“Đại ca” lớp 5

30/10/2016 - 14:32

PNO - Vì muốn gia nhập “băng nhóm” chừng bảy bạn trai ấy, hàng tháng Tin phải đóng tiền cống nạp cho “đại ca” - là một bạn học chung, để được làm giang hồ, để không bị các bạn bắt nạt và không bị “băng nhóm” khác ức hiếp.

Mẹ nói với tôi: “Hình như Tin lấy của mẹ 200.000đ. Lần trước mẹ cũng mất, mà không biết tại sao. Lần này, mẹ băn khoăn mãi mới nói ra suy nghĩ này”. Tôi giật mình. Tin là con trai lớn của vợ chồng tôi, cháu học lớp 5, tính tình nhút nhát như con gái.

Nhớ lại, đôi lần tôi cũng phát hiện mình hụt tiền, một vài trăm thôi, nhưng lại nghĩ mình mua thứ gì đó mà quên. Tôi đem chuyện của bà ngoại nói với chồng và bàn với chồng cùng theo dõi con xem sao.

Một tuần trôi qua, chúng tôi thấy cháu vẫn bình thường, không có vẻ dư tiền để mua linh tinh, cũng không thấy cháu khác thường khi trò chuyện với bà ngoại. Vợ chồng tôi bắt đầu lung lay, cho rằng bà ngoại nhớ nhầm.

Đùng cái, phụ huynh của một bạn nam trong lớp Tin báo với giáo viên về việc các bạn trong lớp trấn lột con chị ấy. Khi cô giáo tra hỏi thì biết trong đám trấn lột có cả Tin nhà tôi. Mọi việc vỡ lở. Hóa ra, vì muốn gia nhập “băng nhóm” chừng bảy bạn trai ấy, hàng tháng Tin phải đóng tiền cống nạp cho “đại ca” - là một bạn học chung, để được làm giang hồ, để không bị các bạn bắt nạt và không bị “băng nhóm” khác ức hiếp.

Tôi hoảng hốt. Chồng tôi một mực đòi chuyển trường cho con, nhưng năm nay là năm cuối cấp nên tôi cũng e ngại đủ chuyện. Mong chuyên gia một lời khuyên.

Gia Hảo (Q.2, TP.HCM)

“Dai ca” lop 5

Chị Gia Hảo mến,

Chắc chắn đây là chuyện mà cha mẹ nào gặp cũng sẽ sốc và lo lắng. Các cháu mới học bậc tiểu học đã có hiện tượng băng nhóm, đại ca… Trước đây, nếu có những chuyện như thế này thì thường gặp ở những lớp cấp II hơn. Vì sao? Có lẽ chúng ta cần bàn với giáo viên và nhà trường xem vấn đề sát sao với học sinh, quản lý học sinh đang có chỗ nào cần cải thiện?

Và từ phía cha mẹ, như chị cũng thấy, việc thiếu quan tâm đến con, ít hỏi han chuyện trường lớp của con đã khiến anh chị không nhận ra cháu sợ bị bắt nạt nên phải tham gia băng nhóm, phải lén lút lấy trộm tiền của mẹ, của bà… Chuyện xảy ra không phải ngày một ngày hai. Hoạt động nhóm bạn bắt nạt nhau, thu tiền của bạn bè có lẽ đã diễn ra từ lâu mà thầy cô, cha mẹ đều không biết.

Điều quan trọng nhất bây giờ không phải là chuyển trường, anh chị cần tâm sự với con để hiểu sự việc và phân tích đúng sai, để dạy bảo cháu về việc ăn trộm và chuyện hùa nhau đi bắt nạt bạn bè. Đây cũng là cơ hội tốt để anh chị quan tâm hơn đến con.

Cháu có thể chưa đủ nhận biết việc đúng, việc sai, chưa đủ dũng cảm để nói không với nhóm bạn. Cháu nhút nhát nên việc tham gia băng nhóm là để cháu tự bảo vệ mình khỏi những trò bắt nạt của chính các bạn trong nhóm đó hoặc nhóm khác. Cháu và các bạn đang lớn rất nhanh. Tâm lý tuổi tiền dậy thì và dậy thì có đặc điểm như coi trọng bạn bè, muốn mình ở trong một nhóm nào đó chứ không muốn mình bị cô lập.

Có thể cháu biết việc lấy tiền của mẹ, của bà đưa cho nhóm bạn là xấu nhưng cháu không thể không làm. Cha mẹ cần thông cảm cho con, bao dung lỗi này để con thấy mình được yêu thương, được tha thứ, từ đó mới có cảm giác an toàn khi nói chuyện với ba mẹ, không sợ bị la mắng… Đôi khi cha mẹ vì khó kiểm soát cảm xúc, hay nóng giận nên con cái thấy xa cách, thấy sợ… không dám tâm sự chuyện gì không vui.

Anh chị cũng nên trao đổi với giáo viên chủ nhiệm để tìm cách giải quyết vấn đề băng nhóm và bắt nạt trong lớp. Chuyện này khá tế nhị, nên nếu giáo viên vội la mắng, xử phạt các em thì sẽ chỉ trấn áp được giai đoạn nhất thời. Sớm muộn chuyện bắt nạt vẫn sẽ tiếp tục xảy ra, thậm chí nặng nề hơn với những em có “tội méc” phụ huynh và giáo viên.

Giáo viên có thể tạo điều kiện cho cả lớp hoạt động chung để các em hòa đồng, biết chơi cùng nhau dưới sự giám sát của giáo viên để em nào cũng có cơ hội thể hiện bản thân, bớt nhút nhát, hiểu và gần gũi bạn bè hơn. Giáo viên có thể kể chuyện hay cho lớp đóng kịch phê phán chuyện bắt nạt lẫn nhau để các bé tự nhận ra cảm nhận của người bị bắt nạt, hình ảnh người bắt nạt xấu như thế nào. Giáo viên khéo léo giao cho bạn đại ca vai người bị bắt nạt, và giao cho bạn bị bắt nạt làm đại ca…

Rất mong cha mẹ và giáo viên cùng phối hợp chấm dứt nạn bắt nạt này để trẻ yên tâm đến lớp, tránh những hậu quả tiếp theo như nói dối hay lấy trộm tiền. Chúc anh chị ngày càng gần gũi con hơn, giúp cháu tự tin, trung thực và dũng cảm!

Chuyên viên tâm lý Phạm Thị Thúy

Tư vấn dành cho cha mẹ: Thư cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ: tuvandanhchochame@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI