Liên kết "chui" bẫy người học

31/10/2016 - 06:30

PNO - Hàng loạt trường đại học miền bắc, miền trung đua nhau mở các lớp đào tạo liên thông tại TP.HCM. Người học dễ “sập bẫy” bởi đó là những chương trình chưa được cơ quan quản lý kiểm tra cấp phép và công nhận. 

Việc học chương trình cử nhân quốc tế hay chương trình cử nhân của trường đại học ở tận Đà Nẵng, Hà Nội tại TP.HCM trở nên dễ như… mua rau. Hàng loạt trường đại học miền bắc, miền trung đua nhau mở các lớp đào tạo liên thông tại TP.HCM bằng cách liên kết đào tạo với các viện, trường trung cấp tại đây. Người học dễ “sập bẫy” bởi đó là những chương trình chưa được cơ quan quản lý kiểm tra cấp phép và công nhận.

Đua nhau liên kết chiêu sinh

“Em vừa đăng ký vào chương trình liên thông đại học (ĐH) của trường Trung học Thủy sản (511 An Dương Vương, P.An Lạc, Q.Bình Tân) để lấy bằng của ĐH Nha Trang. Trường cam kết chỉ cần học tại TP.HCM, không tốn nhiều thời gian và chi phí đi lại cũng có thể hoàn thành chương trình cử nhân”, M.T. hớn hở khoe.

Trong vai người học, phóng viên tìm đến trường này. Nhân viên Phòng Tuyển sinh của trường nhanh nhảu “tiếp thị”: “Bạn học ngành công nghệ thông tin đi, lớp sắp đủ để khai giảng rồi. Học ở đây là bằng ĐH chính quy do Trường ĐH Nha Trang cấp”. Nhân viên này phát cho hai bộ hồ sơ với lời dặn: “Hồ sơ 130.000đ/bộ nhưng khi nào nộp mới thu tiền”.

Những thông báo chiêu sinh tương tự chủ yếu “ẩn mình” tại cơ sở đào tạo hoặc website. Dò tìm, chúng tôi mới vỡ lẽ, Trường ĐH Nha Trang “bắt tay” với Trường Trung học Thủy sản thông báo tuyển sinh liên thông ĐH rất nhiều ngành, loại hình đào tạo. Cụ thể, hai đơn vị này tuyển sinh từ trung cấp lên ĐH các ngành kế toán, công nghệ kỹ thuật nhiệt lạnh, công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, công nghệ chế biến thủy sản, nuôi trồng thủy sản, công nghệ thông tin. Ngoài ra, Trường Trung học Thủy sản còn thông báo tuyển sinh hệ ĐH vừa làm vừa học ngành quản trị kinh doanh.

Lien ket
Hàng loạt trường trung cấp “bắt tay” với các đại học chiêu sinh chương trình cử nhân trong nước, cử nhân quốc tế

Cách đó không xa, Viện Kinh tế và công nghệ Đông Á (số 1, Đường số 1, P.An Lạc, Q.Bình Tân) cũng giăng băng rôn quảng cáo: Trường ĐH Duy Tân tuyển sinh liên thông chương trình cử nhân, kỹ sư đại học trực tuyến: quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, kế toán, công nghệ thông tin, kỹ thuật công trình xây dựng, ngôn ngữ Anh. “Chương trình do Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) cấp bằng. Người học sẽ học tại đây hoặc tại số 50 Thành Thái, P.12, Q.10. Ngành kỹ thuật công trình xây dựng sắp mở lớp nên tranh thủ đăng ký để được học sớm”, một nhân viên tư vấn đon đả.

“Hoành tráng” hơn là Trường Trung cấp Công nghệ thông tin Sài Gòn (SITC, địa chỉ 311-319 Gia Phú, P.1, Q.6). Trường này thông báo chiêu sinh chương trình cử nhân quốc tế 2+2 hợp tác cùng Trường ĐH Bangkok (Thái Lan). Theo thông báo, hai năm đầu, sinh viên học tại SITC (tiếng Anh và được cấp bằng TCCN), hai năm cuối chuyển tiếp học chương trình ĐH và được Trường ĐH Bangkok cấp bằng cử nhân quốc tế.

Học phí hai năm đầu tại Việt Nam là 11.500.000đ, cộng thêm học phí tiếng Anh tăng cường 2,7 triệu đồng/học kỳ (năm đầu) và 3,3 triệu đồng/học kỳ (năm thứ hai). Học phí tại Trường ĐH Bangkok từ 2.500- 3.500 USD/năm học. Người học còn được chào mời hấp dẫn rằng nếu đăng ký sớm sẽ có chuyến du lịch Thái Lan miễn phí…

Hàng loạt trường “Nam tiến” để chiêu sinh người học tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. Cụ thể, Trường ĐH Nội vụ Hà Nội liên kết với Trung cấp Văn thư lưu trữ Trung ương (Q.Gò Vấp); Trường ĐH Luật (ĐH Huế) phối hợp Trường CĐ Công thương TP.HCM (Q.9)… Với sự hấp dẫn của bằng cấp, điều kiện tuyển sinh không quá khó, những khóa đào tạo này đang thu hút nhiều người theo học.

Đào tạo "chui"

Về việc hàng loạt các trường ĐH đang thực hiện liên kết tuyển sinh, đào tạo với các trường trung cấp tại TP.HCM, ông Trương Văn Hùng, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và ĐH (Sở GD-ĐT TP.HCM) nói: “Chúng tôi đã kiểm tra những đơn vị này và đúng là chưa có sự đồng ý từ Sở GD-ĐT. Sở cũng chưa nhận văn bản báo cáo hay xin phép nào từ phía các trường liên kết”.

Một cán bộ quản lý của Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM cho biết: “Người học cần chọn các chương trình đào tạo đã được cơ quan chức năng kiểm duyệt, cho phép để đảm bảo quyền lợi cho mình. Việc nở rộ những lớp chiêu sinh “chui” thế này chẳng khác nào giăng bẫy người học. Chúng tôi sẽ kiểm tra và xử lý khi phát hiện sai phạm”.

Quy chế đào tạo từ xa của Bộ GD-ĐT quy định, các chương trình đào tạo trọn khóa có cấp bằng tốt nghiệp (ĐH, CĐ, THCN), việc mở khóa đào tạo chỉ mở những ngành mà nhà trường đào tạo ở các hệ chính quy tập trung. Đối với các ĐH mở và ĐH chuyên đào tạo từ xa, Bộ sẽ duyệt cho mở từng ngành cụ thể.

Ngoài ra, quy chế cũng nêu rõ, các chương trình đào tạo ở các địa phương phải có văn bản thỏa thuận giữa nhà trường với trạm giáo dục từ xa (nếu đặt ở các trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, thành phố) phải có ý kiến của UBND tỉnh, thành phố hoặc sở GD-ĐT địa phương.

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI