nhân khác nhau gây tổn thương phổi, thường gặp nhất là bệnh lý viêm phổi. Thông thường, bệnh lý viêm phổi cộng đồng tiên lượng tốt với những bệnh nhân trẻ tuổi hoặc khỏe mạnh, nhưng nhiều trường hợp viêm phổi có thể nghiêm trọng hoặc thậm chí gây tử vong ở bệnh nhân lớn tuổi, người có hệ miễn dịch suy yếu.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy, việc đồng nhiễm vi-rút cúm hay vi khuẩn phế cầu với vi-rút SARS-CoV-2 làm nặng thêm diễn tiến của bệnh COVID-19 ở nhóm người lớn tuổi, người suy giảm miễn dịch, vì vậy làm tăng tỷ lệ nhập viện và nằm ICU trên nhóm người này. Chính vì vậy, ở Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, đối với bệnh nhân có bệnh lý mạn tính, bệnh nhân lớn tuổi hoặc bệnh nhân đang điều trị bệnh mà có ảnh hưởng suy giảm miễn dịch thì bên cạnh lịch tiêm vắc xin COVID-19, bác sĩ đều tư vấn họ tiêm thêm vắc xin phòng bệnh lý viêm phổi do vi khuẩn phế cầu hoặc vắc xin cúm, vắc xin ho gà (tùy trường hợp). Trung bình có khoảng 80 - 100 bệnh nhân được chỉ định vắc xin phế cầu, vắc xin cúm mỗi ngày (tăng cao hơn rất nhiều so với trước đại dịch). Do tình hình đang tạm thời khan hiếm vắc xin nên những chỉ định này chưa được bệnh viện tư vấn mở rộng ở nhóm người trưởng thành trẻ khỏe mạnh.

hiều người dân ngộ nhận rằng dùng nhiều loại bổ phổi hoặc tiêm vắc xin ngừa bệnh phổi thì sẽ không bị nhiễm COVID-19
Nhiều người dân ngộ nhận rằng dùng nhiều loại bổ phổi hoặc tiêm vắc xin ngừa bệnh phổi thì sẽ không bị nhiễm COVID-19

Dùng thuốc đông y tùy tiện lợi bất cập hại

Thạc sĩ - bác sĩ Trần Thu Nga, Phòng khám Y học cổ truyền cơ sở 3 Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết trong chục ngày trở lại đây, số trường hợp tự ý sử dụng thuốc Đông y, thảo dược để bồi bổ cơ thể có dấu hiệu gia tăng. Một buổi sáng, bác sĩ Nga khám cho khoảng 15 bệnh nhân thì tới 30% sau khi được điều tra bệnh sử đều tự ý dùng thuốc. Những bệnh nhân trên mang tâm lý chung là thuốc từ thảo dược lành tính, không gây hại. Họ nghe lời chỉ dẫn của người quen uống để bồi bổ, tăng cường thể trạng trong mùa dịch. Kết quả xét nghiệm cho thấy không ít bệnh nhân men gan tăng cao, giảm độ lọc cầu thận. 

Theo bác sĩ Nga, đã gọi là thuốc thì phải có triệu chứng mới uống. Phòng ngừa COVID-19 thì cần duy trì lối sống lành mạnh, dinh dưỡng để nâng cao đề kháng, tiêm vắc xin, chứ không phải bằng cách uống thuốc thảo dược. Trong Đông y không gọi là phổi mà gọi là tạng phế (chủ về khí). Khí và huyết là nguồn nuôi dưỡng các cơ quan, góp phần điều hòa hoạt động của cơ thể. Nếu sức đề kháng, hệ miễn dịch tốt thì chính khí tốt và ngược lại phế mà kém sẽ gây rối loạn các chức năng, từ đó ảnh hưởng tới chính khí.

Bệnh của phế chủ yếu là các triệu chứng về hô hấp nhưng triệu chứng lại chưa chắc đã tương quan với tổn thương ở bên trong cơ thể. Mỗi cơ thể lại khác nhau, người mang thể hàn, người mang thể nhiệt. Thể hàn và thể nhiệt cũng được chia ra rất nhiều mức độ. Vậy nên, sử dụng thuốc Đông y thế nào cho đúng thì mỗi người cần được bác sĩ chẩn đoán, canh chỉnh liều lượng, cho những vị thuốc phù hợp chứ không phải ai cũng uống giống nhau. 

Truyền nhau dùng thuốc thảo dược để bổ phổi là hành động nông cạn. Sẽ có hai tình huống xấu có thể xảy ra. Thứ nhất, cơ thể đang bình thường thì nay vì ta uống thuốc với quan niệm sai lầm là “chặn” bệnh sẽ khiến tạng phủ phải tăng gánh nặng để chuyển hóa những chất đưa vào. Thứ hai, nếu người thể hàn mà dùng thuốc có tính hàn sẽ làm triệu chứng trầm trọng lên (tay chân lạnh, đi cầu lỏng). Còn ai thuộc thể nhiệt mà lại tăng cường quá nhiều vị thuốc mang tính nhiệt sẽ dẫn đến bị táo bón, chảy máu chân răng, sốt âm ỉ buổi chiều, thậm chí tử vong nếu lạm dụng thuốc lâu dài và không được phát hiện, can thiệp kịp thời. 

Thanh Huyền 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI