'Liệt sĩ' đưa vợ ngoại quốc về gặp bố mẹ sau 26 năm báo tử

03/03/2019 - 06:00

PNO - Sau 40 năm bặt vô âm tín, 26 năm công nhận liệt sĩ, người đàn ông 61 tuổi đột nhiên trở về quê nhà cùng người vợ Campuchia trong sự ngỡ ngàng của người thân.

Nhiều người thân, bạn bè và bà con lối xóm đã đến ngôi nhà nhỏ của ông Ngô An Ninh (83 tuổi, trú thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) để nói chuyện, hỏi thăm và chia vui cùng gia đình khi hay tin người con trai cả của ông Ninh là Ngô An Dương (51 tuổi) vừa dẫn vợ về ra mắt gia đình sau 26 năm công nhận là liệt sĩ.

“Vui nói mô hết, tui cứ nghĩ là chết rồi mới gặp lại con trai chứ”, ông Ninh nói với ánh mắt đỏ hoe. Ông ôm chầm lấy người con trai của mình sau bao năm xa cách. Quệt dòng nước mắt xúc động, ông Ninh cho hay, ông Dương là anh cả trong gia đình có 9 anh chị em. Năm 1978, người con trai cả này lên đường nhập ngũ thuộc Đại đội 17, Trung đoàn 1, Sư đoàn 330 (đóng quân tại tỉnh An Giang) khi vừa tròn 20 tuổi.

'Liet si' dua vo ngoai quoc ve gap bo me sau 26 nam bao tu
Ông Dương cùng vợ ôm chầm lấy người cha của mình sau bao năm xa cách.

Năm 1979, ông Dương tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia và bị thương, bị tàn quân Ponpot đánh đập, đuổi bắt làm tù binh. Cũng từ đây, người con trai cả này đứt liên lạc với gia đình, đồng đội.

“Từ đó gia đình không còn nhận được thông tin gì nữa. Mãi đến năm 1993, chúng tôi mới nhận được giấy báo tử của con. Mấy chục năm qua, vợ chồng tui cứ đau đáu không biết con đang nằm ở nơi nào, đến ngày mất cũng không rõ nên gia đình chọn đại một ngày giữa tháng 6 làm ngày giỗ cho con”, bà Phạm Thị Thu (mẹ ông Dương) nói.

'Liet si' dua vo ngoai quoc ve gap bo me sau 26 nam bao tu
Giấy báo tử của ông Dương.

Nắm lấy đôi bàn tay thô cứng của mẹ mình, ông Dương kể, do bị thương nặng nên ông được người dân địa phương đưa đến đi cấp cứu ở bệnh viện sở tại. “Lúc đó tui bị thương nặng ở đầu, chẳng còn nhớ gì, lại bị sốt rét nên phải nằm điều trị đến 2 năm”, ông Dương nói. Đến khi ra viện, ông được một người dân địa phương cưu mang.

Cuộc sống của người đàn ông này cứ ngày ngày trôi qua trên những nương rẫy cùng người dân bản làng Campuchia. Năm 1990, ông Dương gặp rồi đem lòng thương một người con gái bản địa. Một năm sau, cả hai nên duyên vợ chồng với nhau, đến nay đã có chung 3 người con.

'Liet si' dua vo ngoai quoc ve gap bo me sau 26 nam bao tu
Hai vợ chồng ông Dương tiếp chuyện bạn bè, bà con lối xóm khi trở về quê nhà.

“Nơi chúng tôi ở cách rất xa trung tâm, đói và khổ lắm. Hai vợ chồng chỉ làm nghề nông, nương rẫy sống qua ngày. Nhờ được vợ và người thân dùng các loại lá cây chữa trị nên sức khỏe tôi dần hồi phục. Khoảng năm 2016 thì trí nhớ của tôi cũng dần hồi phục”, ông Dương nói. Lúc này, ông bắt đầu nhớ đến bố mẹ già ở quê nhà, người thân và quê hương.

Khoảng cuối năm 2018, tình cờ gặp được một người đàn ông quê Nghệ An khi ông nhận lời làm phiên dịch cho người này bán máy cắt gạch trên đất Campuchia, ông Dương mới viết vội mấy dòng tin nhắn nhờ người này gửi về quê nhà thông báo giúp.

“Bao năm dò tìm phần mộ con không có thông tin gì, nay đột nhiên nhận được một giấy báo tin như vậy khiến chúng tôi vừa mừng vừa lo. Đến khi xác minh chắc chắn, cả gia đình mới vỡ òa, tháo dỡ bàn thờ của con mà chúng tôi vẫn hương khói bao năm nay”, bà Thu nói.

'Liet si' dua vo ngoai quoc ve gap bo me sau 26 nam bao tu
Ông Dương thắp hương lên bàn thờ tổ tiên.

Sau nhiều tháng làm thủ tục, ông Dương dẫn theo người vợ của mình tìm về ngôi nhà cũ của mình. Gặp lại người con, người anh mất liên lạc suốt 40 năm qua, cả gia đình ôm chầm lấy nhau khóc nức nở. “Nó cùng vợ về đến cổng, tôi và mọi người nhận ra ngay, khuôn mặt già đi nhưng không thay đổi. Cả nhà ôm chầm lấy nó khóc trong vui sướng rứa”, ông Ninh nói.

Ông Đinh Văn Nam - Trưởng phòng Lao động thương binh và xã hội huyện Nghi Xuân cho biết: “Sắp tới phía phòng sẽ làm báo cáo lên sở và trước mắt sẽ tạm dừng chế độ liệt sĩ cho ông Dương. Do ông Dương chỉ về đây thăm gia đình và tiếp tục sống tại Campuchia nên cũng chưa có nguyện vọng gì khác”.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI