Liệu pháp mới điều trị ung thư máu thành công tới 90%

31/05/2023 - 19:33

PNO - 1 nhóm chuyên gia đã thử nghiệm sử dụng các tế bào biến đổi gen để điều trị bệnh đa u tủy xương và nhận được kết quả rất khả quan.

 

Đồ họa thể hiện liệu pháp CAR-T: tế bào lympho T được “lập trình” lại sẽ mang theo thụ thể kháng nguyên dạng khảm (CAR), giúp tế bào T có thể kết nối và tiêu diệt các tế bào ung thư B – Ảnh: Parkway Cancer Centre
Đồ họa thể hiện liệu pháp CAR-T: tế bào lympho T được “lập trình” lại sẽ mang theo thụ thể kháng nguyên dạng khảm (CAR), giúp tế bào T có thể kết nối và tiêu diệt các tế bào ung thư B - Ảnh: Parkway Cancer Centre

Bệnh đa u tủy xương là một trong các loại ung thư máu phổ biến nhất trên thế giới và cũng có độ ác tính cao. Theo số liệu của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, bệnh nhân đa u tủy xương có thời gian sống hầu như không quá 6 năm, cả khi được phát hiện và điều trị sớm.

Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y tế của Đại học Hadassah, ở thủ đô Jerusalem của Israel, đang phát triển một phương pháp điều trị có tên là Liệu pháp tế bào lympho T chứa thụ thể kháng nguyên dạng khảm, còn gọi là CAR-T, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của bệnh nhân để tiêu diệt các tế bào ung thư.

Nhóm nghiên cứu cho biết, trong số 74 bệnh nhân mắc bệnh đa u tủy xương được dùng liệu pháp này, có tới 90% trường hợp đã thuyên giảm hoàn toàn, nghĩa là không còn dấu hiệu ung thư.

Bác sĩ Polina Stepensky - trưởng khoa cấy ghép tủy xương và liệu pháp miễn dịch của Đại học Hadassah - chia sẻ với báo The Jerusalem Post: “Đây là kết quả ấn tượng. Đây là niềm hy vọng to lớn cho những bệnh nhân mắc căn bệnh chưa có thuốc chữa”.

Phương pháp điều trị này dựa trên kỹ thuật di truyền, là quá trình thay đổi cấu trúc DNA bằng công nghệ dựa trên phòng thí nghiệm. Mục tiêu là phân lập các tế bào lympho T, là những tế bào miễn dịch phát triển từ các tế bào gốc được tìm thấy trong tủy xương.

Quá trình này được thực hiện bằng phương pháp “apheresis”, để lấy các thành phần máu từ chính cơ thể bệnh nhân ung thư, từ đó tách bạch cầu và hồng cầu. Các tế bào hồng cầu mang ô xy từ phổi đến tất cả các bộ phận của cơ thể, trong khi các tế bào bạch cầu có nhiệm vụ phát hiện và tiêu diệt các tế bào bất thường.

Các tế bào lympho T, sau khi được lấy từ cơ thể bệnh nhân, sẽ được thiết kế lại để mang thụ thể kháng nguyên dạng khảm (CAR) và được tiêm lại vào bệnh nhân. Những tế bào T được “lập trình” lại sẽ có khả năng nhận diện, tấn công và tiêu diệt tế bào ung thư.

Không giống các liệu pháp miễn dịch khác, CAR-T thay đổi các tế bào T trong phòng thí nghiệm, để chúng mang theo protein CAR, là bộ phận để liên kết với các tế bào ung thư và loại bỏ chúng.

Theo nhóm nghiên cứu, các liệu pháp khác tạo ra một số lượng lớn tế bào lympho T, đôi khi không giải quyết được vấn đề, vì tế bào T thông thường không nhận diện được tế bào ung thư.

Bác sĩ Stepensky cho biết: “Chúng tôi có bằng chứng về tỉ lệ phản hồi tổng thể rất tích cực, với các tác dụng phụ chỉ vào ngưỡng tối thiểu và ở mức độ nhẹ”.

Liệu pháp CAR-T dành cho những bệnh nhân không đáp ứng thành công với các phương pháp điều trị phổ biến hơn, bao gồm steroid, hóa trị và cấy ghép tế bào gốc. Những phương pháp điều trị này có thể có tác dụng phụ nghiêm trọng. Ví dụ, cấy ghép tế bào gốc có thể dẫn đến nhiễm trùng và chảy máu.

Phương pháp điều trị này được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Hoa Kỳ chấp thuận để điều trị bệnh đa u tủy xương, cũng như một số dạng bệnh bạch cầu và ung thư hạch bạch huyết.

Tuy nhiên, liệu pháp CAR-T rất đắt đỏ, có giá từ 500.000 đến 1 triệu USD.

Theo Tổ chức Nghiên cứu đa u tủy, các tế bào ung thư ác tính tạo ra kháng thể protein M, tạo ra khối u, gây tổn thương thận, phá hủy xương và suy giảm chức năng miễn dịch.

Bệnh phổ biến nhất ở những người trên 60 tuổi, nam giới và người da màu có nhiều khả năng mắc bệnh hơn. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ ước tính, khoảng 35.000 ca mắc mới sẽ được chẩn đoán trong năm 2023, với khoảng 12.590 ca tử vong.

Trường An (theo Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI